Thi công kè biển, hồ đập miền Trung: Về đích trước mùa mưa bão

Các tỉnh thành miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận đang đầu tư hàng trăm tỷ đồng hoàn thiện kè biển, hồ đập. Trong cái nắng hầm hập ở nhiều địa phương, lực lượng thi công hối hả làm ngày làm đêm nhằm hoàn thiện công trình trước mùa mưa bão.

Chạy nước rút xây kè biển

Ở vùng biển Xuân Hải (thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên), bà Nguyễn Thị Thu (80 tuổi) đứng bên mép sóng nói: “Trước kia làng chúng tôi cách bãi biển cả trăm mét, nhưng dần dà sóng biển tàn phá, lấy hết đi nhiều lớp nhà và uy hiếp hàng trăm hộ dân. Mấy năm nay nghe ở trên đầu tư kè biển chắn sóng, dân mừng lắm, trông cho thời tiết ổn định, các đơn vị thi công xong, bà con yên bụng khi mùa mưa tới”.

Trên công trường thi công kè biển Xuân Hải (giai đoạn 2), công nhân đang huy động mũi khoan hạng nặng đóng trụ bê tông xuống bờ cát tạo sống kè. Bên cạnh đó, các phương tiện khác đang cẩu, san gạt nền cát tạo khoảng chia cắt với mặt sóng biển nhằm tạo mặt bằng không nhiễm mặn, bảo vệ khu vực thi công. Không khí trên tuyến kè khá khẩn trương, vành đai bê tông chắn sóng khoảng 45 tỷ đồng bắt đầu hình thành trước sự quan tâm, theo dõi của hàng trăm hộ dân Xuân Hải.

Những trận mưa bão hồi cuối năm 2020 đã khiến rất nhiều diện tích đất đai, rừng phòng hộ, nhà dân ven bờ biển các thôn Phước Thiện, An Cường (xã biển Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) bị sạt lở, cuốn phăng ra biển. Giữa mưa vùi bão dập, hàng trăm hộ dân sống cảnh nơm nớp chạy sóng, phó mặc cho may rủi của trời đất. Sang mùa khô 2021, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã giao Ban Quản lý dự án (BQLDA) các công trình giao thông tỉnh làm chủ đầu tư ưu tiên thực hiện khẩn cấp tuyến kè biển Phước Thiện - An Cường (1,3km), với vốn khoảng 100 tỷ đồng.

Thi công kè biển, hồ đập miền Trung: Về đích trước mùa mưa bão ảnh 1 Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Bình kiểm tra mái ta-luy hồ chứa nước Đồng Vạt, xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch đang sửa chữa trước mùa mưa bão 2021. Ảnh: MINH PHONG

Trong khi đó, tranh thủ nắng ráo ở Quảng Bình, dự án sửa chữa, khắc phục hư hỏng hệ thống kè cửa sông, cửa biển huyện Bố Trạch được đẩy nhanh tiến độ thi công, đạt gần 90% khối lượng tại xã biển Nhân Trạch, Đại Trạch, Bắc Trạch.

Ông Trần Hoài Nam, Giám đốc BQLDA đầu tư xây dựng công trình NN-PTNT tỉnh Quảng Bình, cho biết: “Không chỉ đẩy nhanh tiến độ các dự án trên, chúng tôi cũng đốc thúc các nhà thầu nhanh chóng hoàn thiện kè biển xã Quảng Phú huyện Quảng Trạch, nhằm xử lý cấp bách sạt lở, bảo vệ đất đai, tài sản và tính mạng của hàng vạn người dân trong mùa mưa lũ”.

Nâng cấp hồ chứa đón lũ

Song song với thi công kè biển bảo vệ đất đai, các địa phương cũng tranh thủ nâng cấp hàng loạt hồ chứa nhằm tăng công suất tích nước, giảm lũ trong mùa mưa, tăng mức chống chịu cho hồ đập khi lũ về.

Ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, cho biết vừa giám sát kiểm tra gói thầu C1-QB-GD2-W3 sửa chữa, nâng cấp bảo đảm an toàn hồ chứa nước Thạch Trường, Đồng Vạt, Cây Bốm, Bưởi Rỏi thực hiện trong vòng 24 tháng với tổng kinh phí gần 66,5 tỷ đồng.

Ở hồ Thạch Trường (xã Liên Trường, huyện Quảng Trạch), nhà thầu đã hoàn thành tràn xả lũ, đắp đê quai được 289/349m. Hồ Đồng Vạt (xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch) đã xong cơ bản các hạng mục chính, đạt khối lượng 77%. Hồ Cây Bốm (xã Quảng Hợp, huyện Quảng Trạch) hoàn thành 2 phân đoạn nâng tuyến đê quai (phân đoạn 1 phía hữu dài 160m và phân đoạn 2 phía tả dài 260m). Hiện tại, đơn vị thi công đang tập trung đắp chống thấm mái thượng lưu phân đoạn 1 phía hữu và hoàn thiện nâng tuyến đê quai còn lại.

Tại tỉnh Hà Tĩnh, Ông Ngô Đức Hợi, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi kiêm Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, cho biết, việc nâng cấp, sửa chữa toàn bộ số hồ chứa xuống cấp của tỉnh cần nguồn kinh phí 500-600 tỷ đồng.

Từ năm 2020 đến nay, Hà Tĩnh triển khai 2 dự án WB8 nâng cấp 25 hồ chứa với kinh phí gần 500 tỷ đồng do BQLDA đầu tư xây dựng công trình NN-PTNT tỉnh làm chủ đầu tư; trong đó có 8 hồ chứa, chủ yếu ở địa bàn huyện Hương Sơn, Hương Khê, Kỳ Anh, Vũ Quang… đang triển khai thi công và dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2021. 17 hồ chứa còn lại đang lập dự án, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2022.

Đối với Quảng Trị, về lâu dài, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, đề xuất với Bộ NN-PTNT chủ trương đầu tư các dự án hồ Khe Mước, đập dâng Bến Than.

“Khe Mước sẽ cấp nước bổ sung cho 3.040ha đất canh tác, Khu công nghiệp Quán Ngang (2,5 triệu m3/năm) và nước sinh hoạt cho 73.176 người. Dự án đập dâng Bến Than sẽ cấp nước cho 2.119ha đất canh tác, khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị và nước sinh hoạt cho 25.084 người. Sau khi hoàn thành, hai dự án này sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân, góp phần cải tạo môi trường sinh thái”, ông Hà Sỹ Đồng cho biết.

Ông Đoàn Ngọc Lâm xác định: “Đảm bảo an toàn hồ đập tốt thì người dân yên tâm, hàng vạn người dân không bị uy hiếp bởi hồ đập quá tải, giảm thiểu thiệt hại trong mưa lũ. Do đó công tác rà soát các hồ đập trong mùa khô là rất quan trọng”.

Lãnh đạo các tỉnh miền Trung cũng chỉ đạo các địa phương trước mùa mưa lũ không được tích nước đối với những hồ chứa không đảm bảo an toàn, sau mưa lũ mới cho phép tích nước. Đồng thời kiểm tra lại toàn bộ hồ chứa nước, đánh giá, phân loại sự cố để ưu tiên vốn kịp thời nâng cấp, sửa chữa cũng như chuẩn bị sẵn sàng vật tư, thiết bị… nhằm kịp thời xử lý các sự cố xảy ra. Ngoài ra, Sở NN-PTNT các tỉnh cũng đang kiểm tra, tổng hợp những việc xử lý cấp bách hồ đập để trình UBND tỉnh xem xét, triển khai đầu tư kinh phí nâng cấp, sửa chữa tránh mất an toàn.

Tin cùng chuyên mục