Tạo điều kiện để nhân dân giám sát hoạt động của Quốc hội

Ngày 27-11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Cần Thơ tiếp xúc cử tri tại phường Lê Bình, quận Cái Răng, TP Cần Thơ. Cùng ngày, đoàn (ĐBQH) TPHCM đã tiếp xúc cử tri các quận 1, 3, 4.

Để tiếng nói của người dân vào hội trường Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội cảm ơn cử tri đã theo dõi sát sao các kỳ họp của Quốc hội; đồng thời cho rằng, việc chất vấn giữa nhiệm kỳ vừa qua là dịp nhìn lại những lời hứa của các thành viên Chính phủ từ đầu nhiệm kỳ đến nay và Quốc hội đã ra nghị quyết về chất vấn.

Đến cuối nhiệm kỳ, sẽ giám sát những lời hứa trước Quốc hội và nhân dân đã thực hiện như thế nào. Đây là cách chất vấn toàn diện để nhìn lại chặng đường đã qua.

“Chúng tôi sẽ phát huy tốt tinh thần tranh luận, biến Quốc hội từ tham luận sang tranh luận. Khi đại biểu đặt câu hỏi với bộ trưởng, bộ trưởng trả lời không hài lòng thì đại biểu tranh luận lại, tạo không khí dân chủ, công khai, minh bạch để nhân dân theo dõi, giám sát hoạt động của Quốc hội và các cơ quan hành pháp. Công tác điều hành, chúng tôi sẽ cố gắng để tiếng nói của người dân được đưa vào hội trường Quốc hội. Những ý kiến của cử tri hôm nay sẽ trở thành ý kiến của ĐBQH để thảo luận, bàn bạc đi đến quyết định các vấn đề quan trọng, trực tiếp tác động đến đời sống, tâm tư, nguyện vọng và tình cảm của nhân dân”, Chủ tịch Quốc hội khẳng định.

Tạo điều kiện để nhân dân giám sát hoạt động của Quốc hội ảnh 1 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trả lời ý kiến của cử tri TP Cần Thơ
Về những vấn đề liên quan đến đất đai, việc đền bù chưa thỏa đáng, quy hoạch treo; thủ tục hành chính về đất đai còn nhiêu khê, Chủ tịch Quốc hội cho biết sẽ tổng hợp những ý kiến và yêu cầu Bộ TN-MT trả lời cho người dân.

Ý kiến nào thuộc về luật, nếu bất hợp lý sẽ trình sửa Luật Đất đai. Vấn đề thuộc trách nhiệm của Bộ TN-MT mà để tạo thuận lợi cho người dân, thì bộ trưởng phải thực hiện. Đồng tình với quan điểm của cử tri về cải cách giáo dục hiện nay đang còn nhiều bất cập, nhất là cải cách về chữ viết, theo quan điểm của Chủ tịch Quốc hội, cải cách phải tiến bộ, thông minh hơn chứ không thể thụt lùi và bỏ hết nền tảng giáo dục từ xa xưa.

Về vấn đề tinh giản bộ máy, Chủ tịch Quốc hội cho biết, sắp tới sẽ sắp xếp lại để sáp nhập các đơn vị hành chính theo tiêu chí và chỉ đạo của Trung ương, chứ không phải tách ra nữa. Bộ Công an bỏ 6 tổng cục và nhiều cục. Các bộ ngành thuế hay kho bạc cũng vậy, không phải nơi nào cũng có chi cục thuế, kho bạc mà căn cứ vào số thu thuế. Có những nơi số thu một năm không nuôi đủ bộ máy chi cục thuế đóng ở đó thì không nhất định phải lập chi cục thuế mà phải thành lập theo khu vực, theo vùng.

Liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng, một lần nữa Chủ tịch Quốc hội khẳng định luật đã quy định nghiêm khắc, thể hiện cả trong Bộ luật Hình sự và Luật Phòng, chống tham nhũng. Quyết tâm chính trị rất cao của Đảng, Nhà nước và sự đồng lòng vào cuộc của các tầng lớp nhân dân để giám sát, phòng chống tham nhũng.

