Chỉ cần có mạng internet, một điện thoại thông minh hay máy tính bàn, chúng ta dễ dàng mua một mớ áo quần, thịt cá, dưa hành, thay vì bước chân ra chợ. Những chậu mai, cây cảnh cũng được chuyển tận nơi nếu bên mua có nhu cầu. Bánh chưng, gà cúng… được quảng cáo “bao ngon, bao sạch” trên những tờ rơi dán khắp tường nhà, cột điện. Những người xa quê, có thể thuê người tảo mộ online. Thậm chí viết sớ cúng tất niên, giao thừa, gia chủ chẳng cần phải cung cấp thông tin, vì người bán đã có thể biết qua Zalo, Facebook.
Sự tiện lợi của internet đã giúp con người đỡ tốn thời gian công sức. Dân công sở không còn bớt xén thời gian đi chợ mua sắm trước tết. Người nông dân ngoài việc buôn thúng bán mẹt còn biết khái niệm “livestream”. Người người, nhà nhà đều có thể trở thành dân buôn nếu biết cập nhật công nghệ.
Khi khoảng cách địa lý được thu hẹp, giao dịch giữa người bán người mua nhanh gọn dễ dàng, thì sự gắn kết giữa những con người bằng xương bằng thịt lại bị thu hẹp đi. Mỗi lời chào xã giao đều mang tính biểu tượng, chung chung. Một gương mặt với đủ mọi hỉ, nộ, ái, ố thay cho những cung bậc cảm xúc. Kết thúc giao dịch, chẳng ai nhớ nổi bên cung và cầu có những đặc điểm hay tính cách gì, tất cả nhanh gọn và lặng thinh như một thao tác delete.
Lời nói bị giảm thiểu, hình ảnh lại lên ngôi. Đi đâu, làm gì, người ta cũng chăm chăm “tự sướng”. Ăn mặc không phải chú trọng đến chất lượng, mà để tập trung vào khung hình. Mâm cỗ tết dọn ra, hương chưa thắp lên, cháu con đã giành nhau chụp ảnh. Đi chúc tết thì nói vài ba câu, rồi ai nấy cầm điện thoại nhắn tin. Bạn bè rủ nhau đi cà phê, chẳng có chuyện gì để nói, mà lao xao hỏi mật khẩu wifi.
Trẻ con bây giờ chẳng còn mặn mà với tết chỉ để được lì xì. Món quà yêu thích của trẻ con không gì hơn được cha mẹ giao khoán cho chiếc điện thoại. Chúng ngồi yên hay ăn cơm giỏi là tùy vào tốc độ mạng internet chạy chậm hay nhanh. Thương cho những người già, quay ra quay vô trông con cháu về quê, nhưng về rồi thì mỗi đứa đi mỗi ngả, đám trẻ con thì chẳng buồn chơi với nhau, mà mỗi đứa một góc “tự kỷ” với smartphone, máy tính bảng.
Người xa quê thì gửi về nhà lời chúc tết bằng cánh thiệp ảo trên Facebook. Một lời chúc chẳng tốn sức, tốn công và vô tình như những người thân chuyên “like dạo” để giết thời gian. Người người gửi cho nhau những khuôn mặt cười vô hồn, ngay cả lời cảm ơn cũng được viết sẵn bằng chữ nước ngoài để khỏi tốn thời gian. Nhiều người trẻ chẳng buồn về quê để tránh những lễ nghĩa rườm rà. Chuyển khoản cho cha mẹ dăm ba triệu xem như đã làm tròn nghĩa vụ, mặc cho ông bà hì hụi gói bánh tét, bánh chưng.
Tết cổ truyền thời công nghệ diễn ra nhanh - gọn - tiện, nhưng cái tình thì ngày càng mờ nhạt. Ngày càng hiếm gặp không khí sum họp quây quần bên mâm cơm, cháu con kể cho ông bà nghe những thành tích năm qua, dự định năm tới. Những lời hỏi thăm chân tình giờ lại bị xem như xâm phạm quyền riêng tư. Đến nhà nhau chơi thì sợ mất thời gian nên gọi điện face time cho khỏe. Trẻ con chẳng hứng thú việc khai bút lúc giao thừa bằng trò chơi Liên minh, Kiếm thế, Ngọa long.
Công nghệ không có lỗi, lỗi là ở người sử dụng nó như thế nào. Chúng ta quá lạm dụng cái rập khuôn mà đánh mất nét đặc trưng, bản sắc. Những mâm cỗ giống nhau, lời chúc đụng hàng và những bức hình được chỉnh sửa không khác nhau là mấy. Lâu nay người người vẫn quen “sống ảo” với nhau và lừa dối chính bản thân mình.
Không gian số phải trả nó về đúng nghĩa, xóa nhòa khoảng cách không gian, thời gian, nhưng đừng rút ngắn đạo lý, tình người. Tết là để sum vầy, mừng nhau câu chúc tâm giao, để sự giao thoa truyền thống và hiện đại có nét đặc thù, ý nghĩa.