Tạo nấm nội cộng sinh phục vụ sản xuất rau sạch

Nghiên cứu và sản xuất thành công nấm nội cộng sinh là kết quả của nhiệm vụ KH-CN của nhóm nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu công nghệ sinh học và môi trường - Trường Đại học Nông Lâm TPHCM do TS Trương Phước Thiên Hoàng làm chủ nhiệm đề tài vừa được Sở KH-CN TPHCM nghiệm thu. 

Kết quả nghiên cứu mở ra hướng tiếp cận mới và bền vững cho ngành sản xuất rau hữu cơ, giảm thiểu việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

de40989b-bfd8-4282-8366-075adebeafca-6539.jpg
Đại diện nhóm nghiên cứu báo cáo nhiệm vụ KH - CN nghiên cứu và sản xuất nấm nội cộng sinh. Ảnh: KIM THANH

Nhiều lợi ích từ nấm nội cộng sinh

Cây trồng và dinh dưỡng của đất có mối liên hệ nội tại với nhau vì đất chứa và cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng, do đó sự suy giảm chất dinh dưỡng của đất có thể dẫn đến chất lượng và số lượng cây trồng thấp. Bên cạnh đó, nhiều loại vi sinh vật như nấm, vi khuẩn, virus, tuyến trùng… gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và dẫn đến thiệt hại lớn về năng suất với khoảng 20%-40% thiệt hại về năng suất cây trồng do nhiễm mầm bệnh gây ra.

Mầm bệnh gây ra từ tuyến trùng, nốt sần ở rễ đã gây ra tổn thất năng suất nghiêm trọng đối với các loại cây trồng do chúng có khả năng xâm lấn một số loài cây trồng; đồng thời gây ra hiện tượng thối rễ, vàng lá, rụng lá, còi cọc và héo úa ở những cây bị nhiễm bệnh. Do đó, việc sử dụng sản phẩm chế phẩm sinh học nói chung và nấm nội cộng sinh nói riêng đã trở thành xu hướng, mang lại nhiều lợi ích vượt trội so với việc dùng các sản phẩm hóa học như giúp cải tạo đất, tăng độ màu mỡ, phì nhiêu cho đất, nâng cao sức đề kháng cho cây trồng, giúp cân bằng dinh dưỡng cũng như hệ sinh thái trong môi trường đất, nước của sản xuất nông nghiệp.

Theo TS Trương Phước Thiên Hoàng, Viện Nghiên cứu công nghệ sinh học và môi trường - Trường Đại học Nông Lâm TPHCM, quản lý tuyến trùng gây sưng rễ và nấm sinh ra từ đất là một thách thức lớn đối với những người trồng trọt trong nhà kính. Nhiều quốc gia nông nghiệp đang hướng đến một nền nông nghiệp bền vững, các giải pháp sinh học theo hướng tiếp cận xanh được nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi… nên nghiên cứu và sản xuất nấm nội cộng sinh phục vụ lĩnh vực sản xuất rau xanh, sạch là một nhu cầu thực tế, nhất là tại TPHCM.

Vì vậy đề tài "Nghiên cứu sản xuất nấm nội cộng sinh (Arbuscular Mycorrhiza - AM) nhằm kiểm soát tuyến trùng và một số nấm bệnh gây hại trên rau tại khu vực TPHCM" do Viện Nghiên cứu công nghệ sinh học và môi trường - Trường Đại học Nông Lâm TPHCM chủ trì thực hiện, TS Trương Phước Thiên Hoàng làm chủ nhiệm đề tài được hội đồng nghiệm thu đánh giá cao, mang lại nhiều lợi ích cho người làm nông nghiệp.

Hướng tiếp cận mới trong sản xuất rau sạch

Để triển khai nghiên cứu, nhóm đã phân lập, tuyển chọn bộ giống nấm nội cộng sinh Arbuscular Mycorrhiza; khảo sát khả năng quản lý tuyến trùng ký sinh và hạn chế nấm gây bệnh trên cây trồng của nấm nội cộng sinh; xây dựng quy trình sản xuất sản phẩm sinh học có chứa nấm nội cộng sinh có khả năng kiểm soát tuyến trùng, nấm bệnh gây hại cây trồng. Qua đó, nhóm sản xuất được sản phẩm sinh học có chứa nấm nội cộng sinh kiểm soát tuyến trùng và nấm bệnh gây hại trên rau… và xây dựng quy trình kỹ thuật hướng dẫn sử dụng sản phẩm AM trên rau.

Nấm AM có vai trò quan trọng trong việc cải thiện sự hấp thu chất dinh dưỡng từ đất, tăng khả năng chống chịu hạn hán và mầm bệnh trên cây trồng. Một số loài nấm rễ có khả năng kiểm soát tốt mầm bệnh trong đất do nấm Fusarium, Phytophthora, Pythium, Rhizoctonia và Sclerotinium gây ra, nhờ đó hạn chế thất thu năng suất cho cây trồng.

Nhóm nghiên cứu cũng hoàn thiện một loại chế phẩm nấm nội cộng sinh AM dạng bột chứa các nhóm nấm hữu ích có khả năng kiểm soát nấm bệnh và tuyến trùng, ứng dụng vào quy trình trồng cây cà chua và cây ớt ở mô hình diện hẹp và diện rộng tại huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi (TPHCM). Ngoài ra, đề tài cũng tạo được nguồn nấm AM nội địa có khả năng kiểm soát mầm bệnh cây trồng, đóng góp vào chương trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ của TPHCM nói riêng và cả nước nói chung.

TS Trương Phước Thiên Hoàng và các cộng sự xây dựng quy trình nhân sinh khối của chi nấm Acaulospora trong thời gian 100-150 ngày, qua 4 giai đoạn với mỗi giai đoạn cần thời gian từ 20-50 ngày. Thời gian tồn trữ sản phẩm sinh khối nấm AM tối ưu nhất là 60 ngày và hạn sử dụng sản phẩm AM tốt nhất là trong 180 ngày.

Với thành công của việc hoàn thiện quy trình nhân sinh khối nấm cộng sinh AM và chế phẩm sinh học tương ứng, các nhà khoa học TPHCM đã mở ra hướng tiếp cận mới cho lĩnh vực sản xuất rau sạch, giúp giữ an toàn cho đất và người sử dụng, bảo vệ môi trường, cổ vũ tích cực xu hướng canh tác theo hướng sản phẩm hữu cơ và bền vững.

Tin cùng chuyên mục