
Ngày 10-4-2006 tại thủ đô Hà Nội, Đảng và Nhà nước đã tổ chức kỷ niệm trọng thể 100 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập (4-1906 - 4-2006). Trong diễn văn đọc tại buổi lễ, đồng chí Phan Diễn - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, khẳng định: “Đồng chí Hà Huy Tập là một chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tài năng của Đảng, người con ưu tú của dân tộc...” (SGGP, 11-4-2006).

Tôn vinh đồng chí Hà Huy Tập bởi những cống hiến to lớn của đồng chí cho sự nghiệp cách mạng, đó là chuyện bình thường, đương nhiên! Nhưng có một băn khoăn lớn vẫn còn tồn tại: Ở TPHCM có hàng ngàn con đường lớn nhỏ; nhưng đến nay, vẫn chưa có con đường nào được mang tên Hà Huy Tập; mặc dù đồng chí đã từng sống, chiến đấu ở TP chúng ta và hy sinh ngay tại vùng đất “Mười tám thôn Vườn Trầu”, năm đồng chí 35 tuổi, (đồng chí Hà Huy Tập bị thực dân Pháp xử bắn cùng một lúc với các đồng chí Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai và Nguyễn Hữu Tiến vào sáng sớm ngày 28-8-1941 tại giếng nước Hóc Môn - nay là Trung tâm Y tế huyện Hóc Môn).
Năm 1995, trên tạp chí “Sổ tay Xây dựng Đảng” của Ban Tư tưởng - Văn hóa Thành ủy (số 7-1995), tôi có bài viết đề nghị nên chọn một con đường lớn ở TP để đặt tên “đường Hà Huy Tập”, nhưng đến nay vẫn chưa có, mặc dù 11 năm qua TP đã mở thêm nhiều con đường rộng lớn, khang trang. Trong số các Tổng Bí thư của Đảng (đã mất), chỉ có đồng chí Hà Huy Tập là chưa được đặt tên đường tại TPHCM. Theo tôi, như vậy là chưa thỏa đáng đối với công lao to lớn và sự hy sinh anh dũng của đồng chí Hà Huy Tập.