Nguy cơ liên minh khủng bố mới

Hôm nay 20-1, Bộ trưởng Quốc phòng 7 nước, gồm Pháp, Anh, Đức, Italia, Australia, Hà Lan và Mỹ sẽ gặp nhau tại Paris để thảo luận về tương lai cuộc chiến chống các nhóm cực đoan, khủng bố.
Nguy cơ liên minh khủng bố mới

Hôm nay 20-1, Bộ trưởng Quốc phòng 7 nước, gồm Pháp, Anh, Đức, Italia, Australia, Hà Lan và Mỹ sẽ gặp nhau tại Paris để thảo luận về tương lai cuộc chiến chống các nhóm cực đoan, khủng bố.

Ấn Độ tăng cường an ninh đề phòng khủng bố

IS bắt tay Boko Haram?

Tại Đức, nguy cơ tái xuất hiện của các nhóm khủng bố đang là thách thức mới với Berlin. Mặc dù tổ chức khủng bố “Nhóm quân đội đỏ (RAF)” bị giải thể 18 năm trước, song kết quả giám định ADN từ mẫu phẩm thu được trong vụ cướp tiền vận chuyển năm 2015 đã cho thấy dấu vết của các thành viên RAF trước đây. Không chỉ là thách thức trong nước, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen ngày 18-1 đã lên tiếng cảnh báo về cái gọi là “trục khủng bố” mới ở châu Phi. Tờ Bild dẫn lời ông Leyen cảnh báo tình thế sẽ “cực kỳ nguy hiểm” nếu tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và nhóm Hồi giáo cực đoan Boko Haram liên kết với nhau. Sự liên kết này sẽ khiến châu Phi trở nên bất ổn và tạo thêm những làn sóng người di cư mới, gây hiệu ứng dây chuyền sang các khu vực khác.

Cảnh báo của Bộ Quốc phòng Đức về liên kết IS - Boko Haram càng có cơ sở khi nguồn tin từ một tài liệu của Bayt al-Mal - cơ quan được ví như Bộ Tài chính của IS - tiết lộ rằng nguồn thu của IS bị sụt giảm nặng nề. Truyền thông Israel cho biết, nguyên nhân có thể liên quan tới các cuộc không kích ồ ạt của liên quân quốc tế nhằm vào các vị trí của IS tại Raqqa hồi tháng 12-2015 và chiến dịch của Iraq giải phóng thành phố Ramadi khỏi sự kiểm soát của IS.

Cũng trong mối lo khủng bố, Ấn Độ ngày 19-1 đã đặt các lực lượng an ninh của nước này trong tình trạng báo động cao sau khi có nhiều thông tin cho rằng các hoạt động kỷ niệm Ngày Cộng hòa năm nay phải đối mặt với mối đe dọa từ IS. Cùng ngày, hãng tin Yonhap của Hàn Quốc cho biết, Bộ Ngoại giao nước này vừa ban hành sách hướng dẫn chống khủng bố để giúp người dân đối phó hiệu quả hơn với những tình huống khẩn cấp khi ra nước ngoài. Cuốn sách hướng dẫn chi tiết cho người dân về cách xử lý khi gặp những tình huống liên quan tới bom, súng đạn, bắt cóc con tin cũng như đối mặt với các hóa chất, chất sinh học và phóng xạ.

Cần thống nhất chống IS

Trong một bức thư do đại diện thường trực Đan Mạch tại LHQ Ib Petersen trình lên Chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ ngày 18-1, nước này thông báo đang “áp dụng những biện pháp tương xứng và cần thiết” nhằm vào lực lượng IS tại Iraq và Syria. Tuy nhiên, bức thư trên không nói rõ Đan Mạch đóng góp vào sứ mệnh chống IS ở Syria như thế nào. Mặc dù đã điều máy bay chiến đấu tới Iraq, song Copenhagen chưa từng có hành động tại Syria.

Trong bối cảnh nhiều quốc gia vẫn còn hành động manh mún, thiếu sự minh bạch và thống nhất, ngày 19-1, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull đã kêu gọi liên minh quốc tế chống khủng bố cần đẩy mạnh tuyên truyền chống IS trong bối cảnh IS đang giành thắng lợi trên mặt trận tuyên truyền khi biết lợi dụng công nghệ và mạng xã hội. Ông cáo buộc các chính phủ, đặc biệt là Chính phủ Iraq và các lực lượng chống IS khác, phản ứng chưa đủ nhanh để phản bác các thông điệp trên mạng của IS, vốn được dùng để tuyển mộ các tay súng mới và chiếm tình cảm của những người phản đối chúng.

Cũng liên quan đến chiến lược chống khủng bố, theo khảo sát công bố ngày 18-1 của Viện Gallup, mức độ hài lòng của người dân Mỹ đối với chiến lược an ninh chống khủng bố quốc gia suy giảm đáng kể trong bối cảnh các vụ tấn công đẫm máu liên tiếp xảy ra gần đây như vụ khủng bố tại Pháp và California (Mỹ), chỉ có 43% người Mỹ tán đồng các biện pháp an ninh chống khủng bố hiện tại của Washington, so với con số 59% của cùng kỳ năm ngoái và 69% hồi tháng 1-2014.

HẠNH CHI (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục