Những ngày này người dân sản xuất hoa kiểng, cây ăn trái, thực phẩm… ở ĐBSCL đang chạy đua chuẩn bị hàng hóa phục vụ tết. Năm nay nhuần (2 tháng 9 âm lịch), thời tiết không thuận lợi, nguồn nguyên liệu khan hiếm khiến nhiều mặt hàng tết có khả năng giá tăng cao.
Tôm khô sẽ hút hàng dịp tết
Mất mùa, giá tăng cao
Nhiều nhà vườn ở ĐBSCL đang “bối rối” trước việc nhiều loại trái cây đặc sản tăng giá nhưng nguồn cung giảm mạnh do mất mùa. Ông Nguyễn Văn Khanh, ở vùng bưởi Năm Roi đặc sản Phú Hữu (Châu Thành, Hậu Giang), cho biết: “Hiện giá bưởi đã cao hơn năm ngoái bình quân 3.000 đồng/kg. Cụ thể, bưởi Năm Roi loại 1 đã lên tới 15.000 - 16.000 đồng/kg, loại 2 là 12.000 - 13.000 đồng/kg, có bao nhiêu thương lái cũng mua hết. Còn bưởi tết hiện đang sốt giá. Mấy ngày qua, thương lái vào tận nhà vườn nhà đặt cọc mua từ 20.000 - 30.000 đồng/kg (tùy chất lượng bưởi), nhưng sản lượng không có bao nhiêu do thất mùa. Thời tiết không thuận lợi, bưởi tết bị rụng gần hết, nếu không rụng thì tỷ lệ đậu trái chưa tới 20%. Trong khi đó, nếu để bưởi tự nhiên ra hoa thì chín trước tết khoảng 1 tháng…”.
Người dân trồng xoài cát Hòa Lộc cũng chung cảnh khó. Ông Nguyễn Văn Sang, ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, than vãn: Giá xoài hiện tại rất cao, 70.000 - 75.000 đồng/kg nhưng hàng không đủ bán tại vườn. Còn xoài tết gần như không có, sản lượng giảm 90% vì thời tiết không thuận lợi. Nhiều khả năng giá xoài cát Hòa Lộc lên đến 80.000 - 90.000 đồng/kg tại vườn. Liên tục mấy ngày qua, các siêu thị ở TPHCM, chợ đầu mối Thủ Đức liên hệ đặt hàng tết, nhưng nhiều hộ dân ở đây không dám nhận vì nguồn cung quá ít. “Gia đình tôi có 20ha xoài cát Hòa Lộc, nhưng lượng trái cung ứng tết này chỉ khoảng 2 tấn, trong khi năm trước hơn 20 tấn…”, ông Sang nói.
Ông Đàm Văn Hưng, chủ doanh nghiệp tư nhân Hương Miền Tây, chuyên kinh doanh trái cây đặc sản tại huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre, khẳng định: “Chắc chắn tết này các loại trái cây đặc sản sẽ sốt giá, khan hàng. Giá bưởi da xanh tại vườn có thể lên tới 60.000 đồng/kg. Hiện giá tại vườn 35.000 đồng/kg, nhưng giá bán lẻ tại thị trường TPHCM, Cần Thơ… lên tới 60.000 đồng/kg. Nhu cầu mặt hàng bưởi da xanh dịp tết rất lớn, đặc biệt là miền Trung và Hà Nội, chưa kể cung ứng cho kiều bào người Việt ở các nước”.
