Tăng tốc kết nối ASEAN với các nền kinh tế lớn

Chỉ trong 2 ngày cuối tuần, đã có nhiều thông tin tích cực về việc kết nối kinh tế giữa ASEAN với các nền kinh tế lớn.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (giữa) và Bộ trưởng Kinh tế các nước ASEAN tại phiên họp ở Manila ngày 6-9
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (giữa) và Bộ trưởng Kinh tế các nước ASEAN tại phiên họp ở Manila ngày 6-9

Sau thời gian đàm phán, ASEAN và 6 đối tác gồm Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand chuẩn bị ký kết Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP) dự định vào cuối năm 2017. Thông tin thứ hai là ASEAN và Hồng Công (Trung Quốc) cũng sẽ ký Hiệp định tự do thương mại song phương (FTA) vào tháng 11 tới.

RCEP là hiệp định thương mại tự do chất lượng cao hướng tới mục tiêu hình thành quan hệ đối tác toàn diện giữa khối ASEAN với 6 đối tác trên. Được đưa ra vào năm 2013, mục đích của RCEP là thiết lập sự hợp tác kinh tế sâu sắc hơn giữa ASEAN với các đối tác, tập trung vào thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư. Nếu thành công, RCEP sẽ tạo ra khu vực kinh tế với tổng dân số 3,4 tỷ người, chiếm gần 30% giá trị thương mại toàn cầu. Trong tương lai, Hiệp định RCEP có thể được mở rộng để kết nạp thêm nhiều quốc gia khác. Nếu được thông qua, đây là hiệp định đầu tiên kết nối 2 quốc gia đông dân nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ; cũng là lần đầu tiên kết nối hai nền kinh tế lớn nhất châu Á là Trung Quốc và Nhật Bản.

Cuộc họp cấp bộ trưởng kinh tế ASEAN ngày 10-9 tại Philippines đã đồng ý sớm ký kết RCEP vào cuối năm nay trong cuộc họp thượng đỉnh của RCEP tại Việt Nam. Theo trang web ABS-CBN của Philippines, Thứ trưởng Bộ Thương mại Philippines Ceferino Rodolfo cho rằng RCEP sẽ đóng vai trò quan trọng trong khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chưa có lối ra sau khi Tổng thống Mỹ tuyên bố rút lui.

Trước đó, trong ngày 9-9, cũng tại Philippines, theo báo Inquirer (Philippines), Thứ trưởng Thương mại Ceferino Rodolfo cho biết, ASEAN và Hồng Công sẽ ký kết hiệp định thương mại tự do (AHKFTA) vào tháng 11, đánh dấu hiệp định thương mại tự do đầu tiên được giữa ASEAN và một đối tác trong gần một thập kỷ qua. “Hiệp định này sẽ nâng cao mối quan hệ thương mại và đầu tư sôi động của chúng ta, điều này có nghĩa là tăng khả năng tiếp cận thị trường đối với các nhà xuất khẩu Philippines”, ông Rodolfo nói. Cũng theo ông Rodolfo, đối với những ai chưa đặt chân đến Hồng Công sẽ càng có nhiều cơ hội mới. Hồng Công là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba cho các sản phẩm Philippines vào năm 2016.

AHKFTA bao gồm các yếu tố liên quan đến thương mại hàng hóa và các vấn đề liên quan như thuế quan, quy tắc xuất xứ, các biện pháp phi thuế quan, thủ tục hải quan và tạo thuận lợi cho thương mại, các biện pháp thương mại, các rào cản kỹ thuật đối với thương mại và các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật. Riêng lĩnh vực thương mại bao gồm thương mại dịch vụ, đầu tư, quyền sở hữu trí tuệ, giải quyết tranh chấp, các vấn đề thể chế, hợp tác về kinh tế và kỹ thuật, và các lĩnh vực quan tâm khác mà hai bên nhất trí.

Năm 2016, Hồng Công là đối tác thương mại lớn thứ sáu của ASEAN, với tổng kim ngạch thương mại song phương đạt 93,3 tỷ USD, chiếm 4,2 % tổng thương mại của ASEAN. Mặt khác, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Hồng Công sang ASEAN đạt 9,6 tỷ USD tương đương 9,9% tổng FDI vào ASEAN năm 2016.

Tin cùng chuyên mục