Triển khai đại trà chương trình THPT phân ban mới

Tất cả còn nằm trên giấy...

Tất cả còn nằm trên giấy...

Năm 2006-2007 là năm học đầu tiên triển khai đại trà chương trình THPT phân ban mới. Tuy nhiên, đến giữa tháng 4 này, việc triển khai các công việc như sách giáo khoa (SGK), bồi dưỡng giáo viên, cung ứng thiết bị dạy học... cho năm học mới gần như vẫn nằm trên giấy. Phóng viên SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Lê Quán Tần - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT) xung quanh vấn đề này.

  • Thiếu sách, NXB Giáo dục phải chịu trách nhiệm

Tất cả còn nằm trên giấy... ảnh 1

- PV: Liên quan đến SGK phân ban mới, hiện chưa có số lượng cũng như tỷ lệ học sinh theo học các ban nên Nhà xuất bản Giáo dục in sách theo cách ước đoán. Theo ông, như vậy có xảy ra tình trạng thừa – thiếu SGK cho năm đầu tiên triển khai đại trà chương trình phân ban không?

- Ông Lê Quán Tần: In và bán SGK là chuyện kinh doanh của nhà xuất bản (NXB), Bộ không thể đưa ra bất kỳ thông tin, khuyến nghị nào. NXB như là một người bán hàng, chưa biết bao nhiêu người vào quán của mình nên việc chuẩn bị hàng, dư thì lỗ, vừa thì lãi.

Nếu thiếu sách, NXB GD phải chịu trách nhiệm – cái này Bộ GD-ĐT đã khẳng định ngay từ đầu. Đây là quan hệ cung cầu, vì vậy, NXB phải có trách nhiệm tiến hành các khảo sát khoa học cần thiết để đảm bảo đủ số lượng SGK của các ban. Tổng số học sinh là một con số biết trước, còn việc chọn vào ban nào còn nhiều yếu tố biến thiên, NXB có quyền đưa ra một dự báo về tỷ lệ học sinh theo học các ban.

Đây không phải là lần đầu tiên bởi việc này đã được rút kinh nghiệm từ 2 đợt thí điểm chương trình phân ban trước đây. Hiện nhiều chuyên gia dự báo khả năng ban Cơ bản chiếm khoảng 35%-50% trong toàn quốc. Phần còn lại từ 65%-50% sẽ là hai ban KHTN và ban KHXH-NV. Trong đó, dự báo ban KHTN có số HS lựa chọn sẽ gấp đôi ban KHXH...

- Về giáo viên, năm đầu tiên triển khai đại trà chương trình phân ban mới, chương trình tập huấn giáo viên của Bộ GD-ĐT có điểm nào đặc biệt hơn so với những năm trước không, thưa ông?

- Điểm khác biệt duy nhất của năm học tới (2006-2007) là số lượng giáo viên tập huấn đại trà nhiều hơn, từ quy mô nhỏ (86 trường thí điểm) thành quy mô lớn với trên 2.000 trường THPT của cả nước với số lượng giáo viên cần tập huấn, bồi dưỡng vào khoảng 110.000 người.

Còn về mặt quy trình tập huấn thì không thay đổi: vào trung tuần tháng 5, Bộ GD-ĐT sẽ tập huấn đối với giáo viên cốt cán của các địa phương, từ tháng 6 đến cuối tháng 8, các Sở GD-ĐT sẽ tiến hành tập huấn, bồi dưỡng cho tất cả các giáo viên tham gia giảng dạy chương trình THPT phân ban mới. Trong các buổi tập huấn, bồi dưỡng, giáo viên sẽ được tiếp cận với SGK và thiết bị dạy học mới.

- Vậy đến thời điểm này, chương trình THPT phân ban mới đã được triển khai đến đâu, thưa ông?

- Tất cả mới trên giấy tờ, kế hoạch, ngay cả tôi cũng chưa hình dung thế nào. Đến cuối tháng 4, Bộ GD-ĐT mới tiếân hành triển khai đến cán bộ quản lý ở các địa phương. Còn đối với học sinh THCS, đến giữa tháng 4 này chúng tôi mới hoàn thành hướng dẫn học sinh chọn ban.

  • Một ban cũng phân hóa được học sinh? 

- Vấn đề phân ban sau THCS cũng được nhiều thí sinh và phụ huynh quan tâm, bởi sẽ có trường THPT chỉ đào tạo một ban. Làm thế nào để đáp ứng nguyện vọng chuyển ban như quy định đặt ra?

- Bộ GD-ĐT quy định: khi có chỉ tiêu tuyển sinh rồi thì hiệu trưởng lên phương án phân ban trình Giám đốc Sở GD - ĐT phê duyệt, sau đó mới ra thông báo tuyển sinh. Khi thông báo tuyển sinh, người dự tuyển sẽ được biết trường có những ban nào, mỗi ban có bao nhiêu lớp... Quy trình này được gọi là “đo chân đóng giày”. Vì khi tổ chức ra những lớp như vậy thì phải có đủ giáo viên, cơ sở vật chất...

Về phía trường cũng phân ra các loại: trường có điều kiện giáo viên và cơ sở vật chất khá thì định hướng sẽ tổ chức 3 ban. Đối với trường có đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất khó khăn hơn thì buộc phải làm ít ban (có thể 2 ban hoặc 1 ban). Ưu tiên vẫn là tăng cơ hội lựa chọn cho các em, nếu không vì lý do khách quan thì không thu hẹp. Một trường chỉ đào tạo ban Cơ bản thì HS vẫn được dạy phân hóa. Vì trong chương trình của ban Cơ bản, có 4 tiết tự chọn/tuần.

Như vậy, hiệu trưởng có quyền lấy ý kiến HS, sau đó xếp lại một số lớp học tự chọn theo 3 môn nâng cao tương ứng với khối thi ĐH. Ví dụ như: toán, lý, hóa nếu các em thi khối A... Trong ban Cơ bản vẫn còn ít nhất 4 luồng phân hóa. Ngay cả trường chỉ có mỗi ban Cơ bản thì khả năng phân hóa để chuẩn bị cho các em sau phổ thông vẫn còn.

- Nhưng nếu học sinh có nguyện vọng chuyển ban bằng cách chuyển sang trường khác thì có được phép không, thưa ông?

- Về nguyên tắc, học sinh chỉ được chuyển trường khi có những lý do thuộc về khách quan như thay đổi nơi cư trú... Học sinh được quyền chuyển ban một lần, sau năm học lớp 10 nhưng chúng tôi không đặt ra vấn đề chuyển trường để chuyển ban nhằm tránh xáo trộn.

- Xin cảm ơn ông.

Tin cùng chuyên mục