Tăng phí đỗ ô tô để làm giảm kẹt xe là không hợp lý

“Nếu thu phí đỗ ô tô dưới lòng đường quá cao, người dân sẽ không dừng đỗ ở lòng đường mà tràn vào các hẻm, dừng đỗ ô tô bất chấp”, luật sư Nguyễn Văn Hậu phân tích.
Quang cảnh hội nghị phản biện đề xuất tăng phí tạm dừng đỗ ô tô dưới lòng đường. Ảnh: KIỀU PHONG
Quang cảnh hội nghị phản biện đề xuất tăng phí tạm dừng đỗ ô tô dưới lòng đường. Ảnh: KIỀU PHONG

Tại hội nghị phản biện xã hội đối với đề xuất tăng mức thu phí tạm dừng đỗ ô tô dưới lòng đường, ở vỉa hè trên địa bàn TPHCM do Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức sáng 28-2, các đại biểu đều đồng tình với chủ trương tăng phí. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề xuất cần tính toán lại mức tăng để tránh gây sốc, gây ảnh hưởng xấu đến giao thông.

Kỹ sư Đồng Văn Khiêm, thành viên hội đồng tư vấn phản biện Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM kể lại câu chuyện mới đây ông cùng người thân đi ô tô đỗ xe ở lòng đường thì phải trả 20.000 đồng, trong khi biên lai thu phí chỉ ghi 5.000 đồng/lượt.

“Khi tôi thắc mắc thì người thân giải thích, nếu đậu lâu hơn thì phải trả đến 50.000 đồng, nếu không sẽ có những điều không hay xảy ra đối với chiếc xe”, kỹ sư Khiêm kể lại và nhận xét, điều này có nghĩa là một phần tiền giữ xe đã rơi vào túi riêng.

Tăng phí đỗ ô tô để làm giảm kẹt xe là không hợp lý ảnh 1 Kỹ sư Đồng Văn Khiêm, thành viên hội đồng tư vấn phản biện Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM chia sẻ. Ảnh: KIỀU PHONG
Vì vậy, kỹ sư Đồng Khiêm đồng tình với phương án tăng phí. Song ông bày tỏ băn khoăn về việc tổ chức triển khai thực hiện. Bởi theo đề xuất, các ô tô có sử dụng ứng dụng công nghệ thu phí thông minh mới được dừng đỗ dưới lòng đường, vỉa hè. Việc thu phí thông qua trừ tiền trong tài khoản điện thoại, thẻ thanh toán quốc tế hay thẻ thanh toán nội địa…

Luật sư Nguyễn Văn Hậu cũng đề nghị xem lại phương thức thanh toán. Theo đề xuất của Sở GTVT, những ô tô không sử dụng ứng dụng công nghệ thu phí thông minh sẽ không được dừng đỗ ô tô ở lòng đường (có thu phí). Điều này vi phạm nguyên tắc “pháp luật phải đảm bảo công bằng”. Đặc biệt, luật sư Hậu còn đề xuất có hình thức chế tài nghiêm đối với những trường hợp thu giá vượt mức quy định.

Ngoài ra, luật sư Hậu đề nghị áp dụng mức phí tương đương với giá giữ xe tại các bãi giữ xe của các cao ốc, trung tâm thương mại để người dân lựa chọn. “Nếu thu phí đỗ ô tô dưới lòng đường quá cao, người dân sẽ không dừng đỗ ở lòng đường mà tràn vào các hẻm, dừng đỗ ô tô bất chấp”, luật sư Nguyễn Văn Hậu phân tích.

Phân tích sâu về bất cập của mức thu phí hiện hành đang áp dụng (5.000 đồng/xe/lượt), Kỹ sư Phạm Sanh, chuyên gia giao thông nhận xét mức thu hiện hành áp dụng cách nay đã 10 năm, đã rất lạc hậu. Mức thu thấp, nhiều ô tô chiếm dụng lòng đường đậu xe cả ngày làm tình trạng giao thông khu vực thêm bát nháo.

Tuy nhiên, kỹ sư Phạm Sanh đề nghị có đánh giá tác động cụ thể khi tăng phí. Cụ thể, Sở GTVT phải lường được tình huống khi ô tô giảm thì người dân đi bằng phương tiện gì?

“Có khả năng chuyển từ ô tô sang xe máy và khi đó có ùn tắc hơn hay không”, Kỹ sư Phạm Sanh đặt vấn đề và lưu ý thêm về khả năng khi thu phí cao sẽ khiến nhiều ô tô chạy lòng vòng, làm tăng áp lực giao thông trên nhiều tuyến đường.

