
Như Báo SGGP đã đưa tin, tại phiên họp toàn thể chiều 16-6, Quốc hội cho ý kiến Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi. Nhiều ý kiến đại biểu cho rằng không nên kéo dài tuổi nghỉ hưu; cứu vãn nguy cơ vỡ Quỹ BHXH bằng cách nâng tuổi hưu là hạ sách. Nhiều bạn đọc đã đồng tình với quan điểm này và đã gửi thư góp ý với Quốc hội.

TPHCM quan tâm thực hiện các chính sách chăm lo cho người nghỉ hưu. Ảnh: VƯƠNG LIÊM
* TƯỜNG VI (quận 2, TPHCM): Vấn đề là tinh giản nhân sự
Chúng ta cần phân tích việc có cần tăng tuổi nghỉ hưu hay không trên cơ sở thể chất, sức khỏe của người Việt và hiện trạng xã hội; chứ không nên xét tăng tuổi nghỉ hưu vì cứu Quỹ BHXH, hay vì ưu ái chiếu cố cho một số công chức có quyền chức cao. Để tái cơ cấu nền kinh tế, hãy bắt đầu từ con người. Hãy nhìn thể chất, sức khỏe người Việt mình, tuổi về sau này tuổi thọ tăng, nhưng phụ nữ 55 tuổi và nam 60 tuổi đâu có khỏe nữa. Thử hỏi có chị công nhân quét rác, phụ nữ lao động chân tay nào muốn tăng thêm tuổi hưu?
Sợ lãng phí chất xám cũng là bao biện, nếu tăng tuổi hưu thì lại làm hẹp cánh cửa cơ hội cho lớp trẻ có học hành ra trường không xin được việc. Để tránh vỡ Quỹ BHXH, hãy nhanh chóng và mạnh dạn tinh giản đội ngũ công chức dôi dư, kém năng lực, không làm việc mà vẫn lĩnh lương, đó mới là việc cần làm ngay, chứ đâu phải là tăng thêm tuổi hưu.
* ANH ĐÀI (quận 6, TPHCM): Nên căn cứ đặc thù công việc
Việc quy định tuổi nghỉ hưu đối với người lao động cần phải căn cứ vào điều kiện và môi trường làm việc, đặc thù công việc của từng nhóm đối tượng và cũng cần tính toán cụ thể nguồn nhân lực xã hội. Theo tôi, cần có sự phân biệt về tuổi nghỉ hưu cụ thể đối với lao động nữ khu vực sản xuất kinh doanh, khu vực sự nghiệp, khu vực hành chính. Việc quy định tuổi nghỉ hưu của lao động nữ cần phải được cân nhắc, tính toán khoa học như vấn đề bình đẳng giới, vai trò của người phụ nữ trong gia đình, ngoài xã hội, tuổi thọ bình quân của phụ nữ, vấn đề cung cầu trên thị trường lao động, tình hình và đặc điểm của từng loại công việc mà lao động nữ đang làm… Không nhất thiết phải tăng tuổi nghỉ hưu cho tất cả, mà nên tăng tùy từng lĩnh vực. Ví dụ: Đối với ngành lao động sản xuất mà tăng tuổi nghỉ hưu thêm 5 năm nữa thì không hợp lý, vì họ đã phải làm việc vất vả, thu nhập thấp, không còn đủ sức khỏe. Đối với cán bộ làm công tác nghiên cứu khoa học thì nâng tuổi nghỉ hưu là hợp lý, nhưng tối đa là 5 năm và trên cơ sở người đó đủ sức khỏe, có nguyện vọng tiếp tục công tác và cơ quan cũng có yêu cầu. Nên có giới hạn nhất định, nếu áp dụng đồng loạt thì khó cho chính sách.
* THANH ĐỨC (Bình Dương): Còn nhiều cách khác để tránh vỡ Quỹ BHXH
Cha tôi là giáo viên, 57 tuổi nhưng với nhiều năm đi dạy, sức khỏe ông đã suy giảm vì mang nhiều bệnh mãn tính như tiểu đường, huyết áp, thoái hóa cột sống, hen phế quản. Ông rất mong được nghỉ hưu, nhưng trong tiêu chuẩn nghỉ hưu trước tuổi không có tiêu chuẩn mắc nhiều bệnh mãn tính. Nếu phải tiếp tục làm thêm, không biết ông còn sức khỏe để phục vụ tốt không, hay lúc ấy là gánh nặng cho ngân sách. Qua những trường hợp như vậy, có thể thấy nếu buộc người lao động tiếp tục làm việc sau tuổi 60 là không ổn, vì ở độ tuổi này đã xuất hiện những bệnh tật của sự lão hóa, năng suất lao động giảm.
Trong cả nước đang có rất nhiều thanh niên thất nghiệp, và cả các cử nhân, kỹ sư ra trường cũng bị thất nghiệp. Trong khi đó bộ máy nhà nước đang có nhiều nhân sự không đáp ứng được yêu cầu, cần đào tạo lại, thì việc lưu dụng những người này do kéo dài tuổi nghỉ hưu sẽ làm trầm trọng thêm đội ngũ thất nghiệp và khó nâng được chất lượng nhân lực. Chỉ vì giải quyết bài toán sợ vỡ Quỹ BHXH mà tăng tuổi nghỉ hưu là chưa ổn. Còn rất nhiều cách thức để làm như: tăng phí đóng góp, giảm mức lương hưu ở những đối tượng không phù hợp...
* VŨ DUY THÔNG (TPHCM): Cẩn trọng xét vấn đề liên quan trực tiếp đến con người
Tăng tuổi nghỉ hưu cho người lao động, không chỉ khai thác được thêm sức lao động xã hội, nhất là sức lao động trí thức, mà còn rút ngắn thời gian xã hội phải nuôi một “đội quân” về hưu ngày càng lớn. Thế nhưng cũng có những trở ngại lớn: Đó là, nếu kéo dài tuổi về hưu, số lao động trong biên chế nhà nước mỗi năm một phình to, trong khi lao động bổ sung mỗi năm thêm 1,6 triệu người, vấn đề việc làm trở nên nan giải. Thêm nữa, nếu kéo dài tuổi nghỉ hưu cho cán bộ quản lý thì những người có năng lực khó có cơ hội được thăng tiến vào vị trí cấp trưởng, cấp cống hiến được tốt nhất trong thời điểm cả tài năng, sự xốc vác, nhanh nhạy của họ ở độ sung mãn nhất.
Vì vậy, vấn đề nghỉ hưu ở tuổi nào cần được xem xét thận trọng. Nó phụ thuộc vào con người cụ thể, giới tính cụ thể, công việc cụ thể, nhu cầu cụ thể của cơ quan, địa phương... Tôi không đồng tình với việc cho rằng phải kéo dài tuổi nghỉ hưu để tránh vỡ Quỹ BHXH, đóng ít sống lâu tiền đâu mà trả? Vấn đề kéo dài hay không kéo dài tuổi nghỉ hưu liên quan trực tiếp đến con người, nó là vấn đề rất lớn và toàn diện về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, quyền được sống và được làm việc, được đãi ngộ của xã hội cũng như của từng cá nhân, vì vậy rất cần thận trọng theo xu hướng chung của thế giới.