Tập trung mọi nỗ lực để thúc đẩy sản xuất phát triển và thực hiện có hiệu quả các chính sách xã hội

Tập trung mọi nỗ lực để thúc đẩy sản xuất phát triển và thực hiện có hiệu quả các chính sách xã hội

(Lược ghi phát biểu của đồng chí LÊ THANH HẢI, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, tại Hội nghị Thành ủy lần thứ 10 về kinh tế - xã hội thành phố ngày 2-4-2008)

Tập trung mọi nỗ lực để thúc đẩy sản xuất phát triển và thực hiện có hiệu quả các chính sách xã hội ảnh 1

Hội nghị lần này, cùng với những nội dung về xây dựng Đảng và công tác vận động nhân dân, chúng ta đã được nghe Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội thành phố quý 1 năm 2008; các giải pháp, biện pháp nhằm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố từ nay đến cuối năm.

Đặc biệt, ngày 30-3-2008, Thủ tướng Chính phủ có bài phát biểu quan trọng được phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình hình kinh tế của đất nước, bối cảnh kinh tế quốc tế cùng những nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ nhằm “kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững”.

Với 7 nhóm giải pháp mà Chính phủ đề ra đã thể hiện rất rõ quan điểm chính sách và quyết tâm của Trung ương đưa nền kinh tế nước ta từng bước phát triển ổn định, vượt qua những khó khăn, thách thức, trong bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế không được thuận lợi.

Nhận rõ trách nhiệm đối với Trung ương và đối với nhân dân, chúng ta vừa phải tổ chức triển khai có hiệu quả các giải pháp do Chính phủ đề ra, vừa phải xuất phát từ tình hình thực tiễn của thành phố để có những biện pháp cụ thể nhằm góp phần cùng Trung ương kiềm chế lạm phát, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng và thực hiện có hiệu quả các chính sách xã hội, làm giảm bớt những hệ quả xã hội tiêu cực do tình hình lạm phát gây ra. Với tinh thần đó, tôi xin không nói thêm về tình hình và nguyên nhân lạm phát, mà chỉ tập trung nhấn mạnh một số giải pháp để góp phần cùng Trung ương giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội đang đặt ra, đặc biệt là kiềm chế lạm phát và bảo đảm cho thành phố phát triển theo hướng bền vững:

Thứ nhất, cần tập trung tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giữ vững sản xuất, cung ứng hàng hóa dịch vụ cho thị trường

Chúng ta nhận thức rằng, với các giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát mà Chính phủ đang thực thi như các biện pháp về tài chính, tiền tệ, đầu tư, chi tiêu, v.v… sẽ có “phản ứng phụ” làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế. Thực tế hiện nay trên địa bàn thành phố nhiều doanh nghiệp triển khai các dự án đầu tư, thu mua hàng xuất khẩu đang gặp khó khăn về nguồn vốn tín dụng.

Tình hình giá cả nguyên vật liệu gia tăng làm nhiều công trình xây dựng bị đình trệ; chi phí đầu vào của nhiều ngành và lĩnh vực kinh tế đã tăng cao, làm cho doanh nghiệp của chúng ta, vốn dĩ có sức cạnh tranh chưa cao, càng khó cạnh tranh trên thị trường thế giới. Tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của cả nước quý 1 năm nay đã giảm so với quý 1 năm 2007 (GDP tăng 7,4% so với 7,8%). Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh, tuy trong quý 1 có tốc độ tăng GDP 11%, bằng cùng kỳ năm trước, nhưng chúng ta không thể chủ quan trong các tháng tới do tác động không thuận lợi của tình hình kinh tế chung của cả nước và thế giới.

Do đó, nhiệm vụ kinh tế trọng tâm trong lúc này là phải tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để hỗ trợ có hiệu quả cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Cụ thể, tôi yêu cầu tất cả các đồng chí thành ủy viên, thủ trưởng các sở - ban - ngành, lãnh đạo quận - huyện trên địa bàn thành phố phải tập trung trí tuệ và thời gian, giảm hội họp, bám sát thực tế để chỉ đạo và kiểm tra bộ máy quản lý của mình giải quyết nhanh chóng, rốt ráo, có hiệu lực, hiệu quả mọi vướng mắc cho doanh nghiệp trong các khâu liên quan đến quy trình, thủ tục đầu tư xây dựng, đăng ký kinh doanh; thủ tục xuất - nhập khẩu và các hoạt động khác với tinh thần: “Nhà nước cùng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp”.

Để kiềm chế lạm phát, trước tiên, phải tăng nhanh khối lượng cung hàng hóa, dịch vụ cho thị trường, góp phần làm giảm sự mất cân đối trong quan hệ cung - cầu. Ủy ban Nhân dân thành phố cần chủ động phối hợp với ngân hàng Nhà nước và các cơ quan Trung ương hữu quan trong việc giải quyết các nguồn tín dụng cho các doanh nghiệp thực sự đang có nhu cầu vốn đầu tư, nhất là các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu.

