Cách đây chưa lâu, Tunisia từng được đánh giá là nền kinh tế có tính cạnh tranh cao nhất châu Phi, đứng hàng 40 thế giới theo xếp hạng của Diễn đàn kinh tế thế giới. Các “ông lớn” như Airbus, Hewlett-Packard… đều để mắt tới thị trường này.
Không may, cuộc khủng hoảng chính trị tại Tunisia khiến cựu tổng thống nước này, ông Ben Ali, phải chạy trốn sang Saudi Arabia hồi giữa tháng 1 vừa qua khiến nền kinh tế Tunisa thiệt hại 2,1 tỷ USD, đầu tư nước ngoài vào quốc gia Bắc Phi này giảm 25% trong 4 tháng đầu năm 2011. Hơn ai hết, Chính phủ Tunisia lâm thời đang cố gắng bằng mọi cách mời chào các nhà đầu tư, nhằm khôi phục lại hình ảnh thị trường đầy tiềm năng này sau khủng hoảng chính trị.
Tuy nhiên, để có một nền kinh tế thực sự khỏe mạnh, Tunisia chắc chắn phải làm rất nhiều việc trong thời gian tới. Tờ Le Monde đã có bài viết phân tích những sai lầm trong chính sách kinh tế dưới thời của cựu Tổng thống Ben Ali, vốn phụ thuộc nhiều vào năng lượng. Trước đó, một nhóm các nhà kinh tế châu Âu cho rằng, cựu Tổng thống Tunisia Ben Ali sẽ không phải ra đi nếu như ông này không để giá thực phẩm và năng lượng tăng giảm tự do theo thị trường.
Ngược lại, tác giả bài viết trên Le Monde lại chỉ ra rằng, dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Ben Ali, giá cả các loại hàng hóa trên không hề chạy theo thị trường mà luôn nhận được trợ giá thông qua Quỹ bồi thường chung. Do không nắm được bản chất của nền kinh tế Tunisia, nhóm các nhà kinh tế châu Âu vừa qua lại kêu gọi quốc tế tài trợ mà không chỉ ra được những biến dạng trong cân bằng kinh tế của quốc gia Bắc Phi này.
Những khó khăn mà Tunisia đang gặp phải hiện nay không khác mấy so với nhiều quốc gia khác trên thế giới. Đó cũng vẫn là giá cả hàng hóa trên thị trường thế giới ngày một tăng cao, nền kinh tế Tunisia sau khủng hoảng chính trị gặp một cú sốc với các hoạt động kinh tế giảm sút.
Hơn nữa, cuộc chiến tranh ở Libya làm ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế của Tunisia, khi chính quyền Tunisia phải trả các khoản phí phát sinh bởi chiến tranh (hỗ trợ lao động Tunisia ở nước ngoài, tiếp nhận hàng chục ngàn người tị nạn, mất mối làm ăn với Libya - đối tác thương mại lớn thứ 2 của Tunisia...).
Các yêu cầu hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế hiện tập trung vào mục tiêu giúp quá trình chuyển đổi nền kinh tế tại Tunisia từ một nền kinh tế tập trung sang nền kinh tế tự do hơn. Các hỗ trợ này được chia thành 2 phần: Giúp đỡ ngay lập tức và hỗ trợ cho một kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng, doanh nghiệp nhỏ, dịch vụ, tài chính trung gian...
Các chuyên gia nhận định phát triển kinh tế không thể diễn ra nếu không có cải cách cơ bản về quản lý, nhất là gỡ bỏ rào cản đối với các doanh nghiệp, loại bỏ lối kiểm soát quan liêu đối với các doanh nghiệp với hàng loạt các loại giấy phép và những trở ngại khác.
Hỗ trợ phát triển có thể được tóm lại trong hỗ trợ ngân sách ngay lập tức. Tuy nhiên, hai bên không ở trong thế đối lập mà phải bổ sung cho nhau. Để phát triển mạnh cần có một bộ khung về kinh tế xã hội hòa bình.
Quan trọng nhất, giới phân tích nhận định các lãnh đạo Tunisia cho dù làm gì đi nữa cũng không thể xa rời mọi nhu cầu chính đáng của người dân, nhất là khi nguyên nhân ra đi của tổng thống tiền nhiệm bắt nguồn từ yêu cầu thay đổi trợ cấp an sinh xã hội.
ĐỖ CAO