Thầm lặng những “chuyến đò” đặc biệt

Thầy, cô giáo làm công tác xóa mù chữ, dạy nghề ở Cơ sở cai nghiện số 2, Lực lượng Thanh niên xung phong TPHCM (xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) cũng là những người đưa đò, nhưng những “chuyến đò” của họ thật đặc biệt.

Họ không những giúp học viên chữa lành bệnh, mà còn mang lại ánh sáng văn hóa để những người lạc lối này tìm được đường về, tự tin tái hòa nhập cộng đồng, làm lại cuộc đời.

Những tiết học nhiều cảm xúc

Giọng Hà Nội nhẹ nhàng, cô giáo Phạm Hồng Yến vừa hướng vẫn cách đọc những từ khó, vừa đến từng bàn chỉnh nét chữ cho học viên. Cô Hồng Yến sinh ra ở Thủ đô, theo cha mẹ vào Lâm Đồng lập nghiệp. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, trong 11 năm làm nghề giáo, cô có đến 7 năm gắn bó với những lớp học xóa mù chữ cho người nghiện.

Cô Hồng Yến tâm sự: “Xóa mù chữ cho học viên cai nghiện không chỉ cần chuyên môn nghiệp vụ mà còn bằng tình người và trách nhiệm. Mỗi ngày đứng lớp đối với tôi đều có nhiều cảm xúc…”.

Cô Phạm Hồng Yến cho biết, dạy những chữ đầu cho học sinh tiểu học khó một thì đối với học viên cai nghiện khó gấp mười lần. Nhiều học viên cai nghiện có cá tính mạnh mẽ, bất cần, thậm chí không ít người là tay “anh chị” ngoài xã hội, nên rất khó quản lý hơn nhiều học sinh ở những lớp học thông thường. Tìm những câu chuyện lôi kéo học viên vào lớp ngồi chăm chú học đã khó, giúp các bạn nhớ được những con chữ đã hướng dẫn càng khó hơn. “Chỉ riêng việc cầm bút đúng cách, nhiều bạn phải tập cả tuần với sự hỗ trợ của chúng tôi mới làm được”, cô Hồng Yến kể.

Cô giáo Phạm Hồng Yến hướng dẫn cách đọc chữ cho từng học viên

Cô giáo Phạm Hồng Yến hướng dẫn cách đọc chữ cho từng học viên

Thầy Đỗ Việt Cường, giáo viên dạy nghề, chia sẻ lời gan ruột: “Dạy nghề cho học viên cơ sở cai nghiện phải đặt tình thương lên hàng đầu. Giáo viên chúng tôi phải cùng học cùng làm, phải truyền bằng được cảm hứng lao động để học viên tự tin với nghề đã học, từ đó có được một nghề ổn định để lo chính bản thân các bạn”.

Những giáo viên dạy văn hóa, xóa mù chữ, dạy nghề đồng hành cùng cán bộ, nhân viên Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 đã vượt qua không ít khó khăn để giúp học viên chữa lành bệnh, nâng cao kiến thức và tìm thấy niềm tin trong cuộc sống. Công việc của các thầy, cô giáo tuy thầm lặng nhưng mang nặng tình người, đem lại hạnh phúc cho nhiều gia đình.

Ông Trương Quang Nam, Giám đốc Cơ sở cai nghiện số 2, Lực lượng Thanh niên xung phong TPHCM (được các học viên gọi một cách thân thương là “thầy hiệu trưởng”), thông tin, cơ sở có 732 người cai nghiện, trong đó 694 người cai nghiện bắt buộc và 38 người cai nghiện tự nguyện. Người nghiện vào cơ sở không những được chữa bệnh, học các nghề sửa chữa xe máy, may công nghiệp, điện dân dụng, tin học văn phòng, cắt tóc... mà còn được xóa mù chữ, học văn hóa để có thể tự tin tái hòa nhập cộng đồng.

Tìm lại niềm tin

“Em không còn đánh vần từng chữ nữa mà đã đọc trôi chảy cả trang sách, biết làm con tính… Bước đầu chỉ vậy nhưng cũng giúp em có được niềm tin vào chính mình, để tính toán lại cuộc đời mình”, Huỳnh Văn Minh, học viên lớp xóa mù chữ - Cơ sở cai nghiện số 2, Lực lượng Thanh niên xung phong TPHCM, bộc bạch. Gia đình Minh ở quận Tân Bình, TPHCM, Minh có công việc ổn định nhưng lại sa vào ma túy. Ở tuổi 35, vào cơ sở cai nghiện, nghĩ cuộc đời đã vào ngõ cụt, nhưng vào đây được học chữ, học nghề khiến Minh rất vui.

Học viên Nguyễn Quốc Dũng (quận 4, TPHCM) cố nắn nót từng con chữ, kể với chúng tôi: “Lớn lên ở khu vực lao động có nhiều đối tượng xã hội sinh sống, hoạt động, tôi không biết chữ và không có nghề, chỉ biết giữ xe để sống qua ngày. Những lần ham vui với bạn bè, “cái chết trắng” tìm đến. Thế rồi tôi lên đây!”. Ngày đầu đến lớp, cô giáo rèn từng nét chữ, học đánh vần từng chữ, giờ Dũng đã đọc trôi chảy, mỗi lần được cô giáo khen sáng dạ, tính toán nhanh, Dũng ngây ngô cười như đứa trẻ.

“Bệnh đã chữa dứt, lại được học chữ, học nghề. Với công việc đan ghế, mỗi tháng tôi có thu nhập chừng 2 triệu đồng. Khi về nhà, tôi sẽ kiếm việc làm, làm lại cuộc đời”, Dũng trò chuyện với chúng tôi và cũng tự hứa với chính mình như vậy.

Người nhiều tuổi nhất của lớp là học viên Lư Mãn Đường (quận Bình Tân, TPHCM). Tuổi đã ngoài 50, học viên Lư Mãn Đường hàng ngày đều đặn cắp sách đến lớp. “Thật không ngờ, khi đã hơn 50 tuổi tôi mới được đi học. Bàn tay thô ráp chỉ quen cầm búa, máy hàn nay được cầm bút, lên bảng đọc bài. Điều mong muốn nhất sau khi cai nghiện, trở về nhà là tôi sẽ dạy đọc, viết những chữ đã học cho các cháu”, học viên Lư Mãn Đường bộc bạch.

Ông Trương Quang Nam cho biết, hàng năm cơ sở khai giảng từ 6-10 lớp dạy văn hóa, xóa mù chữ cho 150-200 học viên. 100% học viên khi rời cơ sở trở về với gia đình đều biết đọc, biết viết, biết tính toán và biết được một nghề để tự tin hơn trong cuộc sống.

Ngoài những giờ lên lớp học chữ, học nghề, học viên tham gia chăn nuôi, trồng trọt và sản xuất các loại hàng hóa thủ công mỹ nghệ. Từ bàn tay lao động của học viên, mỗi năm cơ sở thu hoạch 100 tấn nhân cà phê, sản lượng rau xanh các loại trên 150 tấn, sản lượng chăn nuôi bò, heo, gà... đạt hàng trăm tấn.

Tin cùng chuyên mục