Kỷ niệm 26 năm ngày mất của nhà văn Nguyên Hồng (5-1982 - 5-2008)

Thầy Nguyên Hồng - bố Hồng - của chúng tôi

Tháng 10 năm 1970, có một khóa học được khai giảng tại nhà sáng tác Quảng Bá - Hội Nhà văn Việt Nam. Đó là khóa IV, khóa đặc biệt dành cho chiến trường miền Nam… 70 học viên, phần lớn là sinh viên vừa tốt nghiệp khoa Văn và khoa Sử Đại học Tổng hợp Hà Nội cùng một số cây viết trẻ đang nổi như Triệu Bôn, Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Khắc Phục, Lê Điệp… Chủ nhiệm khóa học là nhà văn Nguyên Hồng.

Tôi là một trong bốn nữ sinh viên khoa Văn, cùng hai chị giáo viên cấp 3 nữa là sáu nữ. Khi đó tôi mới 21 tuổi. Bác Nguyên Hồng (sau này chúng tôi đều gọi là bố Hồng) thương chúng tôi lắm, nhất là mấy đứa con gái.

Bác là một nhà văn lẫy lừng với những bộ tiểu thuyết đồ sộ: Bỉ vỏ, Những ngày thơ ấu, Sóng gầm, Cửa biển… nhưng với chúng tôi, bác là một thầy giáo tận tụy, rất nghiêm khắc nhưng cũng rất tình cảm, nhân hậu…

Sáu đứa nữ chúng tôi ở trong hai căn phòng. Mùa đông rét căm căm, phòng nào cũng đóng cửa kín mít. Thỉnh thoảng bác lại gõ cửa: “Chúng mày muốn chết ngạt hay sao?”. Miệng nói, tay kéo ghế, bác trèo lên để mở cửa chớp phía trên cửa sổ. Tối nào bác cũng đi kiểm tra các phòng xem cửa nẻo đóng mở thế nào.

5 giờ sáng, chúng tôi đã bị “bố Hồng” đập cửa bắt dậy tập thể dục. “Không chịu khó tập luyện thì sức đâu mà đi tới nơi. Dậy. Cố gắng lên...”. Lúc đó chúng tôi cũng bực bội lắm nhưng nghĩ thương bác, gia đình ở tận Yên Thế, vậy mà bác bứt hẳn ra để “bám” khóa học này, chúng tôi đành uể oải rời phòng.

Bác chỉ dạy từng li từng tí… mãi sau này khi chúng tôi đã vào chiến trường rồi, bác vẫn đau đáu dõi theo…

Có lần mất điện, cả khu nhà tối om, trời rét không ra ngoài được, buồn kinh khủng. Điện sáng lóa lên, tụi tôi vừa tung cửa ra vừa reo: “Sướng quá, có điện rồi”. Lập tức bác đã từ đâu chạy đến “Các cháu ơi, con gái mà reo sướng thế à?”. Chúng tôi tiu nghỉu, thẹn thùng quay vào.

Trong một lần liên hoan, tôi ngồi cạnh bác. Khi tôi dừng đũa, mấy anh chị nói “ăn nữa đi chứ”, tôi trả lời “Dạ, em no rồi”. Các anh chị vẫn gắp thức ăn bỏ vào bát của tôi, tôi lại nói “Em no lắm rồi”. Lập tức, bác ghé vào tai tôi chỉnh ngay: “Cháu nên trả lời: Em đủ rồi. Con gái mà ăn no kình bụng lên thì còn ra thể thống gì nữa. Nói năng phải ý tứ cháu ạ”. Mặt tôi nóng ran…

Sau khi đi thực tế ở trại an dưỡng về, ai cũng viết ít nhất một bài báo hoặc truyện ngắn hoặc thơ. Tôi viết truyện ngắn về hai vợ chồng mỗi người một chiến trường, chị bị bắt, bị tra tấn dã man….

Trong đó có câu: Ba năm trôi qua. Khi chấm bài, bác gạch đít những chữ cần sửa. Tôi không bao giờ quên, bác gọi tôi: “Cháu viết thật thà mà dễ dãi quá. Và câu này, bác chỉ tay: Không thể viết nhẹ tênh như thế. Họ yêu nhau tha thiết, xa nhau là cực hình, lại bom đạn, tù đày… một ngày phải dài đằng đẵng… Làm sao ba năm có thể trôi được. Phải cân nhắc từng chữ, nó phải chuyển tải được ý nghĩa nào đó…”.

Tất cả chúng tôi đều yêu quý bác Nguyên Hồng. Chia nhau đi nhiều chiến trường, sống chết, còn mất ra sao… chúng tôi hẹn sẽ tìm nhau qua liên hệ với bác. Ngay khi hành quân trên đường Trường Sơn, gặp giao liên, chúng tôi đều gửi thư về cho bác. Không biết bác viết cho riêng tôi bao nhiêu thư vì trong chiến tranh, thư từ thất lạc là chuyện thường.

Tháng 9 năm 1971, tôi vào tới Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam (mật danh là B.9 ) thì được biệt phái ngay xuống T.4 (Khu Sài Gòn - Chợ Lớn – Gia Định ) cùng với chị Trần Thị Thắng, anh Phan Xuân Biên, Phan An, Hà Công Tài. Đầu năm 1973, tôi nhận được một bức thư rất đặc biệt.

Anh Trần Đức Cường, công tác tại B.9, thấy có thư bố Hồng, sợ đi thêm chặng đường dài bom đạn nữa sẽ thất lạc, anh cẩn thận chép nguyên văn gửi cho tôi, bản chính thì giữ lại, mãi sau này gặp nhau, anh mới đưa thư gốc. Anh còn cười: Đâu phải bố Hồng viết riêng cho Thanh. Viết chung cho cả đám con chúng mình đấy chứ.

Đúng thế. Bố Hồng mãi mãi là bố chung của khóa IV chúng tôi.

Kỷ niệm về bác thì nhiều lắm. Trong ngày giỗ của bác, tôi thành tâm nhớ đến bác và chia sẻ cùng những ai quan tâm đến nhà văn Nguyên Hồng, bằng một trong những bức thư bác gửi cho tôi cách nay đã 36 năm, về tấm lòng của một nhà văn lớn đối với đất nước và với thế hệ sau.

HÀ PHƯƠNG (Đỗ Thị Thanh)

Thông tin liên quan

Thư và bút tích của nhà văn Nguyên Hồng

Tin cùng chuyên mục