Từ nay đến cuối năm, thành phố công bố dứt khoát, rõ ràng là không tăng bất cứ loại phí và giá các loại dịch vụ thuộc thẩm quyền quyết định của thành phố làm tăng chi phí sản xuất và ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Thành phố xem xét cắt giảm một số khoản chi tiêu từ ngân sách để bù lỗ cho một số loại dịch vụ công ích, nếu thực sự bị lỗ do không tăng giá.

Các công trình đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật như cầu, đường, cấp nước, thoát nước, môi trường; các dự án đang triển khai xây dựng nhằm tăng nhanh tốc độ cung ứng sản phẩm hàng hóa cho thị trường bất động sản, cần ưu tiên tháo gỡ những khó khăn về thủ tục, về vốn để rút ngắn tiến độ thực hiện. Tiềm năng phát triển của thành phố còn lớn, dù bối cảnh chung không thuận lợi, nhưng nếu chúng ta tập trung tháo gỡ những vướng mắc, huy động mọi nguồn lực cho phát triển thì chúng ta vẫn có cơ sở, có khả năng duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế như chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ VIII đề ra. Chúng ta không chạy theo mục tiêu tăng trưởng, nhưng phải bằng mọi nỗ lực để đạt được tốc độ tăng trưởng tương xứng với nguồn lực của thành phố.

Song song với việc thúc đẩy sự gia tăng khối lượng cung hàng hóa, dịch vụ, thành phố cần tập trung chỉ đạo quyết liệt trong việc kiểm tra, giám sát ngăn chặn các hiện tượng đầu cơ, “ém hàng”, nâng giá phi lý làm cho tình hình giá cả càng căng thẳng hơn. Áp dụng các biện pháp chế tài cao nhất theo quy định của pháp luật đối với các doanh nghiệp và cá nhân lợi dụng tình hình để trục lợi bằng các hành vi gian lận trong thương mại.

Trong công tác quản lý thị trường, cần yêu cầu cả hệ thống thương mại bán buôn và bán lẻ trên địa bàn thành phố phải niêm yết công khai giá bán để tạo thuận lợi trong kiểm tra, giám sát về giá cả và chất lượng hàng hóa, dịch vụ. Đồng thời, Ban Cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân thành phố cần chỉ đạo tổ chức nghiên cứu, đánh giá những mặt yếu kém về cơ cấu kinh tế thành phố như cơ cấu xuất khẩu, cơ cấu các ngành kinh tế, cơ cấu ngoại tệ dùng trong giao dịch xuất - nhập khẩu, hiệu quả đầu tư, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, những tác động về kinh tế - xã hội sau 2 năm gia nhập WTO v.v... để qua đó đề ra những giải pháp trung hạn và dài hạn nhằm thúc đẩy kinh tế thành phố tăng trưởng nhanh và bền vững.

Thứ hai, rà soát điều chỉnh các dự án đầu tư; giảm chi phí sản xuất; triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Tập trung mọi nỗ lực để thúc đẩy sản xuất phát triển và thực hiện có hiệu quả các chính sách xã hội ảnh 2

Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải gặp gỡ các đại biểu tham dự Hội nghị lần thứ 10 BCH Đảng bộ TPHCM. Ảnh: THÁI BẰNG

Chúng ta biết rằng, một trong những nguyên nhân tiềm ẩn nguy cơ gây lạm phát của nền kinh tế là do hiệu quả đầu tư thấp. Ở đây, không chỉ có vấn đề lãng phí nguồn vốn đầu tư, mà nghiêm trọng hơn là gây ra sự mất cân đối giữa tổng cung - tổng cầu của nền kinh tế.

Sự kém hiệu quả trong đầu tư không chỉ do thiếu tính toán về hiệu quả trong từng dự án, mà còn phần lớn là do sự đầu tư không đồng bộ, thời gian triển khai dự án kéo dài trong nhiều năm, chậm đưa vào sử dụng gây nên lãng phí.

Đối với thành phố chúng ta, trong nhiều năm qua đã và đang triển khai nhiều dự án lớn để xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị, có mặt tích cực là góp phần làm thay đổi bộ mặt thành phố phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, nhưng mặt khác đang tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém trong quá trình đầu tư. Ngay trong lĩnh vực phát triển thị trường bất động sản đang tồn tại nhiều dự án thực hiện dở dang ở những giai đoạn khác nhau, nên không cung ứng được sản phẩm cuối cùng cho thị trường; trong khi đã đổ ra một lượng tiền rất lớn tham gia lưu thông, góp phần làm mất cân đối quan hệ cung - cầu; nhiều dự án thuộc nguồn vốn ngân sách triển khai vừa chậm, vừa thiếu đồng bộ nên không đạt được mục tiêu của dự án đã đề ra.

