Thận trọng khi sử dụng tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện than ​

Vấn đề tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện luôn là mối quan tâm hàng đầu của nhiều cộng đồng nơi có các nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động. Các chuyên gia khuyến nghị cần có đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn đầu vào của từng loại sản phẩm than, từ đó xác định biện pháp quản lý, sử dụng tro xỉ.
Các nhà máy điện than thải ra khoảng 16, 17 triệu tấn tro và xỉ mỗi năm
Các nhà máy điện than thải ra khoảng 16, 17 triệu tấn tro và xỉ mỗi năm

Tại cuộc Tọa đàm trực tuyến “Tro xỉ nhiệt điện – vật liệu an toàn hay chất thải nguy hại” được tổ chức nhân ngày Môi trường Thế giới và tháng Hành động vì môi trường do Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) phối hợp tổ chức, các nhà khoa học khẳng định, tro xỉ than là một loại chất thải nguy hại và cần thận trọng khi sử dụng cho xây dựng và công nghiệp.

Vấn đề tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện luôn là mối quan tâm hàng đầu của nhiều cộng đồng nơi có các nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động. Mới đây, ngày 1-6, TS. Nguyễn Chiến Thắng - Giám đốc Trung tâm tư vấn nhiệt điện và điện hạt nhân thuộc Viện Năng lượng phát ngôn trên báo điện tử của Bộ Công Thương: “Tro xỉ của nhà máy nhiệt điện than ở Việt Nam hiện nay không nên coi là chất thải (độc hại) mà nên coi là nguyên liệu đầu vào đáng quý, cung cấp chủ yếu cho ngành vật liệu xây dựng và các ngành công nghiệp, dân sinh khác”.

Tại cuộc tọa đàm nêu trên, nhiều chuyên gia đưa ra ý kiến cần thận trọng khi quản lý, sử dụng tro xỉ nhiệt điện.

Ông Trần Đình Sính, chuyên gia năng lượng, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh cho biết, hiện nay các nhà máy điện than đang hoạt động với tổng công suất 18.000MW, thải ra khoảng 16, 17 triệu tấn tro và xỉ mỗi năm. Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nếu không có biện pháp xử lý phù hợp thì đến năm 2030 Việt Nam sẽ tồn dư khoảng 422 triệu tấn và cứ mỗi năm lại thêm khoảng 32 triệu tấn nữa. Để dễ hình dung, nếu bình quân bãi tro xỉ đắp cao khoảng 5m thì Việt Nam sẽ mất khoảng 65km² để chứa tro xỉ (gần bằng diện tích thành phố Huế là 70km²) và mỗi năm thêm 5km², bằng diện tích của 1 xã đồng bằng Bắc Bộ.

Cung cấp thêm thông tin cụ thể, ông Trần Đình Sính nói, than Quảng Ninh chứa khoảng 0,464mg thủy ngân mỗi kg than. Còn than nhập thì chưa rõ có chứa những chất gì, hàm lượng bao nhiêu. Riêng than Nông Sơn còn có chất phóng xạ…

Trong khi đó, ông Đặng Đình Bách, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật và Chính sách Phát triển bền vững (LPSD) khẳng định, Việt Nam chưa có văn bản quy phạm pháp luật về xử lý tro xỉ của nhiệt điện, trong khi có nhiều bằng chứng khoa học trong nước và quốc tế khẳng định các thành phần của tro xỉ rất nguy hại với sức khỏe con người và môi trường. Tro xỉ có chứa thủy ngân và các chất độc hại khác. Chính vì thế mà tại Thông tư 36/2015, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa tro xỉ của nhiệt điện than vào danh mục các chất thải nguy hại. Tuy nhiên, hiện nay lại có nhiều trào lưu vận động ngược để đưa tro xỉ ra khỏi danh mục này, và đây có thể là hành động khiến ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của con người và môi trường sau này.

TS Nguyễn Văn Liêm, chuyên gia trong lĩnh vực môi trường và sức khỏe, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khí tượng nông nghiệp cũng nhận định: “Cần có đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn đầu vào của từng loại sản phẩm than, từ đó xác định biện pháp quản lý, sử dụng tro xỉ”.

Tin cùng chuyên mục