Tăng cường phối hợp xử lý “cát tặc”

Chiều 22-11, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM chủ trì hội nghị “Công tác phối hợp kiểm tra, xử lý khai thác vận chuyển cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ và vùng giáp ranh thành phố với các tỉnh”.
Bộ đội Biên phòng TPHCM bắt giữ các tàu khai thác cát lậu trên vùng biển Cần Giờ (tháng 11-2019)
Bộ đội Biên phòng TPHCM bắt giữ các tàu khai thác cát lậu trên vùng biển Cần Giờ (tháng 11-2019)

Khai thác cát lậu bất kể ngày đêm

Báo động về tình trạng khai thác cát trái phép, Bộ đội Biên phòng TPHCM cho biết, trong 2 năm 2017, 2018 đơn vị phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính 126 vụ/223 đương sự/207 lượt phương tiện, với số tiền gần 4 tỷ đồng; tịch thu trên 31.000m³ cát, gần 300 máy hút cát và 10 ghe gỗ. 10 tháng đầu năm 2019, đơn vị trực tiếp phát hiện và bắt giữ 25 vụ/31 phương tiện khai thác, vận chuyển cát trái phép, xử phạt gần 500 triệu đồng, tịch thu 4.900m³ cát. Mới nhất, vào trưa 4-11, Bộ đội Biên phòng Cần Thạnh - Bộ đội Biên phòng TPHCM phát hiện 3 xà lan được trang bị hàng chục máy hút cát với công suất lớn, đang hút cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong chứng kiến lễ ký kết giữa biên phòng TP và các tỉnh
Đa số các xà lan khai thác cát lậu tại khu vực cửa biển Cần Giờ đều đến từ các tỉnh phía Bắc. Sau khi khai thác xong, nhóm tàu này rút ống, di chuyển về phía tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để tập kết cát. Sau vài giờ, nhóm tàu lại trở ra hoạt động tiếp. Tình trạng này đã diễn ra từ rất lâu. Thậm chí nhiều lần số lượng xà lan còn lên đến hàng chục chiếc cùng hoạt động. Mỗi xà lan có khả năng hoạt động liên tục lên đến 15 tiếng đồng hồ, mỗi giờ có thể khai thác hàng trăm m³ cát.


Đại tá Tô Danh Út, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng TPHCM, cho biết thêm, các đối tượng thường tổ chức khai thác cát trái phép vào ban đêm và bố trí lực lượng cảnh giới. Khi phát hiện cơ quan chức năng tuần tra, kiểm soát liền thông báo cho đồng bọn rút vòi bơm, xả cát xuống biển, sông và chạy trốn hoặc tự đánh chìm phương tiện để phi tang chứng cứ. Mổ xẻ thêm về phương thức, thủ đoạn mới của đối tượng khai thác cát lậu, Thượng tá Lương Đại Thủy, Trưởng phòng PC05 - Công an Đồng Nai chỉ rõ, điểm nóng trong khai thác cát lậu giữa Đồng Nai và TPHCM là khu vực Đồng Tranh. Kiểm tra 10 phương tiện thì 8 phương tiện vi phạm khai thác cát lậu. Hiện các đối tượng “lách luật” khi sử dụng ghe nhỏ, khai thác khối lượng cát khoảng 10m³. Vì theo quy định pháp luật, biện pháp tịch thu tang vật chỉ áp dụng được đối với những trường hợp khối lượng cát khai thác trái phép từ 50m³ trở lên. “Đây là chiêu thức mới các đối tượng khai thác cát lậu”, Thượng tá Lương Đại Thủy cho biết.

Cơ chế phối hợp phải hiệu quả

Đại diện các tỉnh Tiền Giang, Bà Rịa -Vũng Tàu và Đồng Nai cũng nhất trí với kế hoạch phối hợp đấu tranh phòng, chống khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ và vùng giáp ranh giữa TPHCM với các tỉnh do Biên phòng TPHCM soạn thảo; đồng thời cho biết tiếp tục phối hợp và cung cấp thông tin tình hình khai thác các mỏ cát hợp pháp, giúp TPHCM kiểm tra việc vận chuyển cát trái phép, làm cơ sở cho đấu tranh, xử lý vi phạm khai thác, vận chuyển, mua bán cát lậu.

Đánh giá về tình hình khai thác, vận chuyển cát trái phép trên địa bàn TPHCM nói chung và tại vùng biển Cần Giờ giáp ranh với vùng biển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Tiền Giang nói riêng ngày càng diễn biến phức tạp, đồng chí Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, Thành ủy, UBND TP đã tổ chức nhiều hội thảo, các cuộc họp bàn giải pháp phối hợp và chỉ đạo quyết liệt các cơ quan chức năng thành phố tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, vận chuyển cát trái phép trên địa bàn. Các lực lượng chức năng tích cực triển khai các biện pháp, giải pháp phòng ngừa, đấu tranh, xử lý và đạt được kết quả tích cực.

Đặc biệt, ngày 3-6-2019, UBND TP đã ban hành và triển khai Đề án “Phòng, chống khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ và vùng giáp ranh giữa thành phố với các tỉnh”. Theo đó, thành phố đã quyết định đầu tư kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương cho các lực lượng, trong đó có bộ đội biên phòng xây dựng “chốt” kiểm soát trên biển; mua sắm trang thiết bị, phương tiện vừa phục vụ công tác bảo vệ chủ quyền trên biên giới biển vừa phục vụ công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong khai thác cát trái phép. TPHCM đề nghị Bộ Tư lệnh Biên phòng chỉ đạo bộ chỉ huy biên phòng các tỉnh giáp ranh với TPHCM có cơ chế phối hợp thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin, hình ảnh liên quan đến người, phương tiện hoạt động khai thác khoáng sản cho Biên phòng TP nắm để kịp thời chỉ đạo các đơn vị triển khai lực lượng bắt giữ, xử lý.

Đồng chí Nguyễn Thành Phong kết luận: “UBND TP, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã cùng các tỉnh họp bàn thảo luận các giải pháp và chỉ đạo Biên phòng TP, các địa phương ký kết kế hoạch phối hợp trong đấu tranh, kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác, vận chuyển cát trái phép. Đây là cơ chế phối hợp hiệu quả nhằm giải quyết những bất cập từ quá trình thực thi nhiệm vụ của các lực lượng chức năng thời gian qua”. 

Tin cùng chuyên mục