Tình trạng trên do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu vẫn là công tác quản lý còn yếu kém từ khâu chuẩn bị dự án, quyết định đầu tư, quản lý, giám sát thi công, quản lý sử dụng, v.v... Trong các năm qua, thành phố đã ủy quyền rất mạnh cho các sở - ngành và phân cấp cho quận - huyện trong việc quản lý đầu tư, bên cạnh việc phát huy tính năng động của các ngành, các cấp, thì lại phát sinh tình trạng đầu tư thiếu đồng bộ, gây lãng phí.

Do đó, thành phố cần tập trung chỉ đạo rà soát lại danh mục đầu tư, bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ của các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố; kiên quyết cắt giảm hoặc giãn tiến độ đối với dự án đầu tư chưa mang lại hiệu quả; tập trung nguồn vốn cho các dự án có nhu cầu bức xúc và có khả năng phát huy hiệu quả đầu tư của các dự án khác. Ngay trong tháng 4 năm 2008, cần công khai minh bạch việc rà soát, điều chỉnh các dự án đầu tư hiện đang do các cấp chính quyền thành phố quản lý. Ban Cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân thành phố cần chỉ đạo các Tổng công ty nhà nước thuộc thành phố quản lý rà soát lại những dự án đầu tư của mình, theo hướng loại bỏ những dự án đầu tư không hiệu quả.

Đối với những dự án đầu tư được xác định là ưu tiên, cần giải quyết nhanh các thủ tục, điều chỉnh mức vốn đầu tư phù hợp với tình hình giá cả hiện nay của thị trường để đẩy nhanh tiến độ thực hiện; không để những dự án cần triển khai sớm, nhưng phải ngưng trệ vì thủ tục điều chỉnh giá cả.

Để góp phần kiểm soát lạm phát, trong tình hình hiện nay cần thực hiện tiết kiệm một cách nghiêm ngặt. Trước tiên, các cơ quan nhà nước và các tổ chức trong hệ thống chính trị cần gương mẫu đi đầu trong việc tiết kiệm các khoản chi tiêu, đặc biệt là xăng, dầu, điện, nước, các khoản chi tiêu liên quan đến hội họp, giao tế. Ngay trong tháng 4 này, Ban Cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân thành phố cần khẩn trương chỉ đạo các cơ quan hành chính nhà nước của thành phố phải đề ra chỉ tiêu tiết kiệm 10% chi tiêu hành chính theo chỉ đạo của Chính phủ, nhằm tập trung một phần ngân sách để thực hiện các chính sách xã hội. Nhân đây, tôi xin kêu gọi nhân dân thành phố tích cực hưởng ứng chủ trương thực hiện chính sách tiết kiệm nghiêm ngặt để góp phần kiềm chế lạm phát.

Đối với các doanh nghiệp, cần rà soát lại cơ cấu chi phí trong giá thành sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Các tổng công ty nhà nước thuộc thành phố quản lý phải xây dựng ngay phương án điều chỉnh cơ cấu chi phí của doanh nghiệp, cắt giảm tối đa những khoản chi phí có thể giảm được, nhằm bù đắp những khoản chi phí gia tăng do biến động giá cả trên thị trường. Với tình hình biến động giá cả trên thị trường thế giới, chưa lường trước được hết những bất lợi có thể xảy ra, chúng ta cần phải chủ động tính toán lại cơ cấu chi phí sản xuất để tiết giảm chi phí đầu vào, bảo đảm cho sản phẩm có thể cạnh tranh trên thị trường.

Thứ ba, thực hiện có hiệu quả các chính sách xã hội

Như chúng ta đã biết, trong 3 tháng đầu năm nay, chỉ số giá cả trên thị trường nước ta đã lên đến mức hơn 9%, trong đó đặc biệt là giá lương thực - thực phẩm tháng 3 năm 2008 so với tháng 3 năm 2007 tăng trên 30%. Sự biến động giá cả đã ảnh hưởng rất lớn đối với tầng lớp dân cư nghèo và cận nghèo, đối với những người làm công ăn lương có thu nhập cố định, cán bộ hưu trí, các gia đình diện chính sách.

