Tuy nhiên, số trường tổ chức kỳ thi này chỉ có ĐH Quốc gia TPHCM, ĐH Luật TPHCM, ĐH FPT, ĐH Quốc tế Hồng Bàng, ĐH Hoa Sen, ĐH Quốc tế TPHCM (ĐH Quốc gia TPHCM).
Nỗ lực lớn từ các trường
Từ năm 2014-2015, ĐH Quốc gia Hà Nội tiên phong áp dụng kỳ thi ĐGNL để tuyển chọn thí sinh. Tuy nhiên đến năm 2016, ĐH này tuyên bố dừng kỳ thi ĐGNL và chỉ sử dụng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia để xét tuyển.
Năm 2016, Trường ĐH Luật TPHCM chính thức áp dụng bài thi ĐGNL. Năm 2017, Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM) triển khai kỳ thi ĐGNL và kết quả rất ít thí sinh tham gia; tuy nhiên, trường này vẫn nỗ lực duy trì kỳ thi này cho đến nay.
Năm 2018, ĐH Quốc gia TPHCM chính thức tổ chức thi ĐGNL để xét tuyển vào các trường thành viên cùng với việc sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Kỳ thi này thu hút 4.800 thí sinh dự thi (TPHCM có 4.050 thí sinh, 350 thí sinh ở Cần Thơ và 400 thí sinh ở Bình Định). Tuy nhiên, kỳ thi năm 2019 đã thu hút gần 37.000 thí sinh đăng ký đợt 1 (cao gấp 8 lần so với năm 2018).
Cùng với đó, số trường ngoài ĐH Quốc gia TPHCM đăng ký sử dụng kết quả của kỳ thi này để xét tuyển lên đến gần 20 trường.
Và đến năm 2019, cùng với ĐH Quốc gia TPHCM, các trường như ĐH Quốc tế Hồng Bàng, Trường ĐH Hoa Sen cũng công bố sẽ tổ chức thêm kỳ thi ĐGNL để tuyển chọn thí sinh.
Cùng với đó, dự kiến sang năm 2020 sẽ có thêm nhiều trường tổ chức kỳ thi ĐGNL. Theo PGS-TS Nguyễn Hữu Huy Nhựt, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TPHCM, dự kiến từ năm 2020, trường sẽ tuyển sinh bằng cách tổ chức kỳ thi ĐGNL tổng hợp UEH-GAT (UEH - General Ability Test).
Kỳ thi sẽ kiểm tra 3 khối kiến thức gồm Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội, Tiếng Anh. Các bài thi sẽ có các mức độ và tỷ lệ phân hóa để đánh giá, tuyển chọn người học phù hợp với đặc thù đào tạo của trường.
Trường dự kiến sẽ tổ chức thi nhiều đợt trong năm và tổ chức tại nhiều địa phương để tạo cơ hội và thuận lợi cho thí sinh. Thậm chí, trước khi tốt nghiệp THPT, học sinh vẫn được quyền đăng ký tham gia kỳ thi này.
Tại sao nhiều trường chọn kỳ thi ĐGNL?
Trong bối cảnh giáo dục ĐH thay đổi không ngừng, thì hiện nay các trường mạnh dạn chọn phương án thi ĐGNL.
Trước hết, nhìn vào sự thành công của một số trường như ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Luật TPHCM, ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM) thì rõ ràng kỳ thi trở nên nhẹ nhàng, thí sinh dự thi không căng thẳng, tuyển chọn được sinh viên theo mục tiêu và đặc thù đào tạo của trường. Trong đó có thể nói Trường ĐH Luật TPHCM là thành công nhất vì họ đào tạo khối ngành xã hội (luật, kinh tế). Từ năm 2016 đến nay, số lượng thí sinh đăng ký dự thi bài thi ĐGNL (theo cách gọi của trường này) luôn dôi dư rất nhiều so với chỉ tiêu cần tuyển.
Là một trong những người đầu tiên tham gia thực hiện để chuẩn bị cho kỳ thi ĐGNL của ĐH Quốc gia TPHCM như hiện nay, PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, cho biết: “Để có kỳ thi ĐGNL là một nỗ lực và quyết tâm lớn từ các trường. Chẳng hạn như ĐH Quốc gia TPHCM, ngoài sự chuẩn bị rất dài hơi và kỹ lưỡng thì Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM đã mạnh dạn chi cả chục tỷ đồng và quyết tâm thực hiện từ năm 2016 đến nay. Trước đó, từ năm 2003, ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TPHCM đã cử người sang Mỹ để tham khảo kỳ thi SAT của họ. Cái khó nhất của kỳ thi ĐGNL là chúng tôi phải xây dựng ngân hàng đề thi đủ độ tin cậy, test đi test lại rất nhiều lần ở các trường THPT cho nhiều đối tượng thí sinh. Sau đó, những câu hỏi có độ tin cậy cao thì chúng tôi mới đưa vào ngân hàng đề thi”.
Lý giải về việc chọn kỳ thi ĐGNL, PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa cho rằng: “Trước hết, ĐH Quốc gia TPHCM muốn có sự chủ động và ổn định trong khâu tuyển sinh. Đồng thời, ĐH Quốc gia là ĐH đa ngành, có những ngành rất đặc thù, nên cần có một kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển chọn người học cho phù hợp. Không có một phương án tuyển sinh nào là tối ưu, nhưng trong bối cảnh hiện nay, chúng tôi phải thực hiện để việc tuyển sinh ĐH trở nên đơn giản và có tính ổn định”.
Để đánh giá hiệu quả, ưu điểm của kỳ thi ĐGNL cần phải có thời gian và kết quả học tập của sinh viên so với các phương án tuyển sinh trước đây. Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy nhất đó là kỳ thi nhẹ nhàng, không thể gian lận, không tổ chức ôn thi, luyện thi tràn lan - những vấn đề mà dư luận đã từng phản ứng.
Theo TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, hiện nay có hàng ngàn ngành đào tạo được phân chia theo các khối ngành, mỗi nhóm ngành có yêu cầu năng lực đầu vào khác nhau để đảm bảo thí sinh phù hợp và thành công với ngành đó.
Thế nhưng, với năng lực tài chính, con người hiện nay, Bộ GD-ĐT chưa thể thiết kế các môn thi được đánh giá một cách khoa học để lựa chọn thí sinh. Do đó, việc các trường lựa chọn, thiết kế thi ĐGNL cho riêng mình là một nỗ lực lớn.
TS Hoàng Ngọc Vinh phân tích, về lâu dài, Bộ GD-ĐT nên có trung tâm khảo thí ngoài cơ quan hành chính của bộ để sản xuất đề thi cho các cơ sở đào tạo lựa chọn. Điều này sẽ mang lại hiệu quả rất lớn và tiết kiệm chi phí cho các trường trong khâu thi tuyển. Đây là tổ chức thuộc dịch vụ công. Nhà nước nên hỗ trợ ban đầu đào tạo chuyên gia, sau đó sẽ trang trải chi phí qua cung cấp dịch vụ. Sau này sẽ khuyến khích các tổ chức khác thành lập trung tâm nhưng trong vòng kiểm soát về tiêu chuẩn, phạm vi, năng lực... |