Tạo hứng khởi cho ngày học đầu năm

Ngay sau kỳ nghỉ Tết Mậu Tuất, nhiều trường học trên địa bàn TPHCM nhanh chóng thực hiện kế hoạch tổ chức ngày học đầu năm vui tươi, phấn khởi để tạo hứng thú, giúp học sinh bắt lại nhịp học. 
Trường mầm non ghép lớp, cho trẻ tan học sớm 
Sáng 21-2 (tức mùng 6 Tết), Trường Mầm non Thế giới tuổi thơ (phường 5, quận Gò Vấp) đã tổ chức nhận trẻ đi học trở lại. Ghi nhận của chúng tôi vào ngày học đầu năm cho thấy, chỉ có khoảng 30% học sinh đi học.
Do nhiều bạn vắng nên trên lớp, cô giáo chủ yếu tổ chức vui chơi, cho các bạn kể chuyện đi chơi trong tết. Buổi chiều, trường vẫn tổ chức giữ trẻ ngoài giờ và ăn chiều như thường lệ (17 - 18 giờ) nhưng chỉ có vài phụ huynh đăng ký. Hầu hết các gia đình đều đón con trước 16 giờ.
Nhân viên thủ thư của trường cho biết, nhiều phụ huynh đã gọi điện xin phép cho con nghỉ học hết tuần này. Dự kiến đến thứ hai tuần sau (tức ngày 11 tháng Giêng), mọi hoạt động mới trở lại bình thường. Tương tự, tại quận Tân Phú, nhiều trường mầm non đã mở cửa nhận trẻ từ mùng 6 nhưng do số lượng trẻ đi học quá ít, trường phải tiến hành ghép lớp và nới rộng thời gian nhận - đón trẻ. 
Tạo hứng khởi cho ngày học đầu năm ảnh 1 Học sinh mầm non mất ít nhất 2 - 3 ngày mới bắt lại nhịp sinh hoạt ở trường sau tết
Cô Võ Thị Nga, giáo viên mầm non ở quận Gò Vấp, cho biết những ngày đầu đi học lại, trẻ sẽ có biểu hiện uể oải, thậm chí quấy khóc.
Trong sinh hoạt, do đồng hồ sinh học bị thay đổi với nhiều thói quen trong những ngày tết như buổi sáng được ba mẹ cho thức dậy trễ, ăn uống không đúng bữa, chế độ ăn uống với nhiều bánh kẹo, nước ngọt, ít rau xanh và trái cây, nên khi trẻ đi học trở lại, giáo viên sẽ rất vất vả trong việc giúp các em cân bằng lại chế độ ăn uống.
Chưa kể khi thấy bạn bè chưa đi học lại đầy đủ, có em còn quấy khóc đòi về, khiến cô phải liên tục nghĩ ra nhiều trò chơi mới, lạ để thu hút các em.
“Năm nào trường cũng giữ nguyên vẹn các tiểu cảnh bánh chưng, bánh tét thêm ít nhất một tuần lễ sau tết, để học sinh đến trường vẫn cảm nhận được không khí tết. Một số lớp, giáo viên còn chuẩn bị bao lì xì, bánh kẹo, bong bóng trang trí để ngày học đầu năm trở nên rộn ràng. Mọi sinh hoạt, học tập sẽ trở lại bình thường từ tuần lễ thứ hai”, cô Nga cho biết.     
Ăn tết không quên nhiệm vụ 
So với bậc mầm non, học sinh ở các trường tiểu học không mất nhiều thời gian bắt lại nhịp học sau tết. Tuy nhiên, do ngày đầu tiên đi học trở lại trùng với thứ hai nên một số trường tiểu học như Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1), Lạc Long Quân (quận 11), Nguyễn Văn Trỗi (quận 4) sẽ dành nguyên tiết sinh hoạt chào cờ đầu tuần để cô hiệu trưởng gởi lời chúc tết, lì xì học sinh.
Sau đó, Đoàn trường tổ chức nhiều hoạt động đố vui, trò chơi dân gian, biểu diễn văn nghệ nhằm tạo không khí vui tươi, hứng khởi cho ngày học đầu năm. 
Đại diện các trường cho biết, ngày học đầu năm sẽ mang tính khởi động, “vui là chính”, chứ không đặt nặng yêu cầu kiểm tra kiến thức. Riêng đối với 2 bậc THPT và THCS, sau tết vài tuần học sinh sẽ bước vào kỳ thi kiểm tra giữa học kỳ 2, nên mọi hoạt động học tập diễn ra bình thường ngay ngày học đầu năm.
Em Nguyễn Phương Thảo, học sinh lớp 11 Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), cho biết trước khi nghỉ tết, cả lớp đã hẹn nhau “ăn tết không quên nhiệm vụ”. Các bạn đều tự giác ôn bài và làm hết bài tập thầy cô giao trước tết, để sáng thứ hai vào trường kiếm “lì xì điểm 10” lấy hên đầu năm.
Có thể thấy bằng sự khéo léo, các trường đã giúp học sinh không còn tâm lý “tháng Giêng là tháng ăn chơi”.
Đặc biệt năm nay tiếp tục là năm kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia có nhiều thay đổi, trong đó đề thi không chỉ kiểm tra kiến thức lớp 12 mà còn yêu cầu học sinh nắm vững kiến thức lớp 11, nên khối lượng kiến thức cần ôn tập là rất lớn.
Tại nhiều trường THPT, các tổ bộ môn đã lên kế hoạch ôn tập cho học sinh lớp 12. Dự kiến, ngay sau kỳ nghỉ tết, các trường sẽ tăng tốc để kết thúc chương trình lớp 12, giúp học sinh có thêm thời gian ôn tập, hệ thống lại kiến thức lớp 11. Do đó, không khí học tập sẽ trở lại sôi nổi, bình thường ngay từ ngày học đầu năm.

Tin cùng chuyên mục