Tết có mứt dừa

Ngày tết phương Nam, ngoài nồi thịt kho hột vịt hay canh khổ qua nhồi thịt, thiếu mứt dừa là mất hẳn đi phong vị ngày tết. Cũng phải thôi, bởi dừa mang đặc trưng xứ sở, là một phần không thể thiếu trong cuộc sống thường nhật, huống chi ngày tết.
Sên mứt dừa
Sên mứt dừa

Năm nào cũng thế, cứ đến độ rằm tháng Chạp, anh Minh Đức (ngụ phường 17, quận Gò Vấp, TPHCM) lại tất bật hơn. Ngày thường, vợ chồng anh mưu sinh bằng nghề bán trái dừa tươi. Cận tết, anh có thêm nghề làm mứt dừa non. Chỉ tay vào 2 mâm mứt dừa lá dứa vừa sên xong, anh cho biết: “Nhà em làm từ sáng đến giờ mới được 2 mẻ. Toàn bộ các công đoạn đều làm bằng tay. Làm mứt dừa non ăn ngon hơn, nhưng ngược lại mất thời gian hơn, bởi công đoạn sên mứt thường kéo dài, phải vài giờ mới xong 1 mẻ”.

Có khách quen dừng lại hỏi mua mứt dừa, nhưng anh đành phải thoái lui vì mẻ mứt này đã được đặt trước làm quà biếu gửi sang Mỹ. Bình thường, chỉ có hai vợ chồng cùng làm mứt dừa, nhưng cuối năm, khi ngày càng có nhiều khách mua, anh phải nhờ thêm họ hàng dưới quê lên phụ. Theo anh nhẩm tính, năm nay số lượng mứt dừa làm nhiều hơn hẳn năm ngoái.

Tại các vùng quê miệt vườn, hầu như tết đến nhà nào cũng đỏ lửa sên mứt dừa. Nguyên liệu làm luôn có sẵn trong vườn nhà, đủ để làm mứt dừa với nhiều màu sắc khác nhau.

Ngoài mứt dừa trắng, muốn có màu xanh đã có lá dứa; màu đỏ có thể sử dụng thanh long, củ dền; màu vàng của chanh dây; màu xanh biển của hoa đậu biếc; màu cam của gấc; màu vàng hạt dành dành; màu tím lá cẩm; màu nâu bột ca cao… Có lẽ không có món mứt nào lại có thể dễ dàng kết hợp và biến tấu như mứt dừa.

Qua bàn tay của mỗi người, màu sắc, gia vị có khi đậm, lạt khác nhau. Muốn ngọt gắt thêm chút đường hay sữa đặc. Muốn ngọt thanh gia giảm đi phần nào. Muốn thêm chút hương có thể dùng vani, hoặc giữ nguyên mùi hương tự nhiên của dừa.

Cũng như ngày gói bánh tét, không khí làm mứt dừa lúc nào cũng rôm rả từ ấp trên đến xóm dưới. Một nhà đỏ lửa là các thành viên cùng xúm tay, đôi khi còn có bà con chòm xóm qua chơi rảnh tay phụ việc. Người chặt trái lấy nước, tách cơm dừa. Người gọt sạch phần vỏ nâu, ngâm trong nước, thêm chút nước cốt chanh cho dừa trắng tươi. Người nhanh tay thái dừa thành miếng, lại rửa kỹ cho đến khi nước đã trong ra hết lớp dầu, để khi sên mứt ngon và bảo quản được lâu. Trong lúc chờ ướp đường và các phụ liệu là lúc chuẩn bị bắc bếp, nổi lửa.

Những câu chuyện cứ thế thêm phần rôm rả. Miệng nói nhưng đôi tay vẫn thoăn thoắt trên những chảo dừa đang quyện đường và dần lên màu bắt mắt. Công đoạn sên mứt dừa không được lơi tay. Khi đường bắt đầu se lại, đôi tay càng phải thoăn thoắt hơn. Các bà, các chị nếu khéo tay hơn, còn điểm tô thêm cho mứt dừa đủ hình thù bắt mắt, nào hình hoa hồng, hoa cúc.

Tết đến, nhà nào cũng có mứt dừa để đãi khách, làm quà tặng người thân, bạn bè ở xa. Từ phương Nam, mứt dừa non không chỉ ra Bắc, ra Trung mà còn “xuất ngoại” khắp muôn phương. Đó là món ăn gợi nhớ tình quê mộc mạc và thắm đượm. Cái ngọt ấy xua tan cái béo ngậy của nồi thịt kho hột vịt, hay các món ăn nhiều dầu mỡ ngày tết.

Vị ngọt của mứt dừa cũng là cái ngọt bùi của tình người phương Nam chân chất. Có lẽ, cũng vì vị ngọt ấy, mứt dừa còn tượng trưng cho sự quây quần, sum vầy, hạnh phúc cho cả gia đình trong năm mới.

Tin cùng chuyên mục