(SGGP).- Hôm qua 6-2, các bến tàu, bến xe Hà Nội đều đông nghẹt hành khách đổ về quê ăn tết trong đó phần lớn là học sinh, sinh viên. Từ 7 đến 8 giờ sáng, bến xe Giáp Bát có hàng trăm xe xuất bến, vài phút một chuyến, chuyến nào cũng kín khách. Một số xe có hiện tượng nhồi nhét khách quá quy định ngay tại bến. Tại các bến xe khác như Lương Yên, Mỹ Đình, Gia Lâm… tình hình cũng diễn ra tương tự.
Theo ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Bến xe phía Nam Hà Nội, hết ngày 6-2 lượng khách học sinh, sinh viên về quê ăn tết đã cơ bản được giải quyết. Tuy nhiên, trong những ngày tới, lựợng khách sẽ tiếp tục tăng lên. Cao điểm nhất là ngày 10 và 11-2 (tức ngày 27 và 28 Tết) khi cán bộ công chức được nghỉ tết và sau đó là lực lượng lao động tự do. Mặc dù Sở GT-VT Hà Nội đã yêu cầu các tuyến vận tải khách giảm 10% giá vé cho bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thương bệnh binh, nạn nhân chất độc da cam và học sinh, sinh viên... Tuy nhiên thực tế, việc mua được vé giảm giá không dễ dàng.
Tại bến xe liên tỉnh Đà Lạt mỗi ngày xuất bến hơn 150 chuyến về các tỉnh với hơn 3.000 lượt khách. Các tuyến đi TPHCM, Nha Trang, Vũng Tàu không tăng giá vé. Tuy nhiên, các tuyến về miền Trung và miền Bắc, giá vé tăng 20% - 60%. Một số người còn phải mua vé về Bắc với giá 600 - 700 ngàn đồng/lượt/người, tăng 120% so với ngày thường. Để tiết kiệm, một số khách chọn giải pháp đi hai chặng: từ Đà Lạt về Nha Trang và từ Nha Trang về Bắc.
Tại TP Quy Nhơn (Bình Định), tình trạng khan hiếm vé xe đi các tỉnh lân cận là cơ hội cho các loại xe dù kém chất lượng và các “cò” xe hoành hành. Giá vé tại Bến xe Quy Nhơn không tăng nhưng xe dù chạy đi các tỉnh lân cận tự tăng giá cước. Giá cước đi từ Quy Nhơn đến TP Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi) tăng lên 60.000 đồng/người (ngày thường 40.000 đồng), Quy Nhơn - Đà Nẵng là 100.000 đồng/người (giá vé tại bến là 75.000 đồng)...
Nhóm PV