Những điểm mới của Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ TPHCM
Nhiệm kỳ 2015-2020, TPHCM đặt ra mục tiêu nằm trong nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước về xếp hạng chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số cải cách hành chính (PAR-index). Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở Nội vụ Trương Văn Lắm xung quanh mục tiêu được xem là táo bạo này của TPHCM.
* PV: Vì sao Đảng bộ TPHCM đặt ra mục tiêu này, thưa ông?
- Giám đốc Sở Nội vụ TRƯƠNG VĂN LẮM: Nhiệm kỳ 2010-2015, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP đã bám sát thực tiễn, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận trong xã hội, hoàn thành cơ bản các mục tiêu, nhiệm vụ như Nghị quyết Đại hội IX Đảng bộ TP đề ra. Tuy nhiên, thời gian qua công tác cải cách hành chính (CCHC); hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn hạn chế, chậm giải quyết, gây bức xúc cho nhân dân. Nếu chúng ta khắc phục được tồn tại, yếu kém này thì TP sẽ phát triển nhanh, bền vững hơn, phục vụ nhân dân tốt hơn, chất lượng cuộc sống của nhân dân TP sẽ nâng cao hơn. Đó là mong muốn và quyết tâm của Đảng bộ TP trong nhiệm kỳ 2015-2020, vì vậy mới đặt ra chỉ tiêu trên.
* Có ý kiến cho rằng PAPI và PCI là góc nhìn của người dân, doanh nghiệp, còn chỉ số CCHC của Bộ Nội vụ là do cán bộ tự đánh giá, ông nghĩ như thế nào về ý kiến này?
- Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh PAPI là sản phẩm của hoạt động hợp tác nghiên cứu giữa Trung tâm Nghiên cứu Phát triển - Hỗ trợ cộng đồng (CECODES) thuộc Liên hiệp Các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc UNDP tại Việt Nam từ năm 2009 đến nay. Nội dung đánh giá của PAPI dựa trên 3 quá trình có tác động lẫn nhau, là xây dựng chính sách, thực thi chính sách và giám sát việc cung ứng các dịch vụ công; với 6 tiêu chí: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công.
Còn PCI do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nghiên cứu, xác định để đánh giá và xếp hạng cấp tỉnh, TP trong việc xây dựng, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển của doanh nghiệp, dân doanh. Sở Kế hoạch - Đầu tư đã được giao nhiệm vụ làm đầu mối theo dõi, đôn đốc, tổng hợp tình hình thực hiện PCI và PAPI để tham mưu UBND TPHCM chỉ đạo kịp thời.
Riêng PAR-index do Bộ Nội vụ ban hành. PAR-index cấp tỉnh được xác định trên 8 nhóm lĩnh vực, 34 tiêu chí và 104 tiêu chí thành phần, với thang điểm đánh giá là 100 trên cơ sở đánh giá của cấp tỉnh; điểm đánh giá thông qua điều tra xã hội học từ các phiếu khảo sát của đại biểu HĐND TP, lãnh đạo cấp sở, cấp huyện, người dân và doanh nghiệp. Việc tự đánh giá của TP phải dựa trên cơ sở những nội dung, công việc đã làm việc, phải có tài liệu chứng minh kèm theo. Các bộ ngành trung ương sẽ thẩm định và đánh giá độ tin cậy của nội dung tự đánh giá đó.
Việc công bố PAR-index sẽ giúp UBND TP nhìn nhận, đánh giá những nội dung làm tốt và mặt còn hạn chế để có chỉ đạo xử lý kịp thời những tồn tại, hạn chế. Điều quan trọng là nâng cao trách nhiệm, vai trò của thủ trưởng các sở ngành, chủ tịch UBND quận huyện tham mưu cho UBND TP chỉ đạo thực hiện công tác CCHC trên địa bàn tốt hơn, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, tạo thuận lợi, giảm phiền hà, tăng sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.
Người dân nhận xét về thái độ phục vụ tại Ủy ban Nhân dân quận 1. Ảnh: VIỆT DŨNG
* Dù đã nỗ lực, nhưng trên thực tế một bộ phận người dân vẫn chưa thật sự hài lòng về tính minh bạch ở một số lĩnh vực. Để đạt được kết quả như mục tiêu nghị quyết đề ra thì TPHCM sẽ phải vượt qua không ít lực cản. Theo ông, lực cản nào là lớn nhất? TPHCM làm thế nào để cạnh tranh vị trí dẫn đầu và đáp ứng ngày càng tốt hơn các dịch vụ hành chính công?
- Lãnh đạo TP luôn quan tâm, xác định công tác CCHC là một nhiệm vụ trọng tâm. Để đạt được kết quả như Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ TP đề ra, TP sẽ phải vượt qua không ít lực cản, phải có sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị.
Để công tác kiểm soát thủ tục hành chính ngày càng đi vào nề nếp, trong những năm tới, TP sẽ tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thủ tục hành chính; đẩy mạnh tuyên truyền; rà soát, đơn giản hóa, liên thông nhóm thủ tục hành chính; cố gắng phấn đấu mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp về thủ tục hành chính ở mức trên 80% vào năm 2020. Đẩy mạnh CCHC gắn liền với tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm rút ngắn quy trình xử lý; công khai hóa và đơn giản hóa thủ tục hành chính. Tăng cường trách nhiệm của thủ trưởng sở ngành, chủ tịch UBND quận huyện trong công tác thanh tra, kiểm tra việc thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ công chức tại chính cơ quan, đơn vị, địa phương mà mình phụ trách. Thường xuyên tổ chức thanh tra công vụ định kỳ và đột xuất, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh những cán bộ công chức - viên chức có thái độ nhũng nhiễu, thiếu ý thức phục vụ dân. Nơi nào nếu để xảy ra sai phạm sẽ xử lý trách nhiệm của công chức sai phạm đồng thời xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị đó.
TP đang nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, nâng cấp dịch vụ công trực tuyến 100% thủ tục hành chính lên mức độ 3, mức độ 4 trong năm 2016 và những năm tiếp theo, tạo thuận lợi trong tiếp nhận và trả kết quả theo mô hình một cửa liên thông hiện đại, qua đó góp phần làm giảm thời gian, chi phí, giảm phiền hà và tăng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.
HỒNG HIỆP (thực hiện)