Thị trường mua bán tín chỉ cacbon tại Việt Nam: Dư địa nhiều, khai thác ít

Thị trường mua bán tín chỉ cacbon diễn ra ngày càng sôi động trên toàn cầu. Chỉ tính năm 2019, nguồn thu từ thị trường này đã đạt mốc 45 tỷ USD. Việt Nam được xem là nước có nhiều dư địa thị trường về lĩnh vực này nhưng chưa được khai thác đúng mức. 

Tiềm năng lớn

Phân tích từ các chuyên gia môi trường cho thấy, 2 lĩnh vực có thể đưa vào khai thác ngay nguồn thu cho thị trường mua bán tín chỉ cacbon là lĩnh vực sản xuất thép và xử lý chất thải rắn. Đối với ngành thép, hiện cả nước có trên 300 doanh nghiệp nhỏ và vừa sản xuất gang thép.

Ngành này cũng đang duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức cao, ước khoảng 18%/năm cho nguyên liệu sản xuất và 20% cho tiêu dùng. Tuy nhiên, việc ưu tiên đầu tư phát triển mạnh ngành này trong thời gian dài thiếu kiểm soát chặt chẽ công nghệ sản xuất khiến cho lượng phát thải của ngành ngày càng lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng môi trường. 

 Thị trường mua bán tín chỉ cacbon tại Việt Nam: Dư địa nhiều, khai thác ít ảnh 1 Sản xuất thép tại Nhà máy Thép Phú Mỹ. Ảnh: CAO THĂNG

Khảo sát của Vụ Tiết kiệm năng lượng, Bộ Công thương cho thấy, trung bình để sản xuất ra 10 triệu tấn thép, các nhà máy tại Việt Nam phát thải ra môi trường khoảng 21 triệu tấn khí CO2. Phát thải toàn ngành thép ước khoảng 122,5 triệu tấn CO2 (năm 2025) và tăng lên khoảng 133 triệu tấn CO2 (năm 2030), chiếm 17% tổng khí phát thải toàn quốc. Nguyên do là phần lớn nhà máy sản xuất thép đang phụ thuộc nguồn nguyên liệu hóa thