Thành công sau thảm họa

Thành công sau thảm họa

Trong năm 2014, ngành du lịch Nhật Bản đã có sự tăng trưởng ấn tượng khi đón 13 triệu lượt khách, tăng 30% so với năm ngoái. Ngay trong tháng đầu tiên của năm 2015, cũng đã có 1,22 triệu lượt khách nước ngoài đến Nhật, tăng 29% so với năm 2014. Những con số này cho thấy du lịch Nhật Bản không bị suy yếu như dự đoán sau thảm họa kép động đất - sóng thần xảy ra vào năm 2011.

Một trong những yếu tố góp phần đưa du lịch Nhật Bản cất cánh là chính sách visa linh hoạt của chính phủ nước này nhằm hướng tới mục tiêu đạt 20 triệu lượt khách/năm vào năm 2020, khi Nhật Bản tổ chức Thế vận hội. Ngay khi bắt tay vào thực hiện chính sách kinh tế Abenomics, Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe chủ trương coi du lịch là một mũi nhọn trong chiến lược phục hồi tăng trưởng kinh tế của xứ Mặt trời mọc.

Cuối tháng 9-2014, Nhật Bản đã nới lỏng các điều kiện xét cấp visa cho công dân 3 nước Việt Nam, Philippines, Indonesia khi đi du lịch tới nước này. Trước đó, Nhật Bản cũng đã có chính sách cởi mở trong visa du lịch đối với công dân các nước Thái Lan và Malaysia.

Du khách nước ngoài đến Kyoto, Nhật Bản, ngắm hoa anh đào nở.

Bên cạnh đó là chiến thuật quảng bá du lịch truyền miệng. Khách du lịch tới Nhật Bản thường kể lại cho bạn bè về sự chào đón của người dân. Thân thiện và nhiệt tình là những điều mà du khách nước ngoài dễ dàng nhận thấy khi tiếp xúc với người dân Nhật. Du khách đến Nhật ngày càng nhiều không chỉ vì lý do mua sắm và thưởng thức sushi mà quan trọng hơn, họ được hít thở bầu không khí trong lành. Họ cũng không phải nơm nớp lo sợ việc bị chèo kéo mua hàng, bị móc túi, bị mất cắp hay những hình ảnh thiếu văn hóa như khi đi du lịch tại các quốc gia khác.

Thành phố Tokyo đã được tờ The Economist xếp hạng là thành phố an toàn nhất thế giới, đồng thời là điểm đến hấp dẫn hàng đầu Nhật Bản với khu giải trí Disneyland. Nếu như cả thế giới từng bất ngờ trước hình ảnh nhiều khu vực tan hoang sau thảm họa, từng khâm phục ý chí của người dân Nhật gượng dậy sau đau thương thì nay, với tốc độ tái thiết cơ sở hạ tầng nhanh chóng, nước Nhật đã thực sự thôi thúc trí tò mò của cộng đồng thế giới.

Ngoài kinh tế, quảng bá văn hóa cũng được chú trọng. Đáng chú ý là chiến dịch có tên “Cool Japan”, có mục đích đưa những sản phẩm, ngành nghề, kỹ thuật tinh túy nhất trên khắp các vùng miền của xứ hoa anh đào ra thế giới. Văn hóa truyền thống lẫn hiện đại của nước Nhật ngày càng được đón nhận ở nhiều nơi, thu hút ngày càng nhiều du khách đến Nhật Bản.

Chiến lược quảng bá văn hóa thành công vang dội của nước láng giềng Hàn Quốc trong thời gian qua đã thôi thúc Nhật Bản phải sớm vào cuộc vì không muốn trở thành “người đến sau” trong cuộc đua giành ảnh hưởng bằng sức mạnh mềm trên quy mô toàn cầu.

Tín hiệu lạc quan của ngành du lịch Nhật là minh chứng của sự thành công khi biết vượt lên trên thảm họa. Tuy con đường đưa nền kinh tế Nhật trở lại thời kỳ tăng trưởng cao vẫn còn gập ghềnh nhưng tín hiệu này ít nhiều đã mang lại hy vọng hơn cho những quyết sách của Chính phủ Nhật trong tương lai.

THANH HẰNG

Tin cùng chuyên mục