Muôn dặm đường hoa được viết dưới dạng tản văn nhưng thực chất đó vẫn là một cuốn sách thuộc thể loại du ký, khai thác một đề tài xuyên suốt - về hoa. Qua những bài viết của họa sĩ Trần Thùy Linh, bạn đọc thấy được hoa xuất hiện trên những mảnh đất dọc sông Hồng, lúc khác là miền sông nước Nam bộ. Rồi những vùng quê xung quanh TPHCM, hoặc những vùng ngoại ô Hà Nội, nơi Trần Thùy Linh đã có những tháng ngày tuổi thơ ở đó. Không gian trong tác phẩm lại được mở ra nơi xứ người với Hà Lan, Berlin (Đức), Argentina…
Là người tôn thờ chủ nghĩa xê dịch, từng đi nhiều nơi, theo họa sĩ Trần Thùy Linh, điều hào hứng nhất là mỗi khi đi, ta được sống một cuộc đời mới. “Với tôi, máu xê dịch ngấm từ hồi sinh viên. Hồi đó tôi học bên Đức, cứ 3 tháng một lần nhà trường tổ chức cho sinh viên Văn khoa đi khám phá thực tế. Nếu như bạn không đi là bạn không sống”, Trần Thùy Linh chia sẻ.
Một trong những lý do thôi thúc chị lên đường, chính là vì hoa. Trần Thùy Linh bày tỏ: “Tôi vẫn tin rằng, dù có đi năm châu bốn biển, khi trở lại với những thân quen, bạn sẽ khám phá bao điều khác biệt. Trong các chuyến đi của tôi có không ít những lần lên đường chỉ vì hoa. Tôi luôn thấy vẻ đẹp của từng vùng đất thật khác nhau qua những loài hoa tôi gặp tại các vùng miền ấy. Mỗi lần đi là mỗi lần khám phá về đất, về người và về hoa”.
Tác giả Trần Thùy Linh cho rằng, mỗi bông hoa đều kể chuyện về nơi mình sinh ra. Chính vì vậy, không dừng lại ở việc giới thiệu, miêu tả vẻ đẹp của những bông hoa mà mình gặp suốt dặm dài rong ruổi. Trong các bài viết của mình, ngoài cảm xúc đến từ sự rung động với hoa, Trần Thùy Linh còn mang đến những câu chuyện, những thăng trầm của vùng đất gắn liền với hoa. Nhờ đó, bạn đọc không chỉ hiểu thêm về hoa mà còn biết thêm về những miền đất lạ.
Và qua cuốn sách Muôn dặm đường hoa, tác giả Trần Thùy Linh cũng thôi thúc và nhắn nhủ người đọc sống chậm lại để lưu tâm đến vẻ đẹp xung quanh, để hiểu và yêu hoa hơn. Đặc biệt là cách để cảm nhận biết bao điều cao đẹp được tạo ra chính những bông hoa trong lòng người, theo cách của mỗi người. Đó cũng là lý do chị dùng một câu ngạn ngữ của Đức làm tít phụ cho cuốn sách của mình: “Những người gối đầu lên hoa cỏ sẽ có giấc mơ xanh”.