Thanh lọc để tìm lại chính mình

Các thiết bị kỹ thuật số, như điện thoại thông minh, đã trở thành một trong những nhu cầu cơ bản của cuộc sống, nhưng việc sử dụng quá nhiều khiến con người ngày càng phụ thuộc vào các thiết bị. “Thanh lọc kỹ thuật số” (digital detox), tức là không sử dụng các thiết bị thông minh để tìm lại sự tĩnh tâm, tập trung vào các tương tác thực và tận hưởng cuộc sống thực, đang trở thành xu hướng lớn ở Nhật Bản.
Một hội thảo về thanh lọc kỹ thuật số được tổ chức tại tỉnh Kagawa, Nhật Bản
Một hội thảo về thanh lọc kỹ thuật số được tổ chức tại tỉnh Kagawa, Nhật Bản

Sachiko Sato, một nhân viên văn phòng 46 tuổi ở Tokyo, cho biết cô ngày càng lo lắng khi thấy cậu con trai đang học trung học phải thường xuyên sử dụng các thiết bị điện tử khi học trực tuyến trong đại dịch Covid-19. Bản thân cô Sato cũng nhận thấy mình phụ thuộc nhiều vào điện thoại thông minh. Chính vì lẽ đó, cô quyết định thực hiện “thanh lọc kỹ thuật số”, bắt đầu với việc cất điện thoại và tập môn thể thao yêu thích là chạy bộ.

Dù ban đầu cảm thấy không dễ dàng, nhưng sau một thời gian, cô đã có thể tập trung cho việc chạy bộ, và khi đó cô “cảm thấy được giải phóng”. Sato đã dần đặt ra thêm nhiều quy tắc không sử dụng thiết bị điện tử trong cuộc sống của mình, chẳng hạn như không mang điện thoại thông minh lên giường vào buổi tối hoặc không xem điện thoại trong giờ ăn.    

Sato là một trong nhiều người nhận thức được tình trạng “nghiện” điện thoại thông minh của mình. Theo một nghiên cứu của Công ty Cross Marketing Inc. có trụ sở tại Tokyo đối với 1.000 người (cả nam và nữ) ở Nhật Bản, gần 50% trong số đó cho biết, họ nhận thức được việc mình bị phụ thuộc vào các thiết bị thông minh. Các chuyên gia nhấn mạnh rằng, việc giảm sử dụng các thiết bị kỹ thuật số giúp mọi người có cuộc sống lành mạnh hơn, ngủ ngon hơn và khả năng tập trung cao hơn. Điểm mấu chốt ở đây là con người cần kiểm soát được việc sử dụng các thiết bị này, thay vì để chúng kiểm soát chúng ta.

Ông Kazuya Mori, 58 tuổi, một người kinh doanh tự do ở Tokyo, cho biết ông bắt đầu cảm thấy lối sống của mình có vấn đề khi ngồi cả ngày trước máy tính tại phòng làm việc và loay hoay với điện thoại thông minh ngay cả trong giờ nghỉ. Tuy nhiên, kể từ khi đi dạo mà không mang theo điện thoại, ông bắt đầu cảm nhận được những thay đổi của tự nhiên lúc chuyển mùa. Điều quan trọng hơn cả, ông nhận ra rằng thiết bị thông minh chỉ là một phương tiện.

Trong khi đó, Yuto Itoyama, 27 tuổi, ở tỉnh Yamaguchi, phía Tây Nhật Bản, đã viết một tin nhắn với những chữ lớn màu đỏ trên chồng hồ sơ của mình với nội dung: “Tôi tắt điện thoại sau 9 giờ tối”. Itoyama, đã cai nghiện kỹ thuật số 4 năm trước, kể: “Tôi đã có các cuộc trò chuyện sôi nổi hơn nhiều với bạn bè về những gì họ đã làm trong ngày”.

Theo Giám đốc chương trình Digital Detox Japan, anh Shodai Morishita, 29 tuổi, khái nhiệm “thanh lọc kỹ thuật số” không đồng nghĩa với việc rời xa hoàn toàn các thiết bị kỹ thuật số. Tổ chức có trụ sở tại Tokyo của anh chuyên mở các buổi hội thảo để những người quan tâm có thể tham gia cai nghiện kỹ thuật số trong thời gian cố định và chia sẻ kinh nghiệm của họ với những người khác. Anh Shodai hy vọng các buổi hội thảo này trở thành chất xúc tác để mọi người suy nghĩ lại về việc hạn chế sử dụng thiết bị điện tử và dành thời gian để nghỉ ngơi nhiều hơn.

Tin cùng chuyên mục