Thận trọng với “tín dụng đen”

Thời gian gần đây, các dịch vụ cho vay tiền nở rộ ở nhiều tỉnh - thành trong cả nước. Trên đường phố dễ dàng bắt gặp các tờ rơi quảng cáo dịch vụ cho vay tiền được dán và phát khắp nơi, với nội dung rao cho vay tiêu dùng nhanh chóng, thuận tiện. Đa phần những tờ rơi quảng cáo dịch vụ này không ghi tên ngân hàng nào cho vay và cũng chẳng có địa chỉ cụ thể, chủ yếu là những lời mời nếu cần tiền thì gọi vào số điện thoại in trên tờ rơi để được vay tiền một cách nhanh chóng với lãi suất ưu đãi nhất.

Thời gian gần đây, các dịch vụ cho vay tiền nở rộ ở nhiều tỉnh - thành trong cả nước. Trên đường phố dễ dàng bắt gặp các tờ rơi quảng cáo dịch vụ cho vay tiền được dán và phát khắp nơi, với nội dung rao cho vay tiêu dùng nhanh chóng, thuận tiện. Đa phần những tờ rơi quảng cáo dịch vụ này không ghi tên ngân hàng nào cho vay và cũng chẳng có địa chỉ cụ thể, chủ yếu là những lời mời nếu cần tiền thì gọi vào số điện thoại in trên tờ rơi để được vay tiền một cách nhanh chóng với lãi suất ưu đãi nhất.

Khi những người cần vay tiền gọi điện thoại liên hệ, sẽ được hướng dẫn địa điểm làm việc cụ thể để làm hợp đồng vay và nhận tiền. Với tâm lý nôn nóng, khi ký vào các hợp đồng, người vay thường không đọc kỹ các điều khoản về lãi suất cũng như những ràng buộc khác trong hợp đồng. Đến khi bắt đầu trả lãi, lúc đó nhiều người giật mình với khoản lãi cao ngất, do cách tính phần trăm theo tháng mà ban đầu cứ tưởng đó là lãi suất năm. Đã có nhiều người vay qua hình thức này, lâm vào tình trạng lãi mẹ đẻ lãi con, không có khả năng chi trả, bị chủ dịch vụ khủng bố tinh thần, uy hiếp, thậm chí còn bị bắt giữ trái pháp luật nhằm buộc phải trả cả gốc lẫn lãi.

Hoạt động cho vay với lãi suất cao không thông qua kênh ngân hàng thực chất là nạn “tín dụng đen” đã xuất hiện và hoạt động từ khá lâu, song trước đây chỉ lén lút, nay trở nên công khai, phổ biến, hoạt động một cách rầm rộ và đang ngày có chiều hướng bung mạnh. Tinh vi hơn, các chủ cho vay “tín dụng đen” mở các công ty tài chính (mang danh nghĩa pháp lý) liên kết với các trung tâm, cửa hàng mua sắm... thực hiện hỗ trợ khách hàng cho vay để mua hàng trả góp với lãi suất thấp.

Cũng tương tự vậy, nhiều người vì muốn mua được các mặt hàng cần thiết nên đã mua trả góp nhưng không đọc kỹ các điều khoản hợp đồng, dẫn đến phải chịu một khoản lãi suất khá cao so với lãi suất hiện hành ở các ngân hàng. Phần đông khách hàng của loại dịch vụ “tín dụng đen” này là sinh viên, tiểu thương, người lao động phổ thông có thu nhập thấp. Đôi khi họ cần vay những món tiền nhỏ, khoảng chừng vài triệu đồng, nên không thể đến vay tại ngân hàng với thủ tục rườm rà. Hơn nữa nhiều khi cần tiền gấp để giải quyết công chuyện, đến ngân hàng cũng phải thủ tục thẩm định kỹ và cần một khoảng thời gian chờ đợi để được giải ngân. Đó chính là những nguyên nhân khiến nạn “tín dụng đen” có được đất sống và phát triển mạnh.

Chính vì vậy, để hạn chế những rủi ro khi vay tiền từ các kênh không phải ngân hàng, người đi vay cần phải thận trọng xem kỹ các điều khoản và các ràng buộc của hợp đồng để tránh hậu quả đáng tiếc. Các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần có biện pháp chấn chỉnh những loại hình cho vay này, vì có những dấu hiệu vi phạm pháp luật như trốn thuế, lãi suất cao vượt các quy định lãi suất cho vay của ngân hàng, cũng như có những vi phạm pháp luật khác như xiết nợ bằng tài sản, đe dọa gây sức ép để con nợ phải cầm cố hoặc bán tài sản, bắt giữ người trái pháp luật.

VĂN THY HOÀNG
(Phòng GD-ĐT Hội An, Quảng Nam)

Tin cùng chuyên mục