Thị trường M&A kỳ vọng phục hồi hình chữ V

Ngành xi măng Việt Nam đã trải qua giai đoạn phát triển nóng 2005-2010, khi hàng loạt dây chuyền sản xuất tự phát, quy mô nhỏ được đầu tư ồ ạt, máy móc vận hành kém hiệu quả. Hệ quả là hàng loạt doanh nghiệp trong ngành thua lỗ, nợ nần bủa vây. Lúc đó, hơn 30 dự án xi măng được xây dựng, tổng công suất thiết kế lên tới 35 triệu tấn, dẫn đến thị trường nhanh chóng bị bão hòa, cung vượt xa cầu, trong khi xuất khẩu cũng bế tắc. Dưới áp lực cạnh tranh khốc liệt, nhiều nhà máy chọn giải pháp M&A (sáp nhập và mua bán). Sau năm 2010, làn sóng M&A nổi lên, bắt đầu xuất hiện những doanh nghiệp trụ cột của ngành xi măng hiện nay.

Đơn cử, Nhà máy Xi măng Sông Lam (Nghệ An), tiền thân là Nhà máy Xi măng Đô Lương, thời gian dài làm ăn bết bát, khi được Tập đoàn Xi măng Vissai mua lại đã nhanh chóng biến khu vực này thành nơi sản xuất xi măng tầm cỡ, đầu tư thêm cảng biển quốc tế để vận chuyển hàng xuất khẩu. Bên cạnh khối tư nhân, doanh nghiệp có vốn nhà nước là Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) cũng tiến hành M&A khá nhiều dự án, điển hình là thương vụ mua lại Xi măng Hạ Long, Xi măng Sông Thao, Xi măng Áng Sơn. Theo thống kê, tổng giá trị các thương vụ M&A ngành xi măng 10 năm qua đạt xấp xỉ 33.000 tỷ đồng. Các thương vụ M&A diễn ra với tần suất khá đều đặn, giá trị các thương vụ liên tục tăng, cao điểm nhất là năm 2017 với tổng giá trị các thương vụ đạt 12.466 tỷ đồng. Nhờ M&A, ngành xi măng đã có nhiều doanh nghiệp quy mô lớn trong khu vực Đông Nam Á. Trong đó, nổi bật là Vicem, có quy mô sản xuất lớn nhất tại Việt Nam và lớn thứ hai tại Đông Nam Á, với 10 công ty con trực thuộc, sở hữu 16 dây chuyền sản xuất ở cả 3 miền, tổng năng lực sản xuất đạt 30 triệu tấn/năm. Một số doanh nghiệp trong nước như Vissai, Xuân Thành còn góp mặt trong danh sách doanh nghiệp có sản lượng xuất khẩu xi măng lớn nhất thế giới.

Đánh giá về M&A Việt Nam, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT, cho rằng, thị trường đã phát triển mạnh mẽ với hàng ngàn giao dịch, đạt gần 50 tỷ USD trong hơn 10 năm qua. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động đầu tư và thương mại quốc tế, song theo dự báo của Tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor International, Việt Nam là một trong những thị trường M&A năng động và tiềm năng nhất toàn cầu, với chỉ số đầu tư M&A dự báo năm 2020 là 102 điểm, đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Mỹ với 108,9 điểm. Nhiều chuyên gia cũng dự báo, sắp tới, thị trường M&A Việt Nam sẽ hồi phục theo mô hình chữ V trong giai đoạn 2021-2022. Cụ thể, thị trường có thể phục hồi mức 4,5-5 tỷ USD vào năm 2021 trước khi bật mạnh hơn với giá trị 7 tỷ USD năm 2022. Các lĩnh vực tài chính - ngân hàng, hàng tiêu dùng, bán lẻ và bất động sản, công nghiệp vẫn sẽ là tâm điểm thu hút M&A trong năm 2021.

Tin cùng chuyên mục