Tăng liên kết để cạnh tranh

Theo Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng phê duyệt, đến năm 2025, thuốc sản xuất trong nước chiếm 75% sản lượng sử dụng và 60% giá trị thị trường.

Tuy nhiên, mục tiêu trên là thách thức lớn đối với ngành dược khi hiện nay thuốc sản xuất trong nước mới chỉ chiếm hơn 50% thị phần dược phẩm tại Việt Nam.

Đóng gói thành phẩm thuốc Molarvir điều trị Covid-19 tại Việt Nam

Đóng gói thành phẩm thuốc Molarvir điều trị Covid-19 tại Việt Nam

PGS-TS Trần Thị Oanh, nguyên Phó Cục trưởng Khoa học - công nghệ và đào tạo, Bộ Y tế, thừa nhận, mặc dù đã có nhiều nghiên cứu về dược liệu được thực hiện ở các bộ, ngành, địa phương nhưng thiếu dữ liệu liên kết, dẫn đến nhiều nghiên cứu chồng chéo nhau, thậm chí lặp lại các nghiên cứu đã làm trước đây, dẫn đến lãng phí nguồn lực. Hơn nữa, nhiều nghiên cứu chủ yếu là nghiên cứu cơ bản, được thực hiện rời rạc, theo ý tưởng của các nhà khoa học thường không được thực hiện đến sản phẩm cuối cùng, dẫn đến thiếu thực tiễn và không được ứng dụng trong thực tế.

Hiện các DN dược trong nước đã sản xuất được hầu hết các dạng thuốc nhưng để có thể cạnh tranh với hàng ngoại nhập và để thuốc nội có chỗ đứng vững chắc hơn trên thị trường đòi hỏi cần nâng cấp tiêu chuẩn nhà máy sản xuất thuốc, đẩy mạnh nghiên cứu, hợp tác với các DN nước ngoài để chuyển giao công nghệ sản xuất các biệt dược gốc, thuốc có dạng bào chế hiện đại. Ông Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), cho biết, ngoài việc tăng cường hợp tác với các đối tác nước ngoài để được chuyển giao công nghệ, nâng chất lượng sản phẩm, DN dược Việt Nam nên ưu tiên phát triển nguồn dược liệu sẵn có trong nước để phục vụ công nghiệp bào chế và phát triển sản xuất thuốc, hạn chế tối đa việc nhập nguyên liệu. Do đó, DN dược nên kết hợp cùng người dân bản địa nỗ lực xây dựng và quy hoạch phát triển dược liệu, đặc biệt về bảo tồn và phát triển nguồn gen dược liệu quý hiếm.

Công nghệ 4.0 ngày càng phổ biến, đòi hỏi DN dược đẩy mạnh khai thác thương mại điện tử nhằm quảng bá thuốc, quảng bá hình ảnh DN, tiếp cận thị trường, đẩy mạnh doanh thu, tăng lợi nhuận. Đặc biệt, trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập, cạnh tranh và hướng tới nền kinh tế tri thức, trình độ nhân lực mang tính chiến lược, quyết định đến sự tồn vong của DN. Các DN dược nên xem xét việc xây dựng quỹ riêng cho phát triển nguồn nhân lực, liên kết hợp tác với các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp trong khu vực và quốc tế để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của DN.

Theo Cục Quản lý dược, tới thời điểm này, Bộ Y tế đã có quy định nhằm tăng cường việc sử dụng thuốc sản xuất trong nước trong hệ thống cơ sở điều trị, mà quan trọng nhất là Thông tư 15/2019/TT-BYT quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập. Theo đó, hoạt động mua thuốc của bệnh viện công lập sẽ thông qua quá trình đấu thầu được phân chia theo tiêu chuẩn chất lượng; trong đó 2 nhóm thuốc cao nhất, chiếm khoảng 60% giá trị gói thầu thuốc generic được giới hạn cho thuốc đạt chuẩn EU-GMP hoặc tương đương. Tuy nhiên, vì tiêu chuẩn sản xuất thấp khiến nhiều DN trong nước không thể tham gia vào phân khúc thuốc chất lượng cao tại kênh bệnh viện (nhóm 1 và nhóm 2 là các loại biệt dược gốc, thuốc đặc trị, thuốc hiếm có giá thành cao). Với nhóm thuốc cấp thấp hơn (nhóm 3-5) lại chịu sự cạnh tranh khốc liệt của nhiều đơn vị trong và ngoài nước. Do vậy, với DN sản xuất dược nếu có thể đạt được các tiêu chuẩn cao trong sản xuất như EU-GMP sẽ tăng được năng lực cạnh tranh, tăng khả năng trúng thầu vào bệnh viện.

Những điểm sáng

Công ty CP Dược Hậu Giang là một trong những DN dược lớn nhất Việt Nam xét về doanh thu và vốn hóa thị trường. DN này hiện sở hữu danh mục hơn 300 sản phẩm, mạng lưới phân phối 28.000 nhà thuốc đại lý rộng khắp cả nước và thị trường xuất khẩu trải dài 14 quốc gia. DN này cũng sở hữu 2 dây chuyền sản xuất đạt tiêu chuẩn Japan-GMP do Cơ quan Dược phẩm và Thiết bị y tế Nhật Bản (PMDA) cấp.

Công ty Traphaco đã tiên phong ứng dụng công nghệ mới để tăng năng lực cạnh tranh với việc xây dựng các nhà máy đạt tiêu chuẩn thực hành sản xuất thuốc tốt (GMP- WHO) về đông dược, phát triển các vùng trồng dược liệu đạt tiêu chuẩn GACP-WHO; đồng thời xây dựng nhà máy tân dược thông minh 4.0 và chuỗi phân phối toàn quốc với hàng chục chi nhánh và khoảng 27.000 nhà thuốc.

Công ty CP Phát triển dược liệu Gia Lai đã nghiên cứu, trồng nhiều cây thuốc nội, có nhu cầu cao trên thị trường Việt Nam và thế giới như đại hoàng, đan sâm, bạch chỉ, ngưu tất, đại liền, sâm ngọc linh, cúc hoa… DN này đã có xưởng đạt tiêu chuẩn GMP, tập trung vào việc nghiên cứu chiết tách tinh chất từ các dược liệu thu hái tại địa phương, đạt tiêu chuẩn quốc tế để xuất khẩu và phát triển các sản phẩm từ nguyên liệu chất lượng cao.

Theo Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), Việt Nam hiện có khoảng 250 nhà máy sản xuất thuốc, 200 cơ sở xuất nhập khẩu, 4.300 đại lý bán buôn và hơn 62.000 đại lý bán lẻ thuốc. Phần lớn các nhà máy sản xuất thuốc đều đạt tiêu chuẩn thực hành sản xuất thuốc tốt (WHO-GMP). Qua đánh giá của các tổ chức quốc tế, quy mô thị trường dược phẩm Việt Nam có giá trị khoảng 6,2-6,4 tỷ USD/năm, tốc độ tăng trưởng trên 9%/năm.

Tin cùng chuyên mục