Tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng giao thông

Ban Giao thông cần rà soát, đánh giá, phân tích từng dự án, trong đó, có bao nhiêu dự án chuyển tiếp 3 kỳ chưa thực hiện, phân tích rõ nguyên nhân vì sao chưa thực hiện, lý do gì, trách nhiệm thuộc về đơn vị nào.

Sáng 10-5, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ cùng các sở, ngành đã có buổi giám sát việc thực hiện công tác đầu tư công giai đoạn 2021-2025 tại Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (Ban Giao thông).

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ phát biểu kết luận tại buổi giám sát. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ phát biểu kết luận tại buổi giám sát. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Báo cáo về việc thực hiện công tác đầu tư công, Giám đốc Ban Giao thông Lương Minh Phúc cho biết, thực hiện kế hoạch trung hạn 2021-2025, Ban Giao thông quản lý và đầu tư 166 dự án với tổng vốn được giao 48.000 tỷ đồng. Trong đó, dự án dự kiến hoàn thành trong giai đoạn này là 135 dự án, số còn lại dự án chuyển tiếp giai đoạn sau. Trong năm 2023, nguồn vốn được giao khoảng 35.000 tỷ đồng, hiện đã giải ngân hơn 4.000 tỷ đồng, đạt 21% vốn kế hoạch đã giao.

Giám đốc Ban Giao thông Lương Minh Phúc trả lời chất vấn tại buổi giám sát. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Giám đốc Ban Giao thông Lương Minh Phúc trả lời chất vấn tại buổi giám sát. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Thời gian qua, một số dự án bị chậm tiến độ hoặc chưa thực hiện được là do vướng giải phóng mặt bằng; khâu thủ tục lập, thẩm định và phê duyệt dự án gặp nhiều trở ngại, vướng mắc. Nhiều dự án phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư do chi phí giải phóng mặt bằng tăng cao, gây khó khăn trong việc cân đối vốn, cũng làm cho dự án chậm tiến độ. Công tác phối hợp giữa các sở, ngành, quận, huyện trong quá trình triển khai các dự án nhiều lúc còn mất nhiều thời gian làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai như phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất, phê duyệt quy hoạch...

Quang cảnh buổi giám sát. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Quang cảnh buổi giám sát. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Đại diện Ban Giao thông kiến nghị, Thường trực HĐND TP quan tâm bổ sung nguồn vốn trung hạn cho các dự án đầu tư mới, các dự án trọng điểm cấp bách để triển khai và hoàn thành trong nhiệm kỳ 2021-2025 nhằm phát huy hiệu quả dự án, góp phần giải quyết ùn tắc giao thông. Một vấn đề khác cần hỗ trợ là tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. "Các sở ngành, đơn vị liên quan khi lập dự án giao thông cần khảo sát và đề xuất khai thác quỹ đất sạch hai bên dự án để đấu giá (tương tự dự án Vành đai 3 TPHCM) nhằm tạo nguồn thu cho ngân sách để tái đầu tư các dự án giao thông trọng điểm", ông Lương Minh Phúc đề xuất.

Đại diện Sở Giao thông Vận tải phát biểu ý kiến. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Đại diện Sở Giao thông Vận tải phát biểu ý kiến. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Tại buổi giám sát, nhiều đại biểu cho rằng, Ban Giao thông cần nêu cụ thể nguyên nhân vướng mặt bằng ở từng dự án cụ thể, vướng ở khâu nào, quy trình phối hợp như thế nào, ách tắc ở đâu, đơn vị nào chịu trách nhiệm cần phải nêu rõ để Thường trực HĐND TP kiến nghị, đề xuất xử lý chứ không nói chung chung. Mục đích của giám sát là nhằm cùng chủ đầu tư tháo gỡ những vướng mắc làm chậm hoặc không triển khai thực hiện được dự án chứ không phải để nghe báo cáo tổng hợp như hiện nay.

Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM Cao Thanh Bình phát biểu ý kiến. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM Cao Thanh Bình phát biểu ý kiến. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Phát biểu kết luận buổi giám sát, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ đề nghị Ban Giao thông nghiêm túc tiếp thu, hoàn chỉnh báo cáo cụ thể, nêu rõ nguyên nhân và có giải pháp xử lý thực hiện như thế nào, sự phối hợp giữa các sở ngành ra sao… Ban phải có giải pháp thực hiện đúng thời gian các dự án đã được ghi vốn, chủ động phối hợp các sở ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng. Tập trung tháo gỡ những vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thi công. Song song đó, Ban rà soát những dự án quá hạn giải ngân, xác định rõ nhu cầu sử dụng vốn nhằm bố trí vốn hiệu quả, nhất là chậm giải ngân vốn ODA.

Hiện còn hàng chục dự án cầu đường chậm tiến độ. Ảnh: QUỐC HÙNG

Hiện còn hàng chục dự án cầu đường chậm tiến độ. Ảnh: QUỐC HÙNG

“Sự phối hợp giữa Ban và các sở ngành, địa phương còn nhiều vấn đề chưa thông suốt, còn đùn đẩy trách nhiệm lẫn nhau. Vì vậy, Ban chủ động rà soát khắc phục những hạn chế này. Đối với các sở ngành cần nhanh chóng hỗ trợ giúp Ban tháo gỡ những vướng mắc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của mình chứ không hành chính hoá các thủ tục. Nếu có khó khăn vướng mắc gọi điện thoại để xử lý ngay, không nên chờ quy trình thủ tục”, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ yêu cầu.

"Hiện trên địa bàn TP còn nhiều công trình, dự án thuộc lĩnh vực giao thông do Ban thực hiện dở dang, không chỉ gây khó khăn cho phương tiện lưu thông mà còn làm thiệt hại rất lớn về kinh tế. Đó là dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của; dự án xây dựng cầu Tăng Long; dự án xây dựng cầu Nam Lý (TP Thủ Đức); dự án xây dựng cầu Long Kiểng (huyện Nhà Bè); dự án xây dựng cầu Tân Kỳ - Tân Quý; dự án xây dựng cầu Bà Hom (quận Bình Tân)... Ngoài ra, cũng có những dự án khởi công rầm rộ nhưng triển khai thi công rất ì ạch, cụ thể như: dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 50; dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa (quận Tân Bình); dự án xây dựng nút giao thông An Phú... Các dự án này dù đã có vốn, mặt bằng nhưng tiến độ thi công vẫn chậm, dẫn đến tỷ lệ giải ngân vốn đạt thấp", Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ nói.

Tin cùng chuyên mục