Tết ăn con dúi

Cứ khoảng tháng 10 hàng năm, cộng đồng người Giơ Lâng ở huyện Kon Rẫy (tỉnh Kon Tum) lại tổ chức Lễ Ét đông với mong muốn lúa trĩu hạt, bà con không đau ốm… Đây là nét văn hóa độc đáo, có ý nghĩa quan trọng của cư dân nơi đây.
Tết ăn con dúi

Trên địa bàn huyện Kon Rẫy, nhóm người Giơ Lâng (một nhánh người Ba Na) phân bổ tập trung tại 4 thôn của xã Đắk Pne, làng Kon Cheo Leo ở thị trấn Đắk Rve và làng Kon Brăp Du của xã Tân Lập. Lễ Ét đông (còn gọi là Tết ăn con dúi) được tổ chức vào khoảng đầu tháng 10 hàng năm, khi cây lúa bắt đầu trổ đòng, ngậm hạt.

Đến nhà rông làng Kon Brăp Du (xã Tân Lập), chứng kiến người dân đang tập trung tổ chức lễ, không khí lễ trang nghiêm. Giữa nhà rông, 96 hộ xếp hàng bày biện lễ vật phục vụ cho buổi lễ. Lễ vật của mỗi hộ gồm rượu cần, thịt dúi nguyên con, cùng một số vật phẩm khác. Tại đây, già làng ra hiệu để bà con thực hiện nghi thức lễ. Người dự lễ răm rắp làm theo sự hướng dẫn của già làng. Tại buổi lễ, anh A Điếu triển khai thành thục các nghi thức ở gian cúng của gia đình. Chốc chốc, anh thắp đèn, lát sau lại mang ống nước ra trước nhà rông để đổ vào khóm lá.

Bắt chuyện, anh cho biết, đã chuẩn bị rượu cần, thịt dúi để tham gia lễ. Khó khăn nhất là đi bắt dúi. Anh phải mang cơm lặn lội 3 ngày mới bắt được dúi. Khi mọi thứ đã chuẩn bị xong xuôi, anh tổ chức làm lễ ở nhà, sau đó cùng bà con di chuyển lên nhà rông. Buổi lễ kéo dài 2 ngày. Trong thời gian này, gia đình anh gác mọi chuyện quan trọng khác chỉ để tham dự lễ. Hết ngày cúng thứ hai, gia đình sẽ lấy thịt dúi cùng rượu ghè chia sẻ cho mọi người trong làng cùng thưởng thức.

Ông A Lák, phó già làng, cho biết, Lễ Ét đông rất quan trọng với bà con trong làng. Vì quan trọng nên 96 hộ đều gác công việc và có mặt tại nhà rông để cùng tổ chức. Lễ vật là rượu cần và thịt dúi được bà còn chuẩn bị rất công phu. Rượu phải chuẩn bị cả tháng, dúi thì cùng nhau đi bắt trong bụi nứa, lùm tre. Tất cả bà con đều nghiêm túc tổ chức lễ, có ý thức xây dựng cộng đồng, cùng cầu mong lúa trổ nhiều hạt, mọi người khỏe mạnh…

Ông Nguyễn Việt Cường, Bí thư Đảng ủy xã Đắk Pne, cho biết, việc tổ chức Lễ Ét đông cơ bản do người dân tự phân công các thành viên trong làng chuẩn bị theo đặc thù nghi lễ. Do đó, Đảng ủy, chính quyền xã vận động người dân tổ chức lễ thật ý nghĩa, đoàn kết, đảm bảo đúng theo tinh thần truyền thống tốt đẹp. Sau nghi thức lễ tại nhà rông, đại diện các hộ dân mời lãnh đạo Đảng ủy, chính quyền xã về dự chung vui. Tại đây, lãnh đạo Đảng ủy, chính quyền đã động viên, khích lệ tinh thần đoàn kết của người dân. Ông Nguyễn Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Rẫy, cho biết, ngày xưa, nhóm người Giơ Lâng thờ thần rắn.

Sau thời gian chiêm nghiệm, họ thấy rắn có lúc ăn no nhưng đôi khi lại đói vì không có nguồn thức ăn thường xuyên. Trong khi đó, thức ăn của dúi rất đa dạng, có thể ăn rễ tre, rễ cỏ nên quanh năm suốt tháng chẳng bao giờ sợ thiếu thức ăn. Loài dúi lại không phá hoại mùa màng của người dân nên người dân càng kính trọng. Vì vậy, họ đã chuyển sang thờ thần dúi, xem dúi là con vật thiêng, biểu tượng của sự cần cù, siêng năng.

Cũng theo ông Thủy, Lễ Ét đông là thời khắc đánh dấu năm cũ đã hết, năm mới với những hy vọng mới, niềm vui mới bắt đầu. Trong Lễ Ét đông, mỗi người tự rũ bỏ phiền não trong cuộc sống hàng ngày của năm cũ. Thông qua lễ hội hàng năm, người Giơ Lâng muốn giáo dục con cháu mình phải biết giữ gìn truyền thống, nhớ ơn tổ tiên, đoàn kết thương yêu nhau và chăm chỉ làm ăn. Lễ mang tính cộng đồng cao, tạo nên một giá trị nhân văn sâu sắc.

Đặc biệt, trong lễ, ẩm thực truyền thống được duy trì và kế thừa, tạo sự gắn kết, người dân không làm thịt vật nuôi trong gia đình mà hầu hết thực phẩm đều lấy trong tự nhiên.

Tin cùng chuyên mục