Thay đổi cách đánh giá trách nhiệm người đứng đầu

"Sở Nội vụ đã tham mưu UBND TPHCM đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ gắn với việc chi thu nhập tăng thêm đối với thủ trưởng các đơn vị đã để tình trạng xử lý phản ánh kiến nghị của người dân và doanh nghiệp chậm trễ, kéo dài trên cổng thông tin 1022".
Công chức phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân (TPHCM) hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính
Công chức phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân (TPHCM) hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính

TPHCM đang thực hiện đánh giá hiệu quả hoạt động của thủ trưởng các sở, ngành, địa phương - trên cơ sở giải quyết những tồn tại và giao việc phải có yêu cầu cao với đội ngũ. Việc này nhằm nâng cao trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu, với mục tiêu không để tình trạng công việc không “chạy” nhưng vẫn được đánh giá cao. Phóng viên Báo SGGP có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Huỳnh Thanh Nhân xung quanh nội dung này.

Chú trọng kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu

- Phóng viên: Ông có thể chia sẻ về cách thức đánh giá kết quả hoạt động của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu các sở, ban, ngành, địa phương như thế nào và dựa trên những tiêu chí gì?

Ông HUỲNH THANH NHÂN: Nhiều năm qua, TPHCM tập trung quyết liệt vào công tác cải cách hành chính (CCHC) và đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng vẫn còn một số nội dung chưa đạt kết quả như mong muốn. Do đó, TPHCM tiếp tục nâng cao trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức, viên chức (gọi tắt là cán bộ), nhất là người đứng đầu các sở, ban, ngành, địa phương.

Ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM

Ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM

Đặc biệt, thành phố nâng cao công tác đánh giá kết quả hoạt động của cán bộ, người đứng đầu các đơn vị. Công tác đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ được thực hiện theo nguyên tắc thủ trưởng cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý, thủ trưởng cấp trên đánh giá thủ trưởng cấp dưới. Cơ sở, tiêu chí đánh giá bảo đảm công khai, minh bạch, góp phần khuyến khích tinh thần chủ động, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ của cán bộ. Kết quả đánh giá của người đứng đầu còn căn cứ vào kết quả thực hiện nhiệm vụ của tập thể và có tham khảo kết quả đánh giá về sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với cơ quan, đơn vị.

- Việc thanh tra, kiểm tra và chấn chỉnh đối với những nơi không đạt yêu cầu về CCHC được thực hiện như thế nào?

Thành phố luôn chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành công tác CCHC và kết quả thực hiện các chỉ tiêu CCHC. Bên cạnh các đợt kiểm tra, khảo sát định kỳ và theo chuyên đề, kế hoạch, thành phố còn thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra đột xuất nhằm đánh giá khách quan, toàn diện kết quả công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức triển khai thực hiện CCHC của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn.

"Sở Nội vụ đã tham mưu UBND TPHCM đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ gắn với việc chi thu nhập tăng thêm đối với thủ trưởng các đơn vị đã để tình trạng xử lý phản ánh kiến nghị của người dân và doanh nghiệp chậm trễ, kéo dài trên cổng thông tin 1022" - Ông HUỲNH THANH NHÂN Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM

Sau mỗi đợt kiểm tra hoạt động công vụ, công tác CCHC, đoàn kiểm tra đều có thông báo kết luận cụ thể về những mặt làm được, những tồn tại, hạn chế và định hướng các giải pháp khắc phục để hỗ trợ đơn vị giải quyết các khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả CCHC. Kết quả cho thấy, cơ quan, đơn vị được kiểm tra đều nghiêm túc thực hiện các biện pháp khắc phục mà đoàn kiểm tra kết luận và báo cáo UBND TPHCM về kết quả khắc phục.

Đối với những đơn vị để xảy ra vi phạm, hạn chế mà không có giải pháp khắc phục hoặc khắc phục không hiệu quả, gây ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích chính đáng của người dân và doanh nghiệp, thành phố đã chỉ đạo xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan. Sở Nội vụ cũng đã tham mưu UBND TPHCM chỉ đạo chủ tịch UBND các quận, huyện nghiêm túc tổ chức kiểm điểm trách nhiệm và xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân thuộc phạm vi quản lý đã chậm trễ trong thực hiện nhiệm vụ mà không có lý do chính đáng.

Bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm

- Để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động công vụ, nhất là trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, thành phố có những giải pháp gì?

- Để nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ thì phải giải quyết từ gốc rễ của vấn đề: là trách nhiệm công vụ của cán bộ, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương.

"Sở Nội vụ đã tham mưu UBND TPHCM đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ gắn với việc chi thu nhập tăng thêm đối với thủ trưởng các đơn vị đã để tình trạng xử lý phản ánh kiến nghị của người dân và doanh nghiệp chậm trễ, kéo dài trên cổng thông tin 1022"- Ông HUỲNH THANH NHÂN, Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM

Do đó, thành phố tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức của các cấp lãnh đạo, quản lý và từng cá nhân cán bộ về vai trò và tầm quan trọng của công tác đánh giá, xếp loại. Qua đó để cán bộ hiểu, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị, phục vụ tổ chức và người dân ngày càng tốt hơn. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra CCHC, kiểm tra công vụ, quy tắc ứng xử theo hướng đột xuất. Đặc biệt, kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành công tác CCHC theo kế hoạch của thành phố, của cơ quan, đơn vị và các nhiệm vụ được UBND, Chủ tịch UBND TPHCM phân công.

TPHCM cũng xây dựng quy định xác định vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan hành chính các cấp về công tác CCHC, như hoạt động chỉ đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ CCHC; kết quả khảo sát đánh giá mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cán bộ ở các cơ quan, đơn vị, địa phương. Thành phố cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động thực thi công vụ, vận dụng hiệu quả chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung trong công tác chỉ đạo, điều hành và tham mưu hoạt động CCHC…

- Bên cạnh việc kiểm tra, xử lý, chấn chỉnh, thành phố có giải pháp gì để khuyến khích cán bộ phát huy tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám đề xuất, dám làm vì lợi ích chung?

- Trung ương và TPHCM đã có chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, được nêu tại Kết luận 14 của Bộ Chính trị, Kế hoạch 124 của Thành ủy TPHCM. Từ đó, UBND TPHCM đã ban hành kế hoạch về thực hiện chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Đến nay, đa số các cơ quan, đơn vị đã có đăng ký sáng kiến. UBND TPHCM cũng đã thành lập Tổ thẩm định các sáng kiến (gồm đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành) với nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu đề xuất UBND TPHCM phê duyệt các sáng kiến đạt yêu cầu để triển khai thực hiện.

Tăng cường kiểm tra đột xuất

UBND TPHCM đã thành lập Tổ kiểm tra liên ngành kiểm tra việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập. Việc kiểm tra theo hướng đột xuất.

Năm 2022, qua kiểm tra, đã có các thông báo kết quả kiểm tra tại 48 đơn vị; kiểm tra qua hệ thống camera công vụ tại 24 đơn vị. Qua đó, vai trò, trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính và thực hiện công tác CCHC tại cơ quan, đơn vị, địa phương được nâng cao. Thành phố cũng kịp thời đánh giá những thuận lợi, khó khăn, những vấn đề mới phát sinh trong công tác CCHC và những biện pháp chấn chỉnh.

Tin cùng chuyên mục