Thách thức về chuyển đổi xe máy điện ở Jakarta

Tjut Devi vừa mua chiếc xe máy điện đầu tiên của mình. Cô cho biết, môi trường là một trong những cân nhắc hàng đầu của cô: “Tôi không rõ liệu nó có tiết kiệm hay không, nhưng chắc chắn tôi muốn giảm thiểu ô nhiễm môi trường”. 
Một phòng trưng bày xe máy điện ở Jakarta, Indonesia
Một phòng trưng bày xe máy điện ở Jakarta, Indonesia

Báo cáo mới nhất của Công ty Nghiên cứu rủi ro toàn cầu Verisk Maplecroft cho biết, tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng cùng các mối đe dọa động đất và lũ lụt kéo dài khiến thủ đô Jakarta, Indonesia đứng đầu danh sách các thành phố bị đe dọa bởi các rủi ro môi trường.

Nghiên cứu trên đánh giá và xếp hạng 576 thành phố lớn nhất thế giới dựa vào mức độ đối mặt với các rủi ro môi trường. Dữ liệu thời gian thực do IQAir thu thập cho thấy, ô nhiễm không khí có thể khiến 4.000 người tử vong sớm tại Jakarta và gây thiệt hại lên tới 1 tỷ USD trong năm nay.

Ngoài môi trường ô nhiễm, Jakarta còn nổi tiếng vì tình trạng tắc nghẽn giao thông. Vì vậy, những người như Devi thích mua xe máy hơn ô tô vì tính thiết thực của nó khi xét đến tình trạng kẹt xe ở Jakarta, việc di chuyển trong thành phố bằng xe máy sẽ dễ dàng và nhanh chóng hơn. 

Đối với các chủ phương tiện trung bình ở Indonesia, xe điện 4 bánh (EV) có thể nằm ngoài tầm với, vì nó có giá khoảng 650 triệu rupiah (tương đương 45.773 USD), so với xe động cơ đốt trong thường có giá khoảng 200 triệu rupiah. Xe máy chạy bằng xăng có thể được mua với giá khoảng 10 triệu rupiah trở lên, trong khi loại chạy bằng điện thường đắt gấp đôi.

Các kế hoạch để Indonesia trở thành một trung tâm sản xuất pin EV cũng đồng nghĩa với việc các loại xe EV sẽ rẻ hơn trong thời gian tới.

Ông Thomas Hansmann, một đối tác của McKinsey & Company tại Indonesia, cho biết: “Chi phí thấp hơn đối với xe 2 bánh chạy điện sẽ hấp dẫn người tiêu dùng ở cả các thành phố lớn và khu ngoại ô”.

Theo ông Hansmann, động lực chính trong việc giảm tổng chi phí sở hữu là giảm chi phí pin thông qua cải tiến công nghệ. Ngoài ra, xe máy điện không yêu cầu cơ sở hạ tầng điện riêng biệt, vì pin xe máy đảm bảo đi được từ 40-70km, trong khi hầu hết mọi người lái xe dưới 40km/ngày. 

Mặc dù những lợi ích tiềm năng của việc áp dụng EV cao hơn ở Indonesia, hành vi của người tiêu dùng và giá xe là một trong những yếu tố có thể ảnh hưởng đến việc những phương tiện như vậy có trở thành xu hướng phổ biến hay không.

Theo ông Bima Adhiputranto, Giám đốc vận hành của Motolife Internusa, nhà phân phối xe điện và xe động cơ đốt trong tại Jakarta, thách thức lớn nhất trong việc phổ biến xe điện là hành vi của người dân.

“Làm thế nào để thuyết phục họ chuyển sang sử dụng xe điện là thách thức khá lớn. Theo quan điểm của chúng tôi, xe điện có nhiều lợi thế hơn vì không cần bảo dưỡng. Tất cả những gì bạn cần là sạc và sử dụng. Nhưng điều bạn cần thay đổi là thói quen sạc lại hàng ngày, thay vì đổ xăng 2 lần mỗi tuần”, ông Adhiputranto nói.

Cũng có luồng ý kiến khác về việc chuyển đổi xe máy điện. Bình luận về kế hoạch áp dụng EV, ông Darmaningtyas, người làm việc tại tổ chức phi chính phủ Instran, nhận định: “Nếu nguồn điện vẫn phải lấy từ các nhà máy nhiệt điện thì vấn đề vẫn dừng lại ở chỗ “rượu cũ bình mới” mà thôi. Nó vẫn gây ô nhiễm môi trường từ việc khai thác. Dù là xe 2 bánh hay xe 4 bánh, chúng chỉ có thể được coi là một giải pháp cho các vấn đề môi trường nếu nguồn điện là từ nước, thứ mà chúng ta có rất nhiều ở Indonesia, như nước biển”.

Tin cùng chuyên mục