Về ý nghĩa tăng phí sẽ giúp giảm ùn tắc giao thông khu vực trung tâm, Kỹ sư Phạm Sanh lưu ý cần tìm hiểu kỹ hơn. Bởi lẽ, hầu hết những người đi ô tô vào trung tâm đều có điều kiện về kinh tế nên tăng phí như thế để tạo tác động, làm giảm kẹt xe là rất khó. Trên thực tế, muốn giảm kẹt xe bền vững thì phải có các giải pháp khác kèm theo.

Cùng góp ý, ông Đặng Văn Khoa bày tỏ đồng tình với đề xuất tăng phí của Sở GTVT, gồm cả việc tăng phí, chia nhóm xe cũng như tính phí theo giờ. Song xét trên nền “lịch sử” (5.000 đồng/lượt) thì mức phí tăng hơn 10 lần như thế là đột ngột, sẽ tạo cú sốc cho người dân.

Từ đó, ông Đặng Văn Khoa đề xuất trước mắt áp dụng mức thu tương đương các bãi giữ xe trong các trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng.

Ông Đặng Văn Khoa cũng đồng tình với phương thức thu phí thông minh. Đây là phương thức ưu việc, phù hợp với chủ trương xây dựng thành phố thành đô thị thông minh. Đặc biệt, phương thức này cũng không quá khó khăn đối với các chủ xe, tài xế. Dù vậy, ông Đặng Văn Khoa cũng đề nghị có tổ chức thu phí theo phương thức thủ công ở một số khu vực, tuyến đường.

Tăng phí đỗ ô tô để làm giảm kẹt xe là không hợp lý ảnh 2 Ông Đặng Văn Khoa cho rằng vỉa hè, lòng đường phải ưu tiên phục vụ giao thông nên đề nghị không mở rộng thu phí ra các vị trí không phù hợp. Ảnh: KIỀU PHONG
“Mục đích ưu tiên của việc sử dụng vỉa hè, lòng đường là phục vụ cho mục đích giao thông. Do đó, các địa phương không nên vì việc thu phí mà đề xuất mở rộng thu phí ra các khu vực không phù hợp”, ông Đặng Văn Khoa nêu ý kiến.

Bày tỏ ý kiến về mức phí theo đề xuất, ông Lâm Thiếu Quân, Tổng Giám đốc Công ty Tiên Phong, chuyên gia giao thông, nhận xét mức phí đề xuất là quá cao, cần được tính toán.

Ông Lâm Thiếu Quân dẫn chứng ở Hà Nội trước đây, khi nơi này bắt đầu tăng phí đỗ ô tô cao thì vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ người dân. Các ô đỗ xe vắng hẳn và xe cộ dồn vào các hẻm, gây ùn tắc giao thông ở một số khu vực.

“Việc tăng phí quá cao có thể tác động xấu đến giao thông”, ông Lâm Thiếu Quân nói và nhận xét việc tăng phí quá cao theo đề xuất có thể làm mặt bằng giá giữ xe trong các trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng tăng theo.

Do vậy, ông Lâm Thiếu Quân đề xuất mức phí đỗ xe ô tô dưới lòng đường cần được tính uyển chuyển theo giá đất của từng tuyến đường. Ví dụ, giá đất đường Nguyễn Huệ cao nên có thể áp dụng mức phí 30.000 đồng/giờ nhưng mức thu đường Nguyễn Du có thể 20.000 đồng/giờ và khu vực Bắc Hải (quận 10) có thể thu 10.000 đồng/2 giờ. Ngoài ra, ông Lâm Thiếu Quân đề xuất thu phí từ 6-21 giờ mỗi ngày, sau 21 giờ không nên thu.

Tăng phí đỗ ô tô để làm giảm kẹt xe là không hợp lý ảnh 3 Sở GTVT khẳng định việc đề xuất tăng phí đỗ ô tô dưới lòng đường sẽ góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông. Ảnh: KIỀU PHONG
Về giải pháp kỹ thuật, các đại biểu lưu ý hình thức thanh toán bằng việc nhắn tin qua đầu số cần xem lại. Theo các đại biểu, nhà mạng thu 5.000 đồng/tin nhắn là rất cao (bao gồm cả việc tra cứu thông tin về vị trí đỗ xe, về trả phí đỗ xe…). Do vậy, các đại biểu đề nghị áp dụng công nghệ tích hợp, đa dạng hình thức thanh toán (bằng tin nhắn, ứng dụng điện tử…). Đặc biệt là cần xây dựng website hoặc xây dựng ứng dụng trên điện thoại thông minh.

