Sau 55 ngày nỗ lực, quyết liệt ngăn chặn, phòng chống không để dịch Covid-19 lây lan trong cộng đồng thì vào giữa tuần qua, Việt Nam lại ghi nhận sự lây lan của dịch bệnh nguy hiểm này trong cộng đồng ở 2 tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh.
Từ số ít ca mắc ban đầu, dịch Covid-19 đã lây lan với tốc độ rất nhanh, kéo theo số người mắc tăng cao kỷ lục từ trước tới nay, lên tới hàng chục trường hợp mỗi ngày và phần lớn có liên quan tới 2 ổ dịch lớn nhất hiện nay là TP Chí Linh (Hải Dương) và Vân Đồn (Quảng Ninh).
Đáng lo ngại hơn, cơ quan y tế cũng xác định đợt dịch Covid-19 lần này ở nước ta lây lan với tốc độ chóng mặt là có liên quan tới biến thể mới của virus SARS-CoV-2 tại Anh.
Trước diễn biến ngày càng phức tạp, nguy cơ lây lan nhanh của dịch Covid-19 tại các tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, và lãnh đạo nhiều bộ, ban, ngành chức năng dù đang tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nhưng đã liên tục có những cuộc họp khẩn với các địa phương để chỉ đạo công tác phòng chống dịch Covid-19, thậm chí có những cuộc họp diễn ra ngay cả vào lúc tối muộn, hay đêm khuya.
Tại các cuộc họp, Thủ tướng luôn nhắc nhở yêu cầu phản ứng cương quyết, kịp thời, thái độ dứt khoát, tiếp tục thực hiện biện pháp hành chính mạnh mẽ như: phong tỏa ổ dịch, cách ly thôn xóm, dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết và xử lý nghiêm mọi vi phạm về phòng chống dịch. Đồng thời phải tập trung khoanh vùng, cách ly, truy vết thần tốc dịch bệnh trên diện rộng nhưng cũng phải hết sức bình tĩnh, tránh gây hoang mang trong nhân dân.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng với tinh thần “thần tốc, quyết liệt”, Bộ Y tế, các lực lượng chức năng và chính quyền các địa phương đã rất khẩn trương, nhanh chóng triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Nhiều tỉnh, thành phố kích hoạt ngay các biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn ở mức cao nhất.
Thậm chí, không ít địa phương dù chưa ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng cũng đã chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết, lên kịch bản sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống xảy ra. Trong khi đó, các lực lượng nòng cốt như: y tế, công an, quân đội lập tức tập trung tối đa nhân lực ngày đêm truy vết, sàng lọc, kiểm soát dịch bệnh và đẩy mạnh tuyên truyền để người dân cùng vào cuộc phối hợp với các cơ quan chức năng trong phòng chống, ngăn chặn dịch.
Đặc biệt xác định TP Chí Linh, Hải Dương là ổ dịch lớn nhất hiện nay, Bộ Y tế đã huy động nhiều chuyên gia dịch tễ, điều trị hàng đầu và một số bệnh viện tuyến trung ương tập trung hỗ trợ giúp đỡ tỉnh Hải Dương dập dịch.
Vì vậy, chưa đầy 24 giờ sau khi Bộ trưởng Bộ Y tế phát lệnh, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và các chuyên gia của Bộ Y tế đã nhanh chóng hỗ trợ Hải Dương hoàn thành 2 bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19. Đáng quý hơn, dù đã là những ngày giáp tết, nhưng nhiều bệnh viện, y bác sĩ tại nhiều tỉnh thành phố khác đã xung phong lên đường tới Hải Dương, Quảng Ninh để “quyết chiến” với dịch Covid-19.
Dịch bệnh Covid-19 còn tiếp diễn phức tạp nhưng không vì thế mà chúng ta hoang mang, lo lắng. Để chiến thắng “giặc Covid-19”, yêu cầu tiên quyết lúc này là các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị và người dân cần thực hiện nghiêm túc, khẩn trương, triệt để các chỉ đạo, yêu cầu của Thủ tướng, Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19.
Đồng thời, người dân cũng cần tự giác phối hợp chặt chẽ, đồng hành với các ngành, đơn vị chức năng để kiểm soát, ngăn chặn dịch, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, coi nhẹ công tác phòng chống dịch. Chúng ta tin tưởng và hy vọng với sự vào cuộc trách nhiệm, khẩn trương, quyết liệt của các cấp, các ngành, địa phương, các lực lượng chức năng cùng với sự đồng hành, ủng hộ, hậu thuẫn của đông đảo người dân, Việt Nam sẽ lại chiến thắng dịch Covid-19, tạo sự yên vui, phấn khởi cho nhân dân đón Tết Tân Sửu 2021.
NGUYỄN QUỐC