Tạo cơ chế cho doanh nghiệp nhà nước thực sự kinh doanh vì lợi nhuận ​

"Nhà nước cần tổ chức DNNN dưới các hình thức công ty và tạo lập cơ chế để hoạt động kinh doanh vì lợi nhuận của DNNN tương đồng với công ty khu vực tư nhân; chủ động giao cho DNNN các mục tiêu, nhiệm vụ và quyền chủ động điều hành DNNN; không nên giao cho DNNN các mục tiêu, nhiệm vụ không rõ ràng...", nhóm nghiên cứu CIEM đề xuất. 
Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ - một trong 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ của ngành công thương
Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ - một trong 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ của ngành công thương

Sáng nay 29-1, Báo cáo “Quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) theo nguyên tắc thị trường” triển khai thực hiện trong khuôn khổ Chương trình Australia Hỗ trợ cải cách kinh tế (Aus4Reform) được công bố tại hội thảo do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức tại Hà Nội.

Trình bày tóm tắt kết quả nghiên cứu, ThS. Phạm Đức Trung (nghiên cứu viên CIEM) nhấn mạnh, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế cho thấy, để đảm bảo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DNNN, chính sách sở hữu nhà nước phải có tính ổn định lâu dài theo thời gian. Hệ thống các chỉ tiêu theo dõi, giám sát, đánh giá đối với từng DNNN và bộ máy quản lý DNNN cần được xây dựng, ban hành và công bố công khai. Bộ máy quản lý, HĐQT và cơ quan tương đương trong bộ máy quản lý DNNN phải có cơ cấu hợp lý, có năng lực để thực hiện tốt trách nhiệm của họ.

Khi so sánh với thông lệ quốc tế phổ biến, ở Việt Nam vẫn có những hạn chế và khoảng cách lớn trong tạo lập các điều kiện để đảm bảo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DNNN theo nguyên tắc thị trường.

“Đáng lưu ý là rất khó áp dụng cơ chế thị trường để đào thải DNNN thua lỗ, yếu kém; nhiều DNNN thuộc diện bị giải thể, phá sản nhưng vẫn được hỗ trợ dưới nhiều hình thức để tiếp tục tồn tại. Trong khi đó, lãnh đạo DNNN cũng có thể được bảo vệ khỏi 2 yếu tố trừng phạt được coi là thiết yếu đối với lãnh đạo điều hành trong các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân, đó là khả năng bị thâu tóm và khả năng phá sản”, ông Phạm Đức Trung bình luận.

Để nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DNNN, theo nhóm nghiên cứu CIEM, có rất nhiều việc cần làm, trong đó cải thiện quản trị DNNN, mà cốt lõi là phân bổ các quyền và trách nhiệm giữa 3 chủ thể chính: cổ đông, ban quản trị và bộ máy điều hành doanh nghiệp và khớp nối các quy định, quy trình để đưa ra quyết định cho các vấn đề quản trị.

Do đó, quản trị doanh nghiệp tạo ra một khung khổ để đặt ra, thực hiện và kiểm soát các mục tiêu chung của doanh nghiệp và đảm bảo trách nhiệm của từng chủ thể tương ứng. Hay nói cách khác, để đảm bảo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DNNN theo nguyên tắc thị trường đòi hỏi phải có khung quản trị doanh nghiệp tốt.

Theo thông lệ quốc tế phổ biến về quản trị DNNN, đặc biệt là hướng dẫn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), để đảm bảo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DNNN theo nguyên tắc thị trường, nhà nước, với tư cách là chủ sở hữu, cần xác định rõ lý do hay mục tiêu duy trì sở hữu tại doanh nghiệp và thực hiện công bố công khai.

Nhà nước xây dựng và ban hành "chính sách sở hữu nhà nước" để giúp DNNN, thị trường và người dân có thể hiểu rõ các mục tiêu của nhà nước với tư cách một chủ sở hữu. Để đảm bảo sự nhất quán về nhận thức và hành động, các chuyên gia CIEM khuyến nghị tập hợp các nội dung của chính sách sở hữu tại một văn bản để trở thành một tài liệu áp dụng chung.

Bên cạnh đó, nhà nước cần tổ chức DNNN dưới các hình thức công ty và tạo lập cơ chế để hoạt động kinh doanh vì lợi nhuận của DNNN tương đồng với công ty khu vực tư nhân; chủ động giao cho DNNN các mục tiêu, nhiệm vụ và quyền chủ động điều hành DNNN; không nên giao cho DNNN các mục tiêu, nhiệm vụ không rõ ràng.

Quyền chủ sở hữu nhà nước đối với một DNNN nên tập trung tại một cơ quan chủ sở hữu hoặc ít nhất phải có một cơ quan đầu mối điều phối việc thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước của các cơ quan nhà nước khác. Cơ quan chủ sở hữu nên có năng lực và thẩm quyền để thực hiện hiệu quả các quyền của mình.

Tin cùng chuyên mục