Trong khi đó, ông Võ Quốc Hưng, Phó Chủ tịch UBND phường Bến Nghé (quận 1) cho rằng mức thu là phù hợp. Thực tế trên địa bàn phường, tình trạng ô tô đỗ tràn lan ở lòng đường, vỉa hè và việc tăng phí sẽ góp phần giải quyết tình trạng này. Nghĩa là tăng phí để ô tô đậu xe lòng đường, vỉa hè càng ít càng tốt.

TS Huỳnh Thế Du cũng phân tích, trong thực tế số tiền người dân phải trả cho việc dừng, đỗ ô tô ở lòng đường cao hơn nhiều so với mức thu quy định nên việc tăng phí theo đề xuất như trên thực chất không sốc. Điều này có nghĩa là số tiền trả cho việc dừng đỗ xe chuyển từ "không chính thức" sang chính thức.

Nhu cầu dừng đỗ ô tô không bị ảnh hưởng

Bà Nguyễn Thị Xuân Hiếu, Trưởng phòng Tài chính, Sở GTVT khẳng định qua tham khảo mức thu phí của một số địa phương khác trong nước như Hà Nội, Đà Nẵng…, Sở GTVT đề xuất điều chỉnh tăng phí dừng đỗ xe ô tô dưới lòng đường và một số vỉa hè với mức cao hơn từ 20-25% so với mức giá trông giữ xe tại các trung tâm thương mại và cao ốc văn phòng trên địa bàn.

Tăng phí đỗ ô tô để làm giảm kẹt xe là không hợp lý ảnh 4Mức thu phí tạm dừng đỗ ô tô dưới lòng đường và một số vỉa hè. Ảnh: KIỀU PHONG
Mức phí còn được áp dụng lũy tiến theo giờ (1 giờ = 60 phút), lượt xe tối đa không quá 60 phút. Quá thời gian 60 phút sẽ thu thêm lượt tiếp theo và tính lũy kế đối với các giờ tiếp theo. Nếu gửi xe qua đêm (từ 24 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau) tính bằng sáu lượt đậu xe của giờ đầu tiên.

Sở GTVT xây dựng mức phí áp dụng đối với 2 nhóm xe, gồm nhóm ô tô đến 9 chỗ, xe tải dưới 1,5 tấn và xe ô tô từ 10 chỗ ngồi, xe tải trên 1,5 tấn đến dưới 2,5 tấn. Trong đó ô tô đến 9 chỗ ngồi, xe tải có tải trọng đến 1,5 tấn khi dừng, đỗ tạm dưới lòng đường và một số vỉa hè ở quận 1, 3, 5 phải trả 25.000 đồng/xe/giờ đầu tiên. Giờ thứ 2 phải trả thêm 25.000 đồng/xe. Số tiền trả cho giờ thứ 3 và thứ 4 cùng là 30.000 đồng/xe/giờ. Từ giờ thứ 5 trở đi thì trả thêm 35.000 đồng/xe/giờ. Trường hợp xe đậu xe qua đêm ở khu vực quận 1, 3, 5 thì phải trả 150.000 đồng/xe…

Trước mắt, Sở GTVT đề xuất áp dụng mức phí ở 35 tuyến đường hiện đang có thu phí (ở quận 1, 3, 5, 10 và 11). Đặc biệt, các ô tô chỉ được tạm dừng đỗ trên lòng đường, vỉa hè khi người sử dụng phương tiện có sử dụng ứng dụng công nghệ thu phí thông minh. Như vậy, việc thu phí sẽ thông qua trừ tiền trong tài khoản điện thoại, thẻ thanh toán quốc tế hay thẻ thanh toán nội địa…

Ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý Khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở GTVT, khẳng định Sở GTVT đã rà soát các cao ốc, trung tâm thương mại trong bán kính 500m, tính từ trụ sở UBNDTP. Theo đó, trong phạm vi này có 53 cao ốc, văn phòng có cho phép đậu xe với sức chứa hơn 2.000 ô tô. Do đó, việc tăng phí dừng đỗ ô tô dưới lòng đường sẽ không làm ảnh hưởng đến nhu cầu của người dân.

Bà Nguyễn Thị Xuân Hiếu còn nhấn mạnh, việc tăng phí sẽ giúp tăng cường quản lý việc sử dụng một phần công năng của lòng đường, hè phố trên địa bàn TPHCM được hiệu quả, đúng mục đích. Có tác động tích cực trong việc hạn chế người dân sử dụng ô tô cá nhân và cân nhắc lựa chọn các phương tiện khác, từ đó góp phần giảm bớt nạn ùn tắc giao thông. Việc tăng phí còn nhằm tăng sự hấp dẫn và tính khả thi đối với các dự án đầu tư các bãi đậu xe (ngầm, nổi) theo hình thức xã hội hóa.

Tin cùng chuyên mục