Thay đổi căn cơ cách dạy, cách học

Thay đổi căn cơ cách dạy, cách học

Tại hội nghị triển khai Chiến lược phát triển giáo dục 2011 - 2020 và thực hiện Kết luận số 51-KL/TƯ Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI mới đây do Bộ GD-ĐT tổ chức, không hẹn mà gặp, hầu hết ý kiến của các trường, các địa phương đều cho rằng, phải bằng mọi cách thu hút được nhân tài cho ngành giáo dục trước khi quá muộn.

Trẻ em cần môi trường sư phạm lành mạnh và hiện đại. Ảnh: HÂN LÊ

Trẻ em cần môi trường sư phạm lành mạnh và hiện đại. Ảnh: HÂN LÊ

  • Thu hút nhân tài

Hầu hết ý kiến của các địa phương, trường ĐH-CĐ đều nhấn mạnh cần có cơ chế, chính sách đãi ngộ thỏa đáng cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục vì đó là lực lượng nòng cốt quyết định sự thành bại của công cuộc đổi mới giáo dục. “Chiến lược và kế hoạch hành động đã rõ ràng, vấn đề là hành động. Chúng tôi quan tâm đến vấn đề đào tạo giáo viên. Phải thay đổi và phát triển nguồn nhân lực, vì đó là xương sống của sự phát triển. Phải quan tâm mọi cách để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, thu hút sinh viên giỏi, cùng với đó nâng cao chất lượng đào tạo”, ông Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội nói.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng Đại học Kinh tế (ĐHQG Hà Nội) cũng khẳng định, cần đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, giảng viên của tất cả các cơ sở giáo dục, vì đó là lực lượng nòng cốt để thực hiện đổi mới giáo dục. Cần xây dựng chiến lược thu hút nhân lực chất lượng cao để phục vụ ngành giáo dục. Hiện nay các ngành đang cạnh tranh mạnh mẽ về thu hút nhân tài, ngành giáo dục muốn có nhân tài cũng phải có chiến lược, cơ chế đặc biệt để thu hút nhân lực cho ngành.

  • Thầy có giỏi trò mới giỏi

"Phải chăng chúng ta không tin nhau. Bộ không tin sở, sở không tin trường, trường không tin giáo viên, giáo viên không tin học sinh. Chung quy cũng chỉ vì bệnh thành tích trong giáo dục. Phải thay đổi điều này"

GS Trần Hữu Nghị
Hiệu trưởng ĐH Dân lập Hải Phòng

Ông Trần Đắc Sử, Hiệu trưởng Đại học GTVT Hà Nội, cho biết trong số các giải pháp để đổi mới giáo dục, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý phải ưu tiên hàng đầu. “Cơ chế hiện nay chưa thu hút được giảng viên giỏi, giảng viên vẫn phải vừa dạy vừa mưu sinh. Nhà nước cần có chính sách đãi ngộ thỏa đáng các trường mới thu hút được người giỏi. Thầy có giỏi trò mới giỏi”, ông Sử nhấn mạnh.

Ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội thừa nhận, một trong nhiệm vụ quan trọng nhất của giáo dục thủ đô chính là chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo, đồng thời phải có chính sách thu hút giáo viên giỏi về giảng dạy tại Hà Nội. Bởi chỉ có như thế giáo dục thủ đô mới tạo được sự khác biệt với các vùng đất học khác.

Ông Trần Trọng Đắc, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình cho rằng, để đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông sau năm 2015, quan trọng nhất phải xây dựng đội ngũ giáo viên, vì nếu giáo viên không phù hợp không thể đáp ứng được các yêu cầu. Cần có kế hoạch bồi dưỡng giáo viên ngay từ bây giờ. Các trường sư phạm cũng phải thay đổi cách đào tạo giáo viên để phù hợp với đổi mới chương trình, sau này không mất thời gian đào tạo lại.

Cô giáo và các học trò cùng sinh hoạt tại Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân (TPHCM) - nơi có nhiều giáo viên và học sinh giỏi. Ảnh: LINH DIỄM

Cô giáo và các học trò cùng sinh hoạt tại Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân (TPHCM) - nơi có nhiều giáo viên và học sinh giỏi. Ảnh: LINH DIỄM

  • Sàng lọc đội ngũ giáo viên

GS Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng ĐH Dân lập Hải Phòng cho rằng, lạc hậu lớn nhất hiện nay của giáo dục Việt Nam là cách dạy và học. “Tôi có 2 đứa cháu cùng tuổi, 1 cháu học trong nước, 1 cháu học nước ngoài. Sau 3 năm sau thì có sự khác biệt. Cháu học ở nước ngoài có thể phân tích những gì cháu nhìn thấy, rất tự tin, còn cháu học ở trong nước không có ý kiến gì. Cháu học ở nước ngoài về nhận xét cô giáo ở Việt Nam quá nghiêm khắc, thậm chí mạt sát học sinh, giáo viên ở nước ngoài không như vậy, rất thoải mái. Cháu nói nếu cô giáo đánh học sinh cháu sẽ gửi thư cho Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Tôi rất ngạc nhiên về tư duy của cháu”, GS Trần Hữu Nghị kể.

Cũng theo vị GS này, còn có sự khác biệt lớn khác giữa 2 học sinh trong và ngoài nước. Đó là cháu học ở trong nước cũng đi học tiếng Anh mà không nói được gì, nhưng sau khi có bạn ở Úc về thì chúng chơi, làm gì với nhau cũng nói bằng tiếng Anh. “Chứng tỏ các cháu học sinh của chúng ta không phải không biết học, mà là cách dạy và học ở Việt Nam có vấn đề. Điều đó nằm ở giáo viên”, ông Nghị khẳng định.

Từ câu chuyện thực tế này, GS Trần Hữu Nghị cho rằng, vấn đề quan trọng nhất phải đào tạo giáo viên làm sao để sau khi ra trường họ có phương pháp dạy học tốt. Đó là chưa kể vấn nạn nhức nhối hiện nay học sinh Việt Nam ra đời không tự tin, không trung thực. Các cháu không trung thực chính vì giáo viên. Tình trạng “chim mồi” trong các tiết dự giờ khiến các cháu học được sự gian dối (cháu nào giơ tay thẳng là thuộc bài cô sẽ gọi, cháu nào giơ tay thấp cô sẽ không gọi).

Giáo viên là lực lượng quyết định sự thành bại của đổi mới giáo dục, nếu họ chưa yên tâm với thu nhập, chất lượng dạy và học chưa thể bảo đảm. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận, cho biết bộ đã báo cáo với Chính phủ về chế độ, phụ cấp cho giáo viên, cán bộ quản lý, sau này khi có đề án tiền lương mới, chắc chắn vấn đề này sẽ được cải thiện. Vấn đề ở chỗ, ngoài chế độ tiền lương cho nhà giáo còn những việc quan trọng khác đòi hỏi ngành giáo dục phải làm ngay không cần chờ. Đó là việc ngành giáo dục phải xem xét lại việc phát triển các trường sư phạm, thay đổi cách đào tạo để cho ra những sản phẩm đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp trồng người. Có cơ chế để thu hút học sinh giỏi vào trường sư phạm cũng như giải quyết được việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Chỉ có như thế ngành mới mong thu hút được người tài. Dĩ nhiên, đi liền với đó phải rà soát, kiên quyết đưa ra khỏi ngành những giáo viên, cán bộ quản lý, yếu kém, không đủ điều kiện hoạt động. 

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục