Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhận xét, chương trình xây dựng nông thôn mới tại 5 huyện ngoại thành (Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ) còn nhiều thách thức. Trong số 56 xã của 5 huyện này thì chỉ có 2 xã đạt 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, chiếm hơn 3%.
Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, năm 2019 toàn thành phố phải tăng thêm 38 xã đạt đủ 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới thì đến năm 2020 mới hoàn thành kế hoạch.
Trước việc UBND TP vừa tổ chức thành công hội nghị ký cam kết thực hiện hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhận xét, những cam kết của các sở - ngành đối với các huyện sẽ là tiền đề để giải quyết khó khăn, vướng mắc của chương trình xây dựng nông thôn mới.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng chỉ đạo các sở - ngành quan tâm phối hợp để giải quyết nhiều vấn đề cụ thể.
Theo đó, để giải quyết ô nhiễm môi trường thì Sở TN-MT phải yêu cầu các doanh nghiệp cam kết cải thiện tình trạng xả thải gây ô nhiễm môi trường với thời gian cụ thể; đồng thời xử lý dứt điểm các doanh nghiệp ở các khu công nghiệp gây ô nhiễm môi trường. Ở các huyện có các khu công nghiệp lớn như huyện Củ Chi, Bình Chánh thì UBND TP chủ trì buổi họp chuyên đề. Đồng thời, Sở TN-MT, Sở Công thương cũng đến doanh nghiệp lập biên bản xác nhận hiện trạng, đặt ra lộ trình cụ thể để doanh nghiệp cải thiện tình trạng ô nhiễm. Doanh nghiệp nào không làm được thì sẽ đóng cửa. Nhân dịp này, thành phố cũng cần triển khai quyết liệt về vấn đề nước thải, trong đó đối với nước thải công nghiệp thì phải khắc phục triệt để.
Xung quanh vấn đề tạo điều kiện phát triển hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân giao Sở TN-MT cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có cuộc họp chuyên đề, bàn về việc xác nhận hiện trạng đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích khác, từ đó tạo điều kiện để các HTX xây dựng văn phòng làm việc, sân phơi, xưởng chế biến.
Liên quan đến hộ nghèo là người già neo đơn, người không có khả năng lao động dẫn đến khó thoát nghèo, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo Sở LĐTB-XH chủ trì, cùng với MTTQ và các địa phương có chuyên đề bàn về chính sách, cơ chế hỗ trợ các hộ này thoát nghèo. Đối với vấn nạn cát tặc ở huyện Cần Giờ, UBND TP phải tổ chức đánh giá đầy đủ tình hình và có phương án chấm dứt tình trạng này.
Trước đó, Ban Chỉ đạo của Thành ủy về chương trình xây dựng nông thôn mới đã báo cáo sơ kết hoạt động trong 3 năm, cho biết tình hình nông nghiệp, nông thôn tại TPHCM có nhiều khởi sắc. Trong đó, về tốc độ tăng trưởng, GDP ngành nông, lâm, ngư nghiệp năm 2017 đạt 8.539 tỷ đồng, tăng 6,2% so với cùng kỳ. Sản xuất nông nghiệp đạt 540 triệu đồng/ha/năm, tăng 9,8% so với năm 2016; năng suất lao động đạt 84,9 triệu đồng/người; thu nhập của người dân vùng nông thôn ngoại thành năm 2017 là 49,18 triệu đồng/người/năm. Đến nay, số hộ nghèo tại khu vực nông thôn ngoại thành TPHCM còn 2.154/352.176 hộ. Toàn thành phố không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia.
Trong 3 năm thực hiện, chương trình đã huy động được 34.035 tỷ đồng. Phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới cũng đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Các đơn vị đã chung sức triển khai hỗ trợ các xã xây dựng nông thôn mới với tổng kinh phí gần 19 tỷ đồng. Trong đó xây mới, sửa chữa 208 nhà tình thương, tình nghĩa, nâng cấp sửa chữa 14 tuyến đường giao thông, xây dựng cầu giao thông, đường giao thông nông thôn… Về kết quả thực hiện 19 tiêu chí xã nông thôn mới thì có 2 xã đạt 19 tiêu chí; 7 xã đạt 18 tiêu chí; 33 xã đạt 15-17 tiêu chí; 14 xã đạt 10-14 tiêu chí.
Tại hội nghị, đại diện các quận cũng nêu một số khó khăn, thách thức như các hộ nghèo là người già neo đơn, người không có khả năng lao động nên khó thoát nghèo; nhiều nơi vẫn còn trường học cũ và nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu; ô nhiễm môi trường còn cao; các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển HTX còn vướng mắc…