Thách thức an ninh

Kênh truyền hình CNN của Mỹ ngày 5-5 đưa tin một trong hai tay súng tiến hành cuộc tấn công tại Trung tâm Curtis Culwell, nơi diễn ra triển lãm tranh biếm họa Nhà tiên tri Mohammed, tại Garland, bang Texas (Mỹ), tự nhận mình có quan hệ với nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) xác định đối tượng trên là Elton Simpson. Trong một tuyên bố trên tài khoản Twitter trước khi thực hiện vụ tấn công, tên này đã đăng thông điệp “Xin Thánh Allah chấp nhận chúng con là chiến binh”. Simpson và đồng phạm Nadir Soofi, cũng thề chung thành với Amirul Mu’mineen (Lãnh tụ của những người có đức tin).

Chuyên gia phân tích khủng bố của CNN Paul Cruickshank cho rằng lãnh tụ mà hai tên này nhắc tới chính là thủ lĩnh IS Abu Bakr al Baghdadi. Sau khi vụ nổ súng xảy ra, một chuyên gia tuyên truyền của IS là Junaid Hussain đã ca ngợi “hai người anh em nổ súng tại Texas”.

Simpson không còn xa lạ gì với FBI. Năm 2011, Simpson bị xử tù treo 3 năm sau khi FBI thu thập bằng chứng cho thấy y có ý định đến Somalia gia nhập Hồi giáo cực đoan. Còn Soofi, bạn cùng phòng của Simpson ở Phoenix, theo thông tin từ một quan chức của FBI, có lý lịch “sạch sẽ”, không nằm trong diện theo dõi của FBI.

Cuộc tấn công lần này khiến không ít người liên tưởng đến vụ tấn công tạp chí Charlie Hebdo (Pháp) của các “sói đơn độc” hồi đầu năm nay. Kiểu tấn công riêng lẻ này đã từng được Giám đốc FBI James Comey cảnh báo và xem đây là một mối lo ngại hàng đầu của an ninh Mỹ. IS đang tích cực tuyên truyền các tư tưởng cực đoan của tổ chức này trên Internet.

Ông Comey cho hay IS vẫn liên tục chiêu dụ giới trẻ Mỹ sang Syria và Iraq hoạt động thánh chiến và sau đó trở lại Mỹ thực hiện các hành vi khủng bố. Theo thống kê của Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) đầu tháng 3-2015, hiện có khoảng 180 người Mỹ đã đến Syria tham gia vào các tổ chức thánh chiến và 40 người trong số đó đã về nước.

Đây là sự thay đổi về chiến thuật của các tổ chức khủng bố khi mà an ninh Mỹ được tăng cường sau vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001. Với cách thức này, những kẻ khủng bố không cần phải lên các kế hoạch “hoành tráng” mất nhiều thời gian, dễ bị phát hiện mà vẫn có thể gây thiệt hại, khiến người dân Mỹ phải sống trong hoang mang, lo sợ.

Cuộc tấn công tại Trung tâm Curtis Culwell xảy ra đúng vào thời điểm căng thẳng đang dâng cao ở Mỹ xung quanh việc cảnh sát lạm dụng vũ lực, những cáo buộc về đối xử phân biệt với người da màu. Demetrius Blackwell, một người đàn ông da màu, bị cáo buộc giết hại cảnh sát Brian Moore là vụ việc mới nhất liên quan đến những căng thẳng đang xảy ra ở Mỹ. Trước đó, một công tố viên ở Baltimore tuyên bố truy tố 6 sĩ quan cảnh sát liên quan đến cái chết của một người đàn ông da màu bị tạm giữ…

Phân biệt chủng tộc luôn là một vấn đề nhạy cảm trong xã hội Mỹ và dường như đang bùng phát do không ít những bất đồng vẫn chưa được giải quyết triệt để. Trong bối cảnh Mỹ đang hướng tới cuộc bầu cử tổng thống vào năm sau, bên cạnh các vấn đề mà Mỹ đang dành nhiều sự quan tâm là kinh tế và đối ngoại, đảm bảo an ninh nội địa không để công dân của mảnh đất luôn tự hào là “miền đất hứa” phải sống nơm nớp lo âu là một điểm quan trọng trong cương lĩnh tranh cử mà ứng viên của các đảng nên có.

ĐỖ CAO

Tin cùng chuyên mục