Tăng hấp dẫn vốn khối ngoại

Đáng lưu ý, để tăng sức hút đối dòng vốn ngoại, cơ quan quản lý đã thực hiện các giải pháp tăng quy mô và thanh khoản cho thị trường chứng khoán và triển khai các sản phẩm mới.
Toàn cảnh buổi hội thảo
Toàn cảnh buổi hội thảo

Nhằm khơi thông thị trường vốn Việt Nam trong thời gian tới, ngày 8-5, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) và Nhóm Công tác Thị trường Vốn - Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) tổ chức hội thảo “Tăng cường việc tiếp cận thị trường vốn Việt Nam”.

Theo đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thị trường vốn ở Việt Nam đã góp phần quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu huy động và phân bổ các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Trong đó, thị trường chứng khoán đã từng bước là kênh huy động vốn quan trọng, nhất là đối với chính quyền các địa phương và doanh nghiệp. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã bắt đầu quan tâm và tham gia huy động vốn trên thị trường chứng khoán để đa dạng hóa hoạt động sản xuất và kinh doanh.

Ông Lê Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc đầu tư Công ty quản lý Quỹ Dragon capital cho biết, tính đến hết ngày 31-12-2018, tổng dư nợ tín dụng của Việt Nam là 310 tỷ USD, trong khi quy mô thị trường chứng khoán đạt 170 tỷ USD. Tổng vốn hóa trên 2 sàn niêm yết là HOSE và HNX đạt 145 tỷ USD. Tổng vốn hóa nhà đầu tư nước ngoài đang nắm giữ trên hai sàn này đạt 35 tỷ USD; số cổ phần tối đa mà nhà đầu tư nước ngoài được phép sở hữu (room) của nhà đầu tư nước ngoài còn lại là 18 tỷ USD.

Đáng lưu ý, để tăng sức hút đối dòng vốn ngoại, cơ quan quản lý đã thực hiện các giải pháp tăng quy mô và thanh khoản cho thị trường chứng khoán và triển khai các sản phẩm mới. Hiện đã có thị trường chứng khoán phái sinh với hợp đồng tương lai chỉ số VN30 và sắp tới sẽ có thêm Hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và Chứng quyền có đảm bảo tại TPHCM.

Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Việt Hà, thành viên chuyên trách Hội đồng quản trị Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) cho biết, trên HOSE hiện nay có 317 công ty có tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài có room nước ngoài là 49%, 25% doanh nghiệp mở room cho NĐT nước ngoài lên 100%. Như vậy, tỉ lệ 51% trên 376 công ty là tỉ lệ tương đối thấp, chỉ có khoảng 13,6% công ty thay đổi tỷ lệ sở hữu nước ngoài (room).

Cũng theo bà Việt Hà cho hay, để tăng sức hút dòng vốn ngoại, bên cạnh cổ phiếu, HOSE đang triển khai sản phẩm chứng chỉ quỹ ETF và dự kiến triển khai chứng quyền có đảm bảo vào tháng 6. HOSE cũng đang nghiên cứu cổ phiếu không có quyền biểu quyết (FOL) và Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR).

Tin cùng chuyên mục