Thêm dấu ấn của ông Obama

Trong một hành động được xem là mạnh chưa từng có của Mỹ để chống biến đổi khí hậu, Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 3-8 công bố hàng loạt các quy định mới về môi trường để cắt giảm mạnh lượng khí thải nhà kính - nguyên nhân chính làm gia tăng nhiệt độ trái đất.

Theo tờ New York Times, các quy định mới siết chặt hơn các quy định về môi trường so với năm 2012 và 2014. Nếu được lập pháp thông qua, quy định này sẽ đánh dấu sự thay đổi chính sách dẫn đến việc đóng cửa hàng trăm nhà máy điện chạy than và tạo ra một sự bùng nổ trong việc sản xuất năng lượng gió, năng lượng mặt trời và các nguồn năng lượng tái tạo khác. Phát biểu trong một đoạn video trên Facebook, ông Obama khẳng định: “Biến đổi khí hậu không còn là một vấn đề của một thế hệ”. Mục tiêu vào năm 2030 của ông là Mỹ sẽ cắt giảm khí thải 32% so với mức năm 2005.

Tờ báo này dẫn lời các cố vấn của Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết ông Obama muốn xem cuộc chiến chống biến đổi khí hậu là trọng tâm trong di sản để lại sau hai nhiệm kỳ, cũng quan trọng không kém như Luật Bảo hiểm y tế Obamacare. Dự báo một sự thay đổi lớn về ngành điện cũng sẽ vấp phải sự chống đối rất lớn từ các tập đoàn công nghiệp tương tự như những gì xảy ra với Obamacare. Luật y tế này đã trở thành vấn đề chính trị chiếm ưu thế hàng đầu trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 2010 và phải đối mặt với hàng chục vụ tấn công pháp lý trước khi được tòa án tối cao ủng hộ mới đây. Thượng nghị sĩ Mitch McConnell của bang Kentucky, lãnh đạo đa số của đảng Cộng hòa tại Thượng viện, bắt đầu một chiến dịch tấn công phủ đầu chống lại các quy tắc cắt giảm khí thải, yêu cầu thống đốc các bang từ chối thực hiện. Các luật sư từ hơn chục bang của Mỹ, dự kiến sẽ tăng lên 25 bang, đang chuẩn bị cuộc chiến pháp lý chống lại kế hoạch của ông Obama trước khi tòa án tối cao ra phán quyết. Dẫn đầu là các bang như Wyoming và West Virginia có nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào khai thác than hoặc điện chạy than giá rẻ.

Các quan chức chính quyền Obama đã nhiều lần nói rằng, giữa các tiểu bang sẽ có sự linh hoạt về cắt giảm khí thải theo cách khuyến khích mua bán quota khí thải giữa các tiểu bang và làm sao các doanh nghiệp sản xuất điện gây ô nhiễm phải bị đánh thuế cao, thúc đẩy họ đầu tư vào các nguồn năng lượng sạch hơn. Tuy nhiên, cơ chế này cho tới nay vẫn chưa hình thành. Nhà Trắng cho biết các bang tham gia chính sách năng lượng sạch của chính phủ liên bang sẽ được hỗ trợ tài chính. Các bang bắt đầu có những hành động cắt giảm khí thải CO2 sớm sẽ được khen thưởng với các khoản tín dụng và cả quota để bang này có thể bán lấy tiền mặt cho các bang có lượng khí thải cao.

Theo các chuyên gia, nếu nhiều nền kinh tế khác cùng hành động tương tự như Mỹ thì mới hy vọng lượng khí thải có thể chững lại, đủ để ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu. Vì vậy, ông Obama dự định sử dụng các quy định mới này để thúc đẩy các nước khác phải cam kết cắt giảm sâu khí thải carbon trước cuộc họp thượng đỉnh Liên hiệp quốc tại Paris trong tháng 12, khi một hiệp ước toàn cầu mới về chống biến đổi khí hậu dự kiến sẽ được ký kết.

THỤY VŨ

Tin cùng chuyên mục