Mới đầu năm nay trong lúc Chính phủ Mỹ hô hào cuộc nổi dậy của nhân dân các nước Arập phản đối các chính phủ mà Mỹ còn đang ủng hộ nhưng đã mất lòng dân, họ không tưởng tượng được rằng điều đó hiện đang xảy ra trên đất nước mình. Cuộc biểu tình xuất phát từ lời kêu gọi “Chiếm lấy phố Wall” của vài trăm người ở New York nay đã lan rộng ra toàn quốc, kể cả thủ đô Washington, với hàng trăm cuộc biểu tình lớn nhỏ.
Có thể nói nước Mỹ đang đối mặt với những khó khăn chưa từng có: tỷ lệ nghèo tăng cao đến 15,1%, tương đương 46 triệu người (so với dân số), thất nghiệp hiện vẫn ở mức trên 15,6% (nếu tính đúng tính đủ), tương đương 30 triệu người (so với người trong độ tuổi lao động). Theo báo cáo mới nhất của Cục Thống kê Mỹ, từ tháng 6-2009 đến tháng 6-2011, thu nhập bình quân hộ gia đình giảm 6,7%, tương đương 49.900 USD (cho một hộ gia đình 4 người) và những người làm báo cáo cho biết đây là tỷ lệ giảm cao nhất từ trước đến nay. Theo báo New York Times mô tả sự không hài lòng và giận dữ đang bao trùm không khí chính trị nước này.
Vấn đề ở đây không chỉ phẫn nộ với những khó khăn của nền kinh tế, mà người dân đã nhận ra sự bất công trong hệ thống chính trị kinh tế của nước Mỹ. Nhà báo Mỹ Nicholas Kristof, người từng đưa tin về các cuộc nổi dậy từ Cairo cho đến Morocco, đã so sánh phong trào biểu tình ở Mỹ mà chính ông cũng gọi là “cuộc nổi dậy mới nhất” với các cuộc nổi dậy ở các nước Arập và khẳng định: điểm giống nhau chính là chỗ có một làn sóng thất vọng của giới trẻ đối với hệ thống chính trị và kinh tế mà người biểu tình coi như đang đổ vỡ, tham nhũng, vô trách nhiệm và không đáp ứng nguyện vọng nhân dân, không bảo vệ quyền lợi của người lao động. Trang web Truthdig của cựu phóng viên New York Times Chris Hedges khẳng định những gì đang diễn ra ở Mỹ chắc chắn không thể hiện cho một nền dân chủ thật sự.
Trong khi những vấn đề nội bộ của mình còn đang rối bời, Chính phủ Mỹ lại ra sức can thiệp vào việc nội bộ của nước khác, không chỉ hô hào mà còn trực tiếp đưa quân và bom đạn đến các quốc gia khác dưới cái mác bảo vệ dân chủ, nhân quyền. Nói như người xưa, họ tề gia còn chưa xong nhưng cứ muốn bình thiên hạ. Chính việc can thiệp quân sự và chính trị vào nội bộ các quốc gia khác lại càng làm cho kinh tế Mỹ kiệt quệ hơn.
Theo Đề án ưu tiên quốc gia của Chính phủ Mỹ, cơ quan nghiên cứu hiệu quả của việc sử dụng tiền đóng thuế của dân, thì Chính phủ Mỹ đã dễ dàng dùng 1.264 tỷ USD tiền đóng thuế của dân để chi cho hai cuộc chiến Iraq và Afghanistan, đó là chưa tính đến cuộc chiến ở Libya trong năm nay. Còn Tổng thống Obama đang hụt hơi chạy tìm 447 tỷ USD để giải quyết việc làm cho người dân, trong đó có 30 tỷ USD lo cho giáo dục để khỏi phải sa thải hàng loạt giáo viên ở nước này, thì đang bị đảng Cộng hòa tìm cách ngăn cản.
Trong những cuộc nổi dậy của nhân dân các nước Arập, chính quyền Mỹ đã phát huy tối đa sức mạnh của các công cụ tuyên truyền: báo chí Mỹ suốt ngày nói về diễn biến của Mùa xuân Arập từ Tunisia, đến Ai Cập, Syria, Yemen… và còn hỗ trợ các trang mạng xã hội kích động phong trào biểu tình ở các nước này. Giờ đây, ngay chính tại quê hương của Internet, báo chí Mỹ nói rất ít về cuộc biểu tình của người lao động. Và như Johnston viết trong bài báo cho hãng tin Reuters của Anh ngày 9-10: truyền thông Mỹ đã nhìn cuộc biểu tình bằng con mắt của giới chủ tư bản.
Việt Trung