“Chúng ta thấy tội phạm tham nhũng xử lý rất nhiều. Vấn đề tịch thu và thu hồi tài sản do tham nhũng mà có cũng được chỉ đạo sát sao. Quốc hội tiếp tục yêu cầu các cơ quan báo cáo tỷ lệ thu hồi từng vụ án tham nhũng”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Buổi tiếp xúc cử tri tại quận Cái Răng đã kết thúc đợt tiếp xúc cử tri sau kỳ họp của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và đơn vị số 1, đoàn ĐBQH TP Cần Thơ.

Cử tri đề nghị chấn chỉnh tham nhũng vặt

Sáng 27-11, Tổ đại biểu Quốc hội TPHCM, đơn vị số 1, gồm các đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê, Thành ủy viên, Phó trưởng đoàn ĐBQH TPHCM; Ngô Tuấn Nghĩa, Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy Quân sự, Chính ủy Bộ Tư lệnh TPHCM; Lâm Đình Thắng, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy quận Bình Thạnh, đã tiếp xúc cử tri các quận 1, 3, 4 nhằm thông tin kết quả kỳ họp lần thứ 6 Quốc hội khóa XIV và lắng nghe ý kiến cử tri.

Cử tri ở phường 2, quận 3 cho rằng, hiện nay không chỉ có những vụ tham nhũng lớn mà còn gia tăng tình trạng tham nhũng vặt, gây nhũng nhiễu xã hội, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống hàng ngày của người dân, cần phải chấn chỉnh.

Qua đây, cử tri đề nghị các ĐBQH thông tin rõ cho người dân về các vấn đề cốt lõi trong việc chống tham nhũng vặt và tham nhũng lớn được bàn trong kỳ họp Quốc hội vừa qua. Các cử tri cũng băn khoăn khi tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng ở nước ta hiện nay còn thấp.

Cử tri Đặng Kim Hương (quận 4) trăn trở với những hành vi bạo hành trẻ em trong trường học đã và đang xảy ra. Hiện ngành giáo dục vẫn tồn tại những giáo viên chưa đủ tâm, đủ tài để rèn luyện cho thế hệ đi sau, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mầm xanh của đất nước. Qua đó, bà Hương kiến nghị ngành giáo dục cần có phương hướng xây dựng đội ngũ giáo viên có tâm, có tài, có tri thức để rèn luyện thế hệ tương lai phát triển mọi mặt.

Thay mặt tổ đại biểu, đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê ghi nhận các vấn đề cử tri đưa ra đều là vấn đề nóng, gây bức xúc trong dư luận. Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) thu hút nhiều ý kiến rất sâu rộng của ĐBQH, Đảng ta nhìn nhận đây là vấn đề hết sức quan trọng.

Dù đã thấy rõ nguyên nhân nhưng thực thi để ngăn chặn nó thì chưa được như kỳ vọng. Không chỉ tham nhũng lớn mà từ tham nhũng vặt cũng gây ra nhiều hệ lụy, nó tích tụ dần và chính nó, tự nó sẽ sinh ra tham nhũng lớn. Do đó, chống tham nhũng thì phải chống từ gốc. Nghị quyết của Đảng đã đề cập, các cấp cũng kêu gọi toàn xã hội cùng lên án những hành vi tiêu cực.

Về vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng thấp, đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê cho biết, tại kỳ họp Quốc hội lần này, vấn đề thu hồi tài sản xử lý qua các vụ việc đã được xem xét ở góc độ toàn diện.

Tuy nhiên, do tỷ lệ tham khảo chưa đạt được yếu tố đầy đủ nhất định nên chưa bổ sung quy định xử lý tài sản thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc vào dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng.

Tin cùng chuyên mục