Giá lương thực - thực phẩm tăng cao đã ảnh hưởng đến mọi người dân nói chung, nhưng ảnh hưởng nặng nề nhất là đối với tầng lớp dân nghèo đô thị, mà thành phố chúng ta là một điển hình. Trước tình hình này, Chính phủ đã đề ra nhiều biện pháp giải pháp về an sinh xã hội, thành phố cần chủ động và tích cực triển khai có hiệu quả trên địa bàn thành phố. Về phần trách nhiệm của mình, thành phố tập trung các biện pháp sau đây:

+ Rà soát lại những hộ dân thuộc diện nghèo theo tiêu chí của thành phố (6 triệu đồng/người/năm) đã thoát nghèo trong các năm qua, nhưng trong tình hình hiện nay đang rất khó khăn, để ưu tiên thực hiện các chính sách xã hội đối với người nghèo, dứt khoát không để tái nghèo (theo tiêu chí thành phố). Chúng ta không dừng việc đánh giá hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập danh nghĩa, mà phải đánh giá theo thu nhập thực tế của hộ nghèo.

Đối với tầng lớp cận nghèo, nếu thực sự khó khăn, cũng cần phải xem xét áp dụng các chính sách hỗ trợ như đối với hộ nghèo. Chúng ta không sợ việc tăng số hộ nghèo làm ảnh hưởng thành tích giảm nghèo của thành phố, mà điều quan trọng hơn là đánh giá đúng thực trạng và tập trung chăm lo đời sống, giảm khó khăn đối với hộ nghèo. Ban Cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân thành phố chuẩn bị báo cáo để Ban Thường vụ Thành ủy trình Hội nghị Thành ủy lần thứ 11 tới đây về tiêu chí mới của chương trình giảm hộ nghèo để thành phố chúng ta tập trung chăm lo cho đồng bào nghèo tốt hơn.

+ Mở rộng diện hỗ trợ bảo hiểm y tế và mức bảo hiểm y tế đối với tầng lớp dân cư nghèo và cận nghèo. Thực hiện việc miễn, giảm học phí bậc phổ thông cho con em các tầng lớp dân cư nghèo đô thị và nông thôn; nhất quyết không để các em do khó khăn về đời sống phải bỏ học. Cấp ủy và chính quyền các cấp cần rà soát kỹ trên địa bàn, phối hợp với ngành giáo dục, chủ động nắm chắc từng trường hợp và thực hiện các biện pháp hỗ trợ đối với tất cả gia đình khó khăn, nguy cơ có con em bỏ học. Chúng ta cần quan tâm đặc biệt đến tầng lớp nghèo ở nông thôn, không có tư liệu sản xuất, thu nhập bấp bênh, có nguy cơ thiếu đói cần có biện pháp và chính sách hỗ trợ đặc biệt; tuyệt đối không để bất cứ hộ dân nào bị thiếu đói do giá lương thực - thực phẩm tăng.

+ Quan tâm đến đội ngũ công nhân đang làm việc tại các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế gặp khó khăn do thu nhập thấp, giá cả tăng cao. Tổ chức công đoàn các cấp cần quan tâm đặc biệt đến tầng lớp công nhân này, đề ra các giải pháp hỗ trợ. Bên cạnh những nhiệm vụ cấp bách nhằm giải quyết khó khăn cho các tầng lớp dân nghèo đô thị và nông thôn, thành phố tiếp tục thực hiện các chương trình xã hội đã đề ra như Chương trình nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, sinh viên; Chương trình bảo hiểm y tế, chính sách học phí, chính sách hỗ trợ vốn tạo việc làm v.v... Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các Hội bảo trợ người nghèo v.v... tiếp tục đồng hành cùng Đảng bộ và chính quyền thành phố trong việc thực hiện có hiệu quả các chính sách xã hội.

***

Vấn đề lạm phát toàn cầu, bối cảnh kinh tế quốc tế có dấu hiệu suy thoái, cùng với những tồn tại của nền kinh tế nước ta, tình hình lạm phát và những biến động bất ổn trên thị trường đang đặt chúng ta trước những thách thức rất nặng nề. Tuy nhiên, với tiềm năng phát triển của đất nước, với dòng vốn đầu tư đang tiếp tục tăng cao, thị trường xuất khẩu vẫn đang có những tín hiệu tốt, v.v... chúng ta vững tin rằng, với những nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị sẽ đưa nền kinh tế nước ta vượt qua giai đoạn khó khăn để tiếp tục phát triển theo hướng bền vững.

Trong bối cảnh đó, thành phố chúng ta cần tập trung mọi nỗ lực để giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội phát sinh, giữ vững tốc độ tăng trưởng, góp phần cùng cả nước ổn định kinh tế vĩ mô. Với truyền thống đoàn kết, năng động và sáng tạo vốn có của người dân thành phố, chúng ta sẽ đồng tâm hiệp lực, chung sức chung lòng, hăng hái thi đua trong lao động, học tập, thực hành tiết kiệm,... Với sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân thành phố, chắc chắn sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn này để đưa thành phố tiếp tục phát triển theo hướng nhanh và bền vững.

Tin cùng chuyên mục