
40 năm Sài Gòn - Gia Định mang tên Thành phố Hồ Chí Minh
Ngày này cách đây 40 năm (2-7-1976), nhân dân TP hân hoan chào đón quyết định lịch sử của Quốc hội về việc TP Sài Gòn - Gia Định chính thức mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhân dịp này, Báo SGGP ghi lại cảm xúc của các đồng chí nguyên là lãnh đạo TP, cán bộ lão thành cách mạng và trí thức với tất cả niềm vinh dự, tự hào là công dân TP mang tên Bác Hồ kính yêu…
Động lực tinh thần to lớn vượt qua mọi khó khăn
VÕ VĂN CƯƠNG, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM

Trong phong trào đấu tranh của sinh viên, học sinh Sài Gòn - Gia Định những năm trước 1975, chúng tôi đã nhiều lần được nghe các anh các chị đi trước gọi tên thân mật TP này là TP Bác. Đồng bào sống giữa lòng Sài Gòn và cả ở những vùng kháng chiến đều có ý thức về tình cảm và sự tôn kính đối với Bác Hồ. Rất nhiều thơ ca, nhạc họa của các nhạc sĩ, họa sĩ, nhà thơ khi nói về TP này đều gắn với tên Bác Hồ kính yêu. Từ đó, hình thành nên tình cảm và suy nghĩ, mong muốn mai này đất nước được hòa bình, thống nhất, TP sẽ vinh dự được mang tên Bác Hồ. Tôi nghĩ, việc Quốc hội khóa VI, kỳ họp thứ nhất tháng 7-1976 quyết định đặt tên Sài Gòn - Gia Định là TP Hồ Chí Minh đã thể hiện ý chí và tình cảm, mong muốn của người dân hàng mấy chục năm trước trong hai cuộc kháng chiến gian khổ, ác liệt. Tôi còn nhớ, ngay sau những ngày đầu chính thức đổi tên là TP Hồ Chí Minh, đồng bào, đồng chí và các tầng lớp nhân dân lúc bấy giờ rất phấn khởi, tạo nên một động lực tinh thần, tình cảm, sức mạnh to lớn để tiếp tục khôi phục những tàn phá sau chiến tranh và xây dựng TP mang tên Bác tốt đẹp hơn như ngày hôm nay.
Năm nay, TP chúng ta kỷ niệm 40 năm vinh dự được mang tên Bác Hồ, cũng là dịp để chúng ta nhìn lại một chặng đường gian khó nhưng đầy vinh quang và tự hào. Mỗi thành quả phát triển mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP nỗ lực đạt được đều gắn với tên Người, đều xuất phát từ tình cảm, mong muốn và sự phấn đấu vượt bậc để TP này phát triển, xứng đáng với tên Người. Tôi nghĩ, tình cảm và niềm tự hào lớn lao này sẽ còn đi mãi, đi xa hơn nữa, ghi khắc trong mỗi bước đường phát triển, trở thành nguồn lực, sức mạnh tinh thần để TP chúng ta vượt qua mọi gian khó, thử thách đang ở phía trước. Nhân dịp kỷ niệm ngày trọng đại này, chúng ta cũng không quên những lớp người con ưu tú của Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn đã đánh đổi máu xương của mình cho nền độc lập, thống nhất nước nhà, cho TP 40 năm trước và hôm nay được mang tên Người, cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc, phát triển của TP rực rỡ tên Người.
