Tạo thuận lợi để người dân quyết định chính sách

Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương chỉ rõ 2 vấn đề quan trọng là cần quan tâm đầy đủ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và phát huy dân chủ, tạo điều kiện để người dân trình bày ý kiến, suy nghĩ.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Ngày 28-3, Ban Chỉ đạo Tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 62 - KL/TW và Sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận số 102 - KL/TW của Bộ Chính trị do đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Thành ủy TPHCM.

Tiếp đoàn, về phía TPHCM có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy và lãnh đạo UBND TPHCM cùng đại diện các sở - ban - ngành.

Tạo thuận lợi để người dân quyết định chính sách ảnh 1 Đồng chí Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Sáp nhập hội cùng chức năng gặp vướng mắc

Báo cáo về kết quả 10 năm triển khai thực hiện Kết luận 62, đồng chí Nguyễn Hữu Hiệp, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TPHCM đánh giá, thời gian qua, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới nội dung, phương thức đối với hoạt động MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội. Trọng tâm là hướng về cơ sở, gần dân, sát dân, phù hợp với thực tiễn; nâng cao vai trò giám sát, phản biện xã hội, góp ý trong xây dựng đảng, xây dựng chính quyền. Nhất là tập trung giám sát một số lĩnh vực nhân dân quan tâm, bức xúc; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước gắn với phong trào “Dân vận khéo”, góp phần hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, an toàn xã hội.

Các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước được nâng chất, thực hiện rộng khắp, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM. Đặc biệt, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đã tổ chức phản biện xã hội đối với các đề án lớn như các đề án, kế hoạch liên quan đến việc thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM theo Nghị quyết 54 của Quốc hội.

Song, công tác mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp quần cũng còn những hạn chế. Phương thức tổ chức, hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội vẫn còn hành chính hóa, chậm đổi mới. MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp chưa phát huy tốt vai trò là đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên, hội viên.

Liên quan đến Kết luận 102 về hội quần chúng, đồng chí Nguyễn Hữu Hiệp cho biết, tính đến cuối năm 2018, UBND TP đã cho phép thành lập hơn 1.330 hội. TPHCM cũng có 24 hội có tính chất đặc thù; gần 1.030 quỹ xã hội, quỹ từ thiện; hơn 100 chi nhánh, văn phòng đại diện các hội Trung ương trú đóng... Đa số các hội ở TPHCM hoạt động đúng pháp luật, tôn chỉ, mục đích và điều lệ hội.

Tuy nhiên, công tác quản lý của UBND các cấp đối với hội ở một số nơi còn hạn chế. Việc vận động sáp nhập một số hội có tính chất, chức năng, nhiệm vụ, nội dung hoạt động gần giống nhau, hoạt động kém hiệu quả còn khó khăn.

“Ở TPHCM có Hội Sinh vật Cảnh, Hội hoa lan cây cảnh và Hội Làm vườn có chức năng gần giống nhau nhưng việc sáp nhập thì hơi khó vì không ai chịu ai”, đồng chí Nguyễn Hữu Hiệp dẫn chứng.

Tại buổi làm việc, nhiều đại biểu của đoàn kiểm tra Trung ương đánh giá cao những mô hình sáng kiến của TPHCM, tạo hiệu quả cao và được nhân rộng ra cả nước.

Các đại biểu cũng đề nghị TPHCM cần đổi mới phương thức tập hợp, vận động quần chúng nhân dân cho phù hợp với tình hình mới; nâng cao vị thế của tổ chức công đoàn. Đồng thời, TPHCM cũng cần làm rõ các giải pháp quản lý đối với các hội hoạt động không phép.

Đổi mới để người dân tin cậy

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, những năm qua, hệ thống chính trị TPHCM nỗ lực chỉ đạo triển khai Kết luận 62 và Kết luận 102 của Bộ Chính trị, góp phần giữ vững an ninh trật tự của TPHCM. Cấp ủy các cấp đã quan tâm hỗ trợ MTTQ làm tốt vai trò giám sát, phản biện chính sách cũng như giám sát công tác cán bộ.

Các đoàn thể thực hiện khá tốt các phong trào như phong trào chăm lo cho người nghèo, chương trình xây dựng nông thôn mới, vận động Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, phong trào bảo vệ Tổ quốc.

“Điểm mới gần đây là MTTQ có các hoạt động hướng về phong trào sáng tạo của TPHCM”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhận xét nhưng lưu ý MTTQ cần giới thiệu tốt hơn các điển hình, phong trào sáng tạo.

Tạo thuận lợi để người dân quyết định chính sách ảnh 2 Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM tại buổi làm việc. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Trương Thị Mai, Trưởng Ban Dân vận Trung ương đánh giá, TPHCM đã nâng cao nhận thức trong lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa Kết luận 62, Kết luận 102 và đạt được nhiều kết quả nổi bật. MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội đã nâng cao chất lượng, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động.

Các phong trào có tính sáng tạo, sát với thực tiễn và thực chất hơn. Đặc biệt, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đã tập hợp, phát triển được tổ chức, đoàn viên, hội viên; từ đó tăng cường vai trò làm cầu nối giữa Đảng và Nhân dân.

Đồng chí Trương Thị Mai phân tích, quá trình phát triển sẽ có những vấn đề mới phát sinh. Do đó, TPHCM cần tiếp tục nâng cao nhận thức của cấp ủy, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, tiếp tục đổi mới cách làm nhằm theo kịp tình hình mới.

MTTQ cũng phải khắc phục tình trạng chậm đổi mới và biểu hiện hành chính hóa trong hoạt động. Đồng thời phải phối hợp đồng bộ với các đơn vị liên quan đẩy mạnh giám sát, phản biện xã hội nhằm tạo sự tin cậy để người dân tìm đến chia sẻ, gửi gắm.

Đồng chí Trương Thị Mai chỉ rõ 2 vấn đề quan trọng là cần quan tâm đầy đủ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và phát huy dân chủ, tạo điều kiện để người dân trình bày ý kiến, suy nghĩ.

“Chúng ta cũng cần bảo đảm cho người dân tham gia vào việc thảo luận, xây dựng và quyết định chính sách. Việc lấy ý kiến của đối tượng bị tác động trước khi trình thông qua dự thảo luật và tổ chức tốt công tác giám sát, phản biện, tập hợp ý kiến của nhân dân sẽ làm tăng sự gắn bó giữa MTTQ với nhân dân”, đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh.

Liên quan đến hoạt động của các hội quần chúng, đồng chí Trương Thị Mai đánh giá số lượng các hội ở TPHCM không quá lớn, nằm trong khả năng kiểm soát.

Tuy vậy, đồng chí cũng lưu ý đến vấn đề mới là “cộng đồng mạng, với sự cơ động, linh hoạt trong hoạt động và đa dạng về nội dung. Trong đó có cộng đồng mạng hoạt động rất phức tạp. Vì vậy, TPHCM cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị cấp phép hoạt động và đơn vị quản lý chuyên ngành để kiểm tra, quản lý, tạo điều kiện cho các hội hoạt động hiệu quả theo đúng quy định của pháp luật.

Tin cùng chuyên mục