Tạo sức bền sân chơi mới

Các nước Asean “Mở cửa bầu trời”, Việt Nam đã chuẩn bị gì để bước vào sân chơi lớn này? PV Báo SGGP trao đổi với ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) xung quanh vấn đề này.

* PHÓNG VIÊN: Ông có thể cho biết những thay đổi trong quản lý hàng không khi Việt Nam thực thi chính sách “Bầu trời mở Asean”?

* Ông VÕ HUY CƯỜNG: Ngay từ khi Việt Nam gia nhập Asean, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã tham gia vào quá trình hợp tác, xây dựng một chính sách vận tải hàng không Asean, từng bước tự do hóa bầu trời. Cho đến thời điểm này, chúng ta đã sẵn sàng mở cửa đón các hãng hàng không của các nước Asean khai thác đến Việt Nam, cũng như tạo điều kiện cho các hãng hàng không của Việt Nam khai thác không hạn chế đến các nước trong khu vực.

Công tác quản lý sẽ có nhiều thay đổi khi bầu trời mở. Trước đây, Nhà nước can thiệp bằng cách bảo hộ giới hạn về số lượng chuyến bay, số ghế trong tuần mà một hãng nước ngoài được cung cấp, thì khi tham gia vào các hiệp định hàng không song phương và đa phương, chúng ta phải bỏ hoàn toàn những giới hạn đó với các nước trong Asean. Tương tự, trước đây chúng ta quy định phải phê duyệt giá cước vận chuyển quốc tế giữa Việt Nam và các nước đối tác thì nay chúng ta đã bỏ quy định này, Nhà nước chỉ can thiệp trong các trường hợp hãng hàng không nào công bố mức giá quá cao hoặc quá thấp, hoặc được trợ cấp của Chính phủ để cạnh tranh thiếu lành mạnh. Ở trong nước, chúng ta đã cho các thành phần kinh tế khác nhau tham gia vào thị trường, không chỉ được thành lập các hãng hàng không tư nhân mà còn được tham gia cung cấp các dịch vụ tại các cảng hàng không, ví dụ các cảng hàng không quốc tế đều có ít nhất 2 nhà cung cấp dịch vụ, từ dịch vụ mặt đất, xăng dầu đến cung cấp suất ăn… Việc làm này vừa nâng cao chất lượng dịch vụ, vừa giúp các hãng nâng cao hiệu quả hoạt động, từ đó giảm giá vé. Ngoài ra, hàng không Việt Nam cũng có những chính sách khuyến khích các hãng hàng không nước ngoài tham gia khai thác thị trường.

* Sẽ phải cạnh tranh công bằng với các hãng hàng không trong khu vực, trong đó có những hãng rất lớn, ông đánh giá như thế nào về sự chuẩn bị của các hãng hàng không trong nước trước khi bước vào sân chơi chung này?

* Tôi cho rằng sau một thời gian dài chuẩn bị, đến nay năng lực của các hãng hàng không trong nước đã cơ bản thích ứng được với những cơ hội và thách thức mà việc mở cửa bầu trời đem lại. Trong đó, Hãng Hàng không quốc gia Vietnam Airlines đã đầu tư mạnh mẽ về nhiều mặt, cả về chiến lược phát triển thương hiệu, chiến lược mở rộng đường bay, phát triển đội tàu bay, nâng cao chất lượng dịch vụ… Đặc biệt, việc trở thành thành viên Liên minh Hàng không Skyteam càng chứng tỏ khả năng cạnh tranh và hội nhập tốt của hãng hàng không quốc gia. Bên cạnh đó, Hãng Hàng không Jetstar gần đây cũng đã ổn định sản xuất kinh doanh nên năng lực cũng được nâng cao và có kế hoạch khai thác quốc tế. Tương tự, Hãng hàng không tư nhân Vietjet cũng có những bước đi thể hiện sự chuyên nghiệp, khẳng định năng lực thật sự của mình với kế hoạch mua sắm máy bay cũng như mở rộng đường bay liên tục.

* Khi mở cửa bầu trời, ông có thể cho biết chúng ta đang phải đối mặt những vấn đề gì và cần phải giải quyết như thế nào?

* Vấn đề đáng lo ngại nhất hiện nay chính là hạ tầng hàng không. Mật độ bay tăng nhanh, năng lực quản lý điều hành bay cũng tăng nhưng hạ tầng và các dịch vụ đi kèm không theo kịp, là nguyên nhân chính dẫn tới chậm, hủy chuyến; đây cũng là một trong những nguyên nhân làm giảm tính hấp dẫn của thị trường hàng không Việt Nam. Các cảng hàng không quốc tế, nhất là Tân Sơn Nhất luôn bị quá tải vào mùa cao điểm mà mọi giải pháp đưa ra đều chỉ là tình thế. Một vấn đề cần lưu tâm nữa là các cơ quan quản lý hàng không cần nâng cao năng lực để đáp ứng yêu cầu của ngành, của thị trường trong giai đoạn mới, chắc chắn sẽ phức tạp hơn. Trước những đối thủ rất mạnh, giàu kinh nghiệm, chúng ta cần phải nâng cao năng lực hơn nữa để có thể đủ sức bền trong cuộc chơi mới đầy hấp dẫn nhưng cũng cam go này.

* Xin cảm ơn ông!

BÍCH QUYÊN

Tin cùng chuyên mục