Tiếng nói và tình cảm của lòng dân
LÊ HỒNG TƯ, cựu tử tù Côn Đảo, nguyên Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM

Từ thời chống Pháp, người dân Sài Gòn - Gia Định cũng đã mong muốn sau này nước nhà độc lập, thống nhất, TP sẽ được mang tên Người. Ngay từ những năm 1960, từ sau phong trào Đồng khởi, tình cảm về Bác Hồ phát triển, anh em đi kháng chiến đã sáng tác nhiều bài thơ ca nói về TPHCM. Tôi nhớ trong những chuyến công tác qua sông Sài Gòn, anh em thường cuốn đồ đạc vào tấm ni lông rồi lội qua sông. Trong khi lội, anh Trường Thắng chợt nhớ tới đồng bào mình ở Sài Gòn đang bị đàn áp, hy vọng sau này giải phóng TP mới đầy hoa, TP sẽ mang tên vị cha già… Và thế là bài thơ Công tác qua sông Sài Gòn được nhà thơ Trường Thắng (hy sinh năm 1960) viết lên.
Sau đó, anh Sáu Văn trong nhóm sinh viên cánh Sài Gòn sáng tác thành bài hát mà lúc đó, đi đâu chúng tôi cũng cùng nắm tay nhau hát vang: TP mới đầy hoa, TP mang tên Cha già, vinh quang biết mấy đậm đà biết bao, TP Hồ Chí Minh vui đẹp làm sao… Bài hát ấy mang tên Hướng về Sài Gòn, trở thành tình cảm, nỗi nhớ mong da diết của bao thế hệ thanh niên, sinh viên, học sinh Sài Gòn đấu tranh cho độc lập, hòa bình giữa lòng Sài Gòn và cả khi vào chiến khu tham gia kháng chiến. Lời thơ của ca khúc đó đã đi theo chúng tôi trong suốt hơn 11 năm ở chuồng cọp ngoài Côn Đảo. Ở trong tù, phần lớn anh em mình là cán bộ hoạt động cách mạng, cho nên tình cảm muốn Sài Gòn sau này trở thành TP Hồ Chí Minh đã có từ rất lâu, từ thời kháng Pháp, càng ngày càng thấm vào anh em. Tôi nhớ vào rạng sáng 1-5-1975, trong khám tử tù, tôi và 33 anh em khác đã nghe vang lên những lời reo hò của người tù phá ngục giải phóng đảo: “Hoan hô TP Sài Gòn - Gia Định - TP Hồ Chí Minh hoàn toàn giải phóng! Hoan hô, hoan hô…”.
Như vậy, tên gọi TP Hồ Chí Minh đã có từ rất lâu trong lòng người dân Sài Gòn, mong sớm được mang tên chính thức. Và quyết định của kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VI đặt tên Sài Gòn - Gia Định là TP Hồ Chí Minh, là nói lên tiếng nói và tình cảm của lòng dân.
TP Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng
NGUYỄN TRỌNG XUẤT, Phó Chủ tịch Thường trực Câu lạc bộ Kháng chiến TPHCM

Năm 1954, sau khi Hiệp định Genève được ký kết, nhà thơ Tố Hữu đã sáng tác bài Ta đi tới. Bài thơ có đoạn: Ai đi Nam Bộ, Tiền Giang, Hậu Giang/ Ai vô TP Hồ Chí Minh/ Rực rỡ tên vàng… Tinh thần đó còn được thể hiện trong các nhạc khúc hào hùng ra đời đã khá lâu trước năm 1976. Nó mang ý nghĩa thiêng liêng như trong lời nói cuối cùng trước giờ hy sinh của người công nhân anh hùng Nguyễn Văn Trỗi. Nó là tâm nguyện trong trái tim của mỗi anh “Bộ đội cụ Hồ” sống và chiến đấu sao cho xứng đáng. Với một tâm thức sâu xa, thiêng liêng như một lời thề, quân dân Sài Gòn - Gia Định đã quả cảm nổ phát súng kháng chiến đầu tiên ngày 23-9-1945, mở đầu cuộc kháng chiến chống xâm lược của Việt Nam và 30 năm sau vinh dự nổ phát súng cuối cùng khép lại cuộc kháng chiến thắng lợi ngay tại TP mang tên Bác.
