Thế giới Arab và Mỹ chia rẽ về lệnh ngừng bắn ở Gaza

Mỹ và các đồng minh Arab bị chia rẽ về cuộc tấn công quân sự của Israel ở Gaza nhằm đánh bại Hamas, khi Washington, cùng với Israel, chống lại áp lực yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức, bất chấp số người chết trong dân thường Palestine ngày càng gia tăng.

Theo Reuters, trong một biểu hiện hiếm hoi về sự chia rẽ công khai, các ngoại trưởng Arab tại cuộc họp báo đã thúc giục Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thuyết phục Israel đồng ý ngừng bắn. Tuy nhiên, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ đã bác bỏ ý kiến này, cho rằng việc dừng lại như vậy sẽ chỉ có lợi cho Hamas, cho phép Hamas tập hợp lại và tấn công Israel lần nữa.

Ông Blinken tiếp tục chuyến đi Trung Đông vào ngày 5-11, chuyến đi thứ hai của ông tới khu vực kể từ khi cuộc xung đột giữa Israel và Palestine bùng phát hôm 7-10.

Kể từ đó, Israel đã tấn công Gaza từ trên không, áp đặt một cuộc bao vây và tiến hành một cuộc tấn công trên bộ, gây ra báo động toàn cầu về các điều kiện nhân đạo ở vùng đất này. Các quan chức y tế ở Gaza cho biết, tính đến ngày 4-11, đã có hơn 9.488 người Palestine thiệt mạng trong các cuộc tấn công của Israel.

Hãng thông tấn Palestine WAFA cho biết 51 người Palestine, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, đã thiệt mạng và hàng chục người bị thương trong vụ pháo kích của Israel vào trại tị nạn Maghazi ở Gaza vào tối 4-11. Quân đội Israel đã không bình luận về thông tin này.

Số dân thường thiệt mạng ngày càng tăng đã làm gia tăng các lời kêu gọi quốc tế về ngừng bắn, nhưng Washington - giống như Israel, cho đến nay vẫn bác bỏ. Tuy Washington đã tìm cách thuyết phục chính phủ của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu chấp nhận tạm dừng bắn cục bộ, nhưng nhà lãnh đạo Israel đã bác bỏ ý tưởng đó sau khi gặp ông Blinken hôm 3-11.

Trong cuộc họp báo chung với ông Blinken, Ngoại trưởng Jordan Ayman Safadi lo ngại cuộc chiến sẽ “đẩy tất cả chúng ta một lần nữa vào vực thẳm của hận thù và mất nhân tính”. Vì vậy, theo ông cần ngừng bắn ngay.

Đặc phái viên Mỹ tại Trung Đông David Satterfield cho biết khoảng 800.000 đến 1 triệu người đã di chuyển đến phía Nam Dải Gaza, trong khi 350.000-400.000 người khác vẫn ở lại phía Bắc và các khu vực lân cận.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và các ngoại trưởng khối Arab gặp nhau ở Amman, Jordan. Ảnh: AP

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và các ngoại trưởng khối Arab gặp nhau ở Amman, Jordan. Ảnh: AP

Người Palestine đào bới đống đổ nát sau các trận không kích của Israel để tìm người sống sót. Ảnh: REUTERS

Người Palestine đào bới đống đổ nát sau các trận không kích của Israel để tìm người sống sót. Ảnh: REUTERS

Tin cùng chuyên mục