Điều đó giống như một dấu chỉ, hé lộ cho bạn đọc về một tác phẩm mà nội dung của nó chứa đựng nhiều hơn cái vẻ bề ngoài của một cuốn sách dành cho trẻ em.
Theo chia sẻ của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, 2 tác phẩm cách nhau 10 năm ấy có thể xem là sự tiếp nối hoặc cũng có thể xem như 2 tác phẩm hoàn toàn độc lập. Và như vậy, độc giả lại có thêm một tấm vé để quay về tuổi thơ, để được sống trong những cảm xúc tinh khôi và trong trẻo.
Ở đó, bạn đọc sẽ gặp lại cu Mùi, Tủn, Tí sún, Hải cò… là những nhân vật từng xuất hiện trong Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ. Tuy nhiên, câu chuyện mà Cảm ơn người lớn mang đến lần này lại có thêm nhiều sắc thái mới. Ngoài 4 đứa trẻ, tác phẩm còn mở rộng sang cuộc đời, thân phận của các nhân vật khác như Hiệp còi, cái Lý, ông Hiên, anh Sỏi, bà Ngát, chị Chiêu… Tất cả hiện lên sống động qua 19 chương sách, làm thức dậy những hạt mầm thiện lương trong mỗi người.
Câu chuyện diễn ra ở một thị trấn nhỏ, nơi mà “người lớn chắc đã thuộc lòng từng con đường, từng ngôi nhà, kể cả từng mặt người”. Lũ trẻ 8 tuổi hồn nhiên vui đùa, hồn nhiên lớn lên với những trò chơi ngập tràn tiếng cười như giả làm vua, làm vợ chồng, vẽ lên kính. Ở mỗi đứa trẻ ấy, lại có những sở thích “không giống ai”: Tí sún thích lật ngược mi mắt lên rồi đi lòng vòng nhìn vào mặt thiên hạ để hù dọa, còn Hải cò lại tỏ ra thích thú với công tắc điện…
Viết để trẻ em đọc và cười khúc khích, nhưng người lớn đọc cũng thấy đâu đó hình ảnh của mình. Thế giới trong tác phẩm Cảm ơn người lớn dường như dành cho tất cả mọi người, từ trẻ con 8 tuổi cho đến người lớn 88 tuổi. Đó là một thế giới thơ dại trong vắt, trong vắt đến cả những nỗi buồn: “Nỗi buồn bị ba mẹ đánh đòn, nỗi buồn bị điểm kém, nỗi buồn chia tay cô giáo cũ, nỗi buồn khi đánh rơi tiền hoặc đánh mất đồ chơi…”.
Tác giả Nguyễn Nhật Ánh khắc họa 2 thế giới cùng tồn tại song song là trẻ em và người lớn. Hai thế giới ấy có nhiều khác biệt thấy rõ: “Trẻ con minh bạch hơn người lớn rất nhiều”, “Trẻ con thích ai thì nhào vô chơi một cách vô tư”, “Trái với các bậc phụ huynh, bọn tôi không xem những lời khuyên của bác sĩ là vàng ngọc. Bọn tôi ăn những thứ mình thèm và chơi những trò mình thích”.
Sự khác biệt đó làm nên những xung đột, khoảng cách giữa 2 thế giới. Nhưng cũng chính những xung đột đó giúp thế giới trẻ con và người lớn xích lại gần nhau hơn, để những nhân vật trẻ nhỏ nhận ra: “Người lớn kỳ dị, nhưng đôi khi vì họ phải nuôi trong lòng những nỗi niềm riêng như nuôi một gánh nặng. Kể cũng tội nghiệp những người lớn. Và trẻ con cũng nên khoan dung với họ một chút”.
Sức hút và tiệm cận
Không chỉ được biết đến là nhà văn có sách bán chạy nhất Việt Nam hiện nay, Nguyễn Nhật Ánh còn là tác giả của 5 tập thơ, gồm: Thành phố tháng tư (in chung với Lê Thị Kim), Đầu xuân ra sông giặt áo, Thơ tình Nguyễn Nhật Ánh, Tứ tuyệt cho nàng, Lễ hội của đêm đen. Trước đây, với Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ hay Ngày xưa có một chuyện tình, Nguyễn Nhật Ánh đều đưa thơ vào truyện.
Lần này với Cảm ơn người lớn, độc giả vừa theo dõi diễn tiến của câu chuyện vừa được thả hồn mình với những câu thơ đầy bay bổng, nhưng cũng kịp gieo vào lòng chút thổn thức: “Bắc chiếc cầu bí mật vào bóng đêm. Tôi xuyên qua những bức tường. Xuyên qua sự trắc trở của số phận. Để lai vãng một vài giờ trong giấc mơ của em. Những giấc mơ của mùa hè ngắn ngủi”.
Ở lần đầu, Cảm ơn người lớn được in 150.000 bản, trong đó có 130.000 bản bìa mềm và 20.000 bản bìa cứng. Tác phẩm sử dụng giấy in Kinmari của Nhật Bản, rất phù hợp với thời tiết tại
Việt Nam vì khắc phục được tình trạng ố vàng do không khí ẩm. Đặc biệt, cùng thời điểm ra mắt tại Việt Nam, tác phẩm cũng đồng thời phát hành tới cộng đồng người Việt tại một số khu vực như California (Mỹ), Tokyo (Nhật Bản), Đài Bắc và Cao Hùng (lãnh thổ Đài Loan) cùng Berlin (Đức).
Xuất hiện trong buổi ra mắt Cảm ơn người lớn mới đây, bà Phạm Thị Hóa, Phó Tổng giám đốc Công ty Fahasa, nhận xét sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh luôn nằm trong top sách bán chạy của Fahasa cũng như các đơn vị phát hành khác. Trong tháng 8 vừa qua, Fahasa đã ký hợp đồng với đối tác bên Nhà sách Kinokuniya (Nhật Bản) khai trương gian hàng sách Việt Nam và các tác phẩm của tác giả Nguyễn Nhật Ánh luôn nằm trong danh mục bán được nhiều nhất tại gian hàng này.
Thông tin từ bà Phạm Thị Hóa càng cho thấy sức hút của nhà văn được mệnh danh “hoàng tử bé” của Việt Nam đã thực sự vượt khỏi ranh giới của một đất nước bé nhỏ để tiệm cận với công chúng toàn cầu.