Làng nghề… sôi động
Hiện không khí sản xuất của người dân tại 2 “vương quốc hoa kiểng” nổi tiếng ở ĐBSCL là Sa Đéc (Đồng Tháp) và Chợ Lách (Bến Tre) rất nhộn nhịp. Ông Nguyễn Văn Hải, có 20 năm trong nghề trồng hoa ở phường Tân Quy Đông, thành phố Sa Đéc (Đồng Tháp), chia sẻ: “8.000 chậu hoa sứ Thái Lan của tôi vừa được thương lái ở TPHCM và Đông Nam bộ đặt hàng. Giá cả thì quyết định trước tết 1 tháng. Hiện tôi tranh thủ làm thêm 2.000 chậu để bán tại các chợ hoa trong vùng”. “Mấy ngày này, bắt đầu có thương lái từ các nơi xa và cả Campuchia, Lào… đến Sa Đéc “coi mắt” các vườn hoa để thăm dò giá cả. Nếu được họ bỏ cọc làm tin rồi khoảng 1 tháng sau quay lại chốt giá với nhà vườn. Các nhà vườn cũng biết tính, không chốt giá ngay lúc này vì chưa biết thị trường ra sao, sợ bị hố. 2.000 chậu cúc mâm sôi của tôi cũng có mấy mối coi rồi, bỏ giá bằng năm ngoái 80.000 đồng/cặp nhưng tôi chưa chịu bán. Năm nay thời tiết thất thường, trời còn mưa muộn nhưng lại lạnh sớm nên nhà vườn nào xử lý vườn hoa thành công thì sẽ trúng giá” - ông Nguyễn Văn Năm, người dân trồng hoa tại Sa Đéc nói.
Ông Nguyễn Thanh Liêm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chợ Lách, cho biết: “Mấy ngày qua trời mưa, thời tiết lạnh đột ngột nên người dân khá lo. Năm nay, làng nghề hoa kiểng Chợ Lách cung ứng khoảng 5 triệu sản phẩm hoa kiểng các loại. Trong đó, mai vàng chiếm khoảng 30%, còn lại là các loại hoa hồng, cúc, vạn thọ, hoa treo, kiểng… Đặc biệt, năm nay người dân làng nghề chú trọng đầu tư các sản phẩm nhỏ có giá rẻ nhằm dễ tiêu thụ. Nhất là mai vàng phổ biến từ 60.000 - 300.000 đồng/cặp nhưng được tạo dáng rất đẹp và sẽ có nhiều bông”.
Các làng nghề sản xuất thực phẩm đặc sản cũng sôi động không kém. Mấy ngày nay, hơn 150 lò bánh tráng Mỹ Lồng (huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) bắt đầu vào vụ làm hàng tết, công suất nâng lên gấp 2 - 3 lần so với bình thường. Bà Nguyễn Kim Hoàng, chủ cơ sở sản xuất bánh tráng nổi tiếng Kim Hoàng, phấn khởi nói: “Bình thường cơ sở làm 500 cái bánh, nay tăng lên 1.000 cái/ngày. Các cơ sở khác có nhiều nhân công làm 2.000 - 3.000 bánh/ngày. Mấy ngày qua, nhiều cơ sở ở đây được các mối ở TPHCM, Cần Thơ… tới đặt hàng rất nhiều”. Trong khi đó, không khí tại làng sản xuất tôm khô Vinh Kim (Trà Vinh) cũng không đủ nguyên liệu để sản xuất. Bà Nguyễn Thị Xuân Hồng, chủ cơ sở tôm khô Vinh Kim, nói: “Nhu cầu nhiều lắm. Tôi vừa được một đầu mối ở TPHCM đặt hàng 8 tấn, nhưng đang rất lo vì không đủ nguyên liệu tôm tự nhiên để làm. Ngoài ra, còn các khách hàng truyền thống nữa. Hiện giá tôm khô Vinh Kim loại 1 lên đến 1,2 - 1,4 triệu đồng/kg, loại 2 là 700.000 đồng/kg; nhiều khả năng giá sẽ còn nhích lên khi cận tết…”.
BÌNH ĐẠI
Mặt hàng khô cũng tăng giá
Hiện tôm khô loại 1 trước đây giá chỉ 900.000 đồng/kg, nay đã tăng lên 1,1 triệu đồng/kg. Ngoài tôm khô, các loại cá khô cũng tăng giá mạnh, trong đó khô cá lóc giá ngày thường 250.000 đồng/kg thì hiện nay lên 400.000 đồng/kg; khô cá bổi từ 300.000 đồng/kg lên 450.000 đồng/kg… Ngoài ra, một số loại khô cá khoai, khô mực… cũng bắt đầu nhích giá lên.
PHÚC HƯNG