Vì một thế giới không khí thải

Đã có những thị trấn không có khí thải carbon thì tại sao lại không tạo ra được một thế giới hoàn toàn không khí thải? Đó là câu hỏi mà luật sư môi trường Farhana Yamin nêu ra trong khi đề xuất ý tưởng “một thế giới không khí thải” tại các hội nghị về biến đổi khí hậu của LHQ trong thời gian gần đây.

Yamin là khuôn mặt kỳ cựu tại các hội nghị khí hậu của LHQ. Bà hiện là cố vấn của quần đảo Marshall và cũng từng làm việc cho Liên minh châu Âu (EU). Bà đã đi như con thoi từ đảo này đến đảo kia, tư vấn cho một loạt các quốc đảo đang bị mực nước biển đe dọa. Tại Hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu toàn cầu (COP-20) ở thủ đô Lima của Peru vừa diễn ra nhằm thống nhất một hiệp định mới, thay thế cho Nghị định thư Kyoto - hiệp định nhằm khống chế lượng khí thải của các quốc gia giàu, bà lại hối thúc phải loại bỏ khí thải vào giữa thế kỷ này, chính phủ các nước phải được kết hợp chặt chẽ trong thỏa thuận Paris vào năm tới, thỏa thuận tập trung vào những lần cắt giảm khí thải ngắn hạn bắt đầu từ năm 2020.

Kể từ khi được đề xuất vào năm 2013, ý tưởng “một thế giới không khí thải” đã thực sự bùng nổ. Ý tưởng này đã làm tốn rất nhiều giấy mực của báo giới, được đưa ra thảo luận tại các cuộc hội thảo về biến đổi khí hậu của LHQ. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon, các tổ chức môi trường, các ngôi sao nổi tiếng như Leonardo DiCaprio đã ủng hộ ý tưởng cấp tiến này. Theo báo CSM, lần đầu tiên trong lịch sử, nhiều chính phủ và chính quyền trung ương đã đi theo ý tưởng của bà. Nhiều thị trấn, thành phố trên thế giới đã bắt đầu hành trình loại bỏ khí thải tại từng khu vực địa phương, như El Gouna, một thị trấn du lịch ở Ai Cập, đang hướng tới mục tiêu trở thành một thành phố hoàn toàn không carbon đầu tiên tại Ai Cập cũng như tại châu Phi. Hồi tháng 5 năm nay, bà đã trình bày ý tưởng này tại một hội nghị ở Na Uy. Tại hội nghị COP-20 vừa qua, Na Uy đã hối thúc thế giới nỗ lực đạt được mục tiêu “không khí thải” vào năm 2050. Các cuộc thảo luận về biến đổi khí hậu trên thế giới cũng bắt đầu sử dụng cụm từ “sự trung lập khí carbon” thay cho cụm từ “không khí thải carbon”.

Theo bà Yamin, người ta tìm cách thay thế cụm từ của bà vì một số nhà phê bình đã gọi ý tưởng này không thực tế bởi nó giới hạn trong hai lựa chọn khắc nghiệt. Hoặc là từ bỏ các nhiên liệu hóa thạch, nguồn nhiên liệu chính tạo ra năng lượng và sự ô nhiễm khí thải nhà kính, hoặc là tìm những cách khác để “thu hồi” khí thải từ than, dầu và khí để chôn chúng xuống lòng đất. Lựa chọn thứ nhất đòi hỏi một sự thay đổi kiến tạo hướng tới sự hình thành năng lượng tái tạo. Lựa chọn thứ hai là phải triển khai nhanh những công nghệ đắt tiền nhưng chưa được thử nghiệm ở quy mô lớn. Điều này sẽ cần phải thực hiện trong trong vài thập kỷ, thậm chí khi nhu cầu năng lượng của các nước đang phát triển tăng nhanh chóng. Nhưng bà Yamin hy vọng rằng mục tiêu loại bỏ khí thải sẽ được hồi sinh trong “thỏa thuận Paris” khi COP-21 diễn ra tại Pháp vào năm tới, một khi người ta vượt qua được cú sốc về ý tưởng.

Hạnh Chi

Tin cùng chuyên mục