Tạo “kháng thể” cho cán bộ, đảng viên trước tham nhũng, tiêu cực

Gần đây, nhiều cán bộ lãnh đạo ở trung ương, địa phương do mắc nhiều sai phạm đã bị kỷ luật, thậm chí bị xử lý hình sự. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để người cán bộ, nhất là cấp lãnh đạo, quản lý, có “kháng thể” trước tham nhũng, tiêu cực?
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên trao đổi với các đại biểu tham gia lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý đối tượng 3 do Thành ủy TPHCM tổ chức, tháng 12-2021. Ảnh: VIỆT DŨNG
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên trao đổi với các đại biểu tham gia lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý đối tượng 3 do Thành ủy TPHCM tổ chức, tháng 12-2021. Ảnh: VIỆT DŨNG

Xây dựng tính liêm chính cho cán bộ

Từ những sai phạm của cán bộ lãnh đạo thời gian qua, thấy rõ nguyên nhân chủ yếu nhất là do sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của người cán bộ, đảng viên; đồng thời việc phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm bằng quy định và thể chế vẫn còn hạn chế.

Vì vậy, những quy định của Đảng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong nhiệm kỳ Đại hội XII và từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay đã không ngừng hoàn thiện các giải pháp, tạo ra “hàng rào” chặt chẽ hơn để kiểm soát được quyền lực, nhất là quyền lực của người đứng đầu. Có thể kể đến Kết luận 14-KL/TW của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Hay Kết luận 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa”... Các quy định này nhằm góp phần tạo ra “kháng thể” giúp đội ngũ cán bộ, đảng viên đủ bản lĩnh vượt qua cám dỗ. Đồng thời, khuyến khích người có bản lĩnh dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm và dám đột phá, sáng tạo.

Để những quy định này đi vào thực tế và tạo ra những chuyển biến căn bản, lâu dài, cần phải đặc biệt chú trọng giáo dục và nâng cao ý thức chính trị, phẩm chất đạo đức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Việc này cũng nhằm phòng ngừa hệ lụy có thể xảy ra, như nhận xét của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII): “Từ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường”.

Trong giáo dục ý thức chính trị và đạo đức lối sống cần tập trung xây dựng tính liêm chính cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và phải thực sự coi liêm chính là giá trị cốt lõi trong văn hóa chính trị của toàn Đảng, hệ thống chính trị. Điều đó đòi hỏi phải giáo dục một cách có hệ thống và khoa học về trách nhiệm, danh dự, lương tâm, liêm sỉ. Vì thế, cần xem xét bổ sung vào các chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên từ sơ cấp đến cao cấp môn học về đạo đức công vụ, nhằm trang bị nhận thức một cách cơ bản cho cán bộ, đảng viên về văn hóa chính trị, về sự liêm chính của người lãnh đạo, quản lý.

 

Đã đến lúc cần có quy định thực hiện rộng rãi hình thức thi tuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị, thậm chí thí điểm cho cán bộ cấp dưới thi tuyển vượt cấp vào chức danh lãnh đạo quản lý cấp trên. Ngoài ra, trong quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ cần có sự linh hoạt về các điều kiện, nhất là điều kiện về văn bằng, chứng chỉ, có thể cho phép cán bộ được bổ sung, hoàn chỉnh sau khi đã được quy hoạch hoặc bổ nhiệm.

Người dân trực tiếp đánh giá cán bộ

Một nội dung quan trọng khác là cần có sự kiểm soát chặt chẽ trong công tác cán bộ, tránh tiêu cực trong quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ. Đặc biệt là chú trọng ngăn chặn sự lạm quyền, mất dân chủ trong bố trí cán bộ, nhất là ở người đứng đầu và đội ngũ tham mưu về công tác cán bộ. Làm được như vậy mới có thể chọn được những người xứng đáng vào các chức danh lãnh đạo, quản lý chủ chốt. Cùng với đó, cần xem xét thí điểm giao quyền cho người đứng đầu được lựa chọn, giới thiệu cán bộ trong quy hoạch để thực hiện quy trình bầu cử, bổ nhiệm cấp phó; người đứng đầu bổ nhiệm cán bộ trong quy hoạch, miễn nhiệm đối với cấp trưởng cấp dưới trực tiếp và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. 

Tạo “kháng thể” cho cán bộ, đảng viên trước tham nhũng, tiêu cực ảnh 1 Cán bộ lãnh đạo quản lý của TPHCM tham dự một lớp bồi dưỡng, cập nhập kiến thức do Thành ủy TPHCM tổ chức vào tháng 12-2021

Thực tế cho thấy, ở không ít nơi, cán bộ lãnh đạo, quản lý vi phạm kỷ luật và pháp luật là do thiếu bản lĩnh, ngại va chạm, sợ trù dập và không dám đấu tranh, không dám bảo vệ ý kiến đúng đắn. Điều này xuất phát từ một nguyên nhân quan trọng là cơ chế bảo vệ người dám đấu tranh với sai phạm, tiêu cực còn chưa thật sự mạnh mẽ và hiệu quả. Vì vậy, cần bổ sung quy định, cơ chế cụ thể bảo vệ, đảm bảo quyền lợi cho những người dám đấu tranh với sai phạm, tiêu cực.

Ngoài ra, ở không ít nơi, người đứng đầu không chỉ chi phối được cấp ủy mà còn có thể chi phối cả hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội. Vì vậy, để tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và kiểm soát quyền lực của cán bộ, đảng viên, cần phải phát huy dân chủ, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng. Trong đó, tập trung vào việc phát huy hiệu quả vai trò của hệ thống Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Cùng với đó là có cơ chế để thực hiện quyền giám sát trực tiếp của người dân đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, được thực chất hơn.

Cụ thể, cần xem xét thực hiện từng bước việc người dân trực tiếp đánh giá cán bộ, nhất là đánh giá người đứng đầu. Thực hiện được điều này không chỉ góp phần phát huy dân chủ rộng rãi mà còn tạo ra cơ chế nhằm kiểm soát hiệu quả việc thực thi quyền lực của cán bộ lãnh đạo, quản lý, củng cố hơn nữa niềm tin của nhân dân với Đảng.

Tin cùng chuyên mục