Có thể nói quân dân TP đã thể hiện tinh thần “công dân TP Hồ Chí Minh” trong suốt hai cuộc kháng chiến, để sau ngày toàn thắng tự hào đón nhận vinh dự cao quý do Quốc hội chính thức trao khi đất nước thống nhất. Vinh dự đó thật xứng đáng với lời Bác Hồ nói về Nam bộ và TP: “Thành đồng Tổ quốc”,“Đi trước về sau”. Nói cách khác, Quốc hội đã hợp thức hóa tinh thần TP Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng của Sài Gòn - Gia Định. Tinh thần đó đã được thể hiện qua khí thế quần chúng với những phong trào thi đua yêu nước giết giặc lập công, những “đợt thanh niên tình nguyện” của lớp trẻ TP, trong kháng chiến cũng như sau ngày giải phóng được nhận danh hiệu cao quý.
Tôi nhớ, những ngày vinh dự mang tên TP Hồ Chí Minh, người dân TP rất hồ hởi, phấn khởi, hăng hái thi đua với nhiều phong trào yêu nước. Bằng tình cảm và tinh thần to lớn đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP đã đoàn kết một lòng, chung sức vượt qua vô vàn khó khăn của thời kỳ đầu đất nước vừa ra khỏi chiến tranh. Niềm vinh dự được mang tên TP Hồ Chí Minh là động lực thúc đẩy nhân dân TP tiến hành đổi mới, với khí thế tiến công cách mạng. Sau 30 năm đổi mới, TP chúng ta đã góp phần quan trọng cùng cả nước vượt qua khủng hoảng, phát triển với những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, như Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đúc kết.
Bác Hồ là biểu tượng sáng ngời của dân tộc
Nhà văn VŨ HẠNH

Tháng 7-1976, TP Sài Gòn - Gia Định chính thức được mang tên Bác là vinh dự to lớn của người dân TP, bởi cũng từ nơi đây Bác ra đi tìm đường cứu dân, cứu nước. 40 năm qua TP đã có nhiều thay đổi lớn, điều mà tôi mừng nhất, quý nhất là lãnh đạo TP ở nhiều thời kỳ trong định hướng phát triển đã luôn dùng hai tiếng “nghĩa tình”, nó rất hợp với tinh thần của Bác Hồ. Một TP nghĩa tình mang tên Bác luôn vì cả nước, luôn chung vai sát cánh với cả nước vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách của những năm kháng chiến ác liệt, cũng như những năm xây dựng và phát triển.
Bản thân tôi và mọi người dân Việt Nam đều mang ơn Bác Hồ, vì Bác không chỉ là người đã tìm ra con đường cứu nước, mà Bác còn là tiêu biểu cho một tinh thần dân tộc, văn minh dân tộc. Tôi nghĩ điều này vì một lẽ là phải có mảnh đất thế nào mới có cái cây như vậy, phải có một nền văn minh dân tộc mới có một con người như Bác Hồ. Sau những năm đầu TP được mang tên Bác, tôi có nhiều bài viết ca ngợi về điều này, trong đó có bài Biểu tượng sáng ngời của nền văn minh dân tộc và bài Bác Hồ Chí Minh đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh của Hội Nhà văn Việt Nam. Lòng tôn kính với Bác được thể hiện rất sâu sắc trong các bài viết này và tôi cũng như rất nhiều người dân TP này đều thấy, TP rất vinh dự được mang tên Bác. Chính vì vậy, tôi nghĩ dù năm nay đã hơn 90 tuổi rồi nhưng mình phải làm nhiều hơn nữa trong nhiều mặt, nhất là góp phần xây dựng nền văn hóa dân tộc. Mỗi người chúng ta, nhất là những người dân TP mang tên Bác cần làm nhiều hơn nữa để xây dựng, vun bồi nền văn hóa dân tộc, xứng đáng với biểu tượng sáng ngời của dân tộc - Bác Hồ Chí Minh.
HOÀI NAM