Thanh tra Chính phủ “gọi tên” sai phạm tại dự án xe buýt nhanh BRT Hà Nội

Thanh tra Chính phủ (TTCP) có kết luận thanh tra về một số dự án đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn vay; việc chuyển đổi, chuyển nhượng nhà đất của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, nhà đất có vị trí đắc địa tại TP Hà Nội, giai đoạn 2003-2016. 

Phát hiện nhiều sai phạm tại dự án xe buýt nhanh BRT 

 Theo TTCP, trong quá trình thanh tra về công tác quản lý đầu tư xây dựng đối với một số dự án từ nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2003-2016 phát hiện nhiều sai phạm, thất thoát tài sản nhà nước. 

Cụ thể, tại các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn cầu Chui - cầu Đuống (quận Long Biên); dự án tuyến đường Lê Trọng Tấn; dự án nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn Văn Điển – Ngọc Hồi…

Thanh tra Chính phủ “gọi tên” sai phạm tại dự án xe buýt nhanh BRT Hà Nội ảnh 1 Dự án xe buýt nhanh BRT Hà Nội không mang lại hiệu quả

Đặc biệt, sai phạm trong lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công - dự toán công trình tại dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A, đoạn cầu Chui - cầu Đuống (phố Ngô Gia Tự, quận Long Biên). 

Dự án hợp phần I (xe buýt nhanh BRT, thuộc dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội), Gói thầu BRT CP04a, xây dựng đường trạm xe buýt từ Bộ Y tế đến đường Khuất Duy Tiến. Gói thầu BRT CP4b, xây dựng đường trạm xe buýt từ Khuất Duy Tiến – Bến xe Yên Nghĩa.

Tại các dự án này, chủ đầu tư, đơn vị tư vấn khi lập bước thiết kế đường đã thay thế mặt đường bê tông nhựa bằng mặt đường bê tông xi măng, gây lãng phí ngân sách nhà nước số tiền hơn 15.000 tỷ đồng.

Về hiệu quả dự án, TTCP cho rằng, việc đầu tư chưa đồng bộ, chưa tạo ra các lợi ích nhằm khuyến khích người dân chuyển từ phương tiện cá nhân sang sử dụng phương tiện vận tải công cộng. Xe buýt BRT được bố trí làn đường riêng chiếm 1/3 mặt cắt ngang của các trục đường hiện có, nhưng tốc độ chưa đạt yêu cầu, trong khi hiện trạng lưu lượng giao thông trên tuyến rất lớn, nên thường xuyên gây ùn tắc trong giờ cao điểm.

Theo báo cáo của Sở GT-VT Hà Nội, về kết quả vận tải hành khách đối với tuyến xe buýt nhanh BRT 6 tháng đầu năm 2017, lượng khách bình quân chỉ đạt 39,9 người/lượt (so với công suất thiết kế là 90 người/lượt); lượng khách bình quân giờ cao điểm cũng chỉ đạt 69,7/90 người/lượt). 

“Mặc dù được đầu tư với số tiền rất lớn nhưng dự án chưa đạt hiệu quả như mong đợi, chưa đạt mục tiêu đề ra để hạn chế phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông và từng bước nâng cao chất lượng môi trường của Hà Nội”, kết luận nêu rõ. 

Đặc biệt, công tác thẩm định, phê duyệt dự toán và nghiệm thu thanh toán các gói thầu không đúng quy định; xây dựng đơn giá sai lệch với thực tế; khối lượng thi công đưa vào dự toán và điều chỉnh trượt giá không đúng ở một số hạng mục công trình. Qua đó, số tiền sai phạm bị phát hiện là hơn 87,6 tỷ đồng.

Hàng chục dự án sai phạm với số tiền hàng nghìn tỷ đồng

Trong 38 dự án thanh tra, TTCP phát hiện nhiều dự án có sai phạm trong quản lý sử dụng đất, trong đó sai phạm liên quan tới chuyển mục đích sử dụng đất có vị trí lợi thế kinh doanh. 

Điển hình, các dự án sai phạm được TTCP “gọi tên”, như: Dự án 31 Láng Hạ; dự án 378 Minh Khai (vi phạm do doanh nghiệp không tổ chức đấu giá lựa chọn nhà đầu tư, tự thỏa thuận theo hình thức hỗ trợ). Hay như các dự án: Dự án số 1 Phùng Chí Kiên; dự án tại 365A Minh Khai; dự án 167 Thụy Khuê; dự án 69 Vũ Trọng Phụng; dự án 47 Nguyễn Tuân; dự án 108 Nguyễn Trãi, dự án 44 Yên Phụ, dự án tại 430 Cầu Am…

Đặc biệt, dự án tại Lô đất C3 (Khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính), đây là khu đất sạch đã có hạ tầng được xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, nhưng năm 2009 UBND TP Hà Nội thu hồi và giao cho chủ đầu tư thực hiện dự án, nhưng không qua hình thức đấu giá. 

Liên quan tới sai phạm tại các dự án trên, theo TTCP, việc pháp luật không có quy định xác định lợi thế thương mại đối với giá trị quyền sử dụng đất và đấu giá khi lựa chọn nhà đầu tư liên doanh, liên kết để chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện dự án là những sơ hở chính sách gây thất thoát ngân sách nhà nước trong quá trình chuyển mục đích sử dụng đất và thực hiện dự án đất ở những vị trí đắc địa.

Quá trình thanh tra, TTCP phát hiện có 4/38 dự án chậm đưa đất vào sử dụng so với tiến độ quy định, nhưng TP Hà Nội lại xác định chỉ có 1 dự án “chậm tiến độ” với số tiền 13 tỷ đồng (dự án 47 Nguyễn Tuân), làm thất thoát lớn tài sản của nhà nước. 

TTCP tạm tính số tiền sử dụng đất phải nộp của 30/38 dự án là hơn 1.400 tỷ đồng. Đặc biệt, qua kiểm tra 38 dự án tại thời điểm thanh tra, phát hiện 8 dự án còn nợ đọng tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và tiền chậm nộp là hơn 1.900 tỷ đồng. Từ phát hiện của đoàn thanh tra, các chủ đầu tư đã nộp lại hơn 1.100 tỷ đồng. 

Quá trình thanh tra các dự án, TTCP còn phát hiện sai phạm về tài chính trong chuyển mục đích sử dụng đất tại các dự án. Tổng số tiền sai phạm phát hiện gần 4.000 tỷ đồng. 

TTCP khẳng định, các vi phạm trên, trách nhiệm thuộc về UBND TP Hà Nội và Cục thuế Hà Nội.

Từ những sai phạm trên, TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao TP Hà Nội có biện pháp khắc phục những tồn tại, thiếu sót, vi phạm trong công tác quản lý đầu tư xây dựng và quản lý sử dụng đất. 

Giao Bộ TN-MT chủ trì, phối hợp để thu hồi số tiền hơn 1.400 tỷ đồng nợ đọng của các dự án. Kiến nghị, giao Chủ tịch UBND TP Hà Nội xử lý và thu hồi về ngân sách hơn 900 tỷ đồng tiền thuê đất, sử dụng đất, tiền chậm nộp tiền sử dụng đất, tiền thuế thu nhập doanh nghiệp đối với một số dự án vi phạm.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị UBND TP Hà Nội nghiêm túc thực hiện, kiểm tra, rà soát và đề xuất biện pháp xử lý đối với các sai phạm trên. 

Tin cùng chuyên mục