Mỹ hành động khẩn cấp
Trong bài phát biểu tại Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định sẽ đưa ra các hành động khẩn cấp nhằm hỗ trợ tài chính cho những người lao động bị ốm, tham gia cách ly hoặc chăm sóc người khác do nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, ông khẳng định, đây không phải là một cuộc khủng hoảng tài chính.
Theo Đạo luật Stafford, việc Tổng thống tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia do bệnh truyền nhiễm sẽ cho phép Cơ quan Quản lý khẩn cấp liên bang (FEMA) cung cấp ngân sách đối phó thảm họa cho các chính quyền bang và địa phương, cũng như cung cấp sự hỗ trợ liên bang đối với việc ứng phó với dịch Covid-19. Đạo luật Stafford cho phép giải ngân gói cứu trợ khẩn cấp lên tới 40 tỷ USD, đồng thời cho phép FEMA dỡ bỏ các hàng rào pháp lý để phân phối ngân sách cứu trợ nhanh hơn.
Các tuyên bố về tình trạng khẩn cấp quốc gia thường được đưa ra trong trường hợp thiên tai, song cũng có thể được sử dụng trong trường hợp dịch bệnh bùng phát. Các biện pháp trên của chính quyền Tổng thống Donald Trump được đưa ra trong bối cảnh số ca có xét nghiệm dương tính với Covid-19 ngày càng tăng nhanh tại các thành phố và tiểu bang của Mỹ, báo hiệu khả năng khó có thể kiểm soát được dịch bệnh tại quốc gia này.
Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cho biết, các nghị sĩ đảng Dân chủ và chính quyền của Tổng thống Donald Trump đạt được thỏa thuận về gói cứu trợ người dân Mỹ chịu tác động của dịch Covid-19. Theo Trung tâm Khoa học và Kỹ sư (CSSE) thuộc Đại học Johns Hopkins (Mỹ), tính đến ngày 14-3, số ca mắc Covid-19 tại Mỹ đã lên tới 2.028 người, với 43 ca tử vong.
Châu Âu rúng động
Tại châu Âu, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố, châu Âu hiện là trung tâm của đại dịch Covid-19 toàn cầu. Sau khi Italy đưa ra các biện pháp cách ly và hạn chế đi lại trên toàn bộ đất nước, nhiều nước châu Âu khác cũng đã công bố các biện pháp phòng chống dịch, như: Bồ Đào Nha, Ireland, Pháp, Bỉ, Đan Mạch. Dự kiến, trong tuần tới, Chính phủ Anh sẽ ban bố các luật khẩn cấp cấm các cuộc tụ tập đông người quy mô lớn. Đây là biện pháp tăng cường trong kế hoạch của Anh mà những người chỉ trích cho rằng quá lỏng lẻo.
Nhà chức trách Nga thông báo, bắt đầu từ ngày 16-3, hoạt động vận chuyển hành khách theo đường hàng không đến và đi các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), Thụy Sĩ và Na Uy sẽ bị hạn chế. Một loạt nước châu Âu như Đan Mạch, Ukraine, Ba Lan, CH Cyprus đều đã thông báo lệnh tạm đóng cửa biên giới và không cho người nước ngoài nhập cảnh. Chính phủ Áo cũng tuyên bố đóng cửa biên giới với Thụy Sĩ và Liechtenstein.
Châu Á tăng biện pháp phòng ngừa
Ngày 14-3, Chính phủ Singapore đã đưa ra thêm nhiều biện pháp nghiêm ngặt hơn nhằm kiềm chế sự lây lan của dịch Covid-19. Chính phủ Singapore hủy tất cả sự kiện thể thao, văn hóa, vui chơi giải trí có sự tham gia của 250 người trở lên, tăng cường các biện pháp giảm tiếp xúc ở nơi làm việc và nơi công cộng. Bộ Y tế Singapore cũng đưa ra danh sách 18 nước khuyến cáo người dân không nên đến, trong đó có Indonesia, Malaysia, Anh và Mỹ.
Tại Indonesia, Tổng thống Joko Widodo lập một nhóm phản ứng nhanh nhằm điều phối các nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của đại dịch.
Cơ quan Quản lý và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho biết, tổng số ca nhiễm Covid-19 tại nước này tăng thêm 107 ca, lên 8.086 ca. Hàn Quốc ghi nhận thêm 5 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại đây lên 72 người. Trong khi đó, 204 người đã bình phục và được xuất viện. Đây là ngày thứ hai liên tiếp số bệnh nhân hồi phục cao hơn số ca mới mắc Covid-19 tại Hàn Quốc kể từ khi nước này xác nhận ca đầu tiên mắc bệnh hôm 20-1. Số liệu mới nhất cho thấy đà lây lan dịch bệnh đang giảm dần tại nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á. Hiện tất cả bộ, ngành ở Hàn Quốc đã bố trí ca trực làm việc 24/24 giờ để kịp thời xử lý những vấn đề nảy sinh trong cuộc chiến chống dịch Covid-19
Tại New Zealand, Thủ tướng Jacinda Ardern tuyên bố mọi công dân nhập cảnh nước này từ nửa đêm 15-3 (giờ địa phương) phải tự cách ly 14 ngày để ngăn đà lây lan của virus nCoV. Bên cạnh đó, tất cả tàu, thuyền sẽ không được phép cập cảng ở New Zealand từ nay đến ngày 30-6 tới. Đến nay, New Zealand đã xác nhận 6 ca mắc Covid-19.
Trong phiên giao dịch cuối ngày tại thị trường châu Á, giá dầu bất ngờ quay đầu tăng hơn 6% nhưng vẫn trên đà chứng kiến mức giảm hàng tuần sâu nhất trong hơn một thập kỷ qua do tác động của cuộc chiến giá cả giữa những nhà sản xuất hàng đầu thế giới và tình hình đại dịch Covid-19. Giá dầu WTI tăng khoảng 4%, lên mức 33USD/thùng và giá dầu Brent cũng tăng 3,9%, lên mức 34,5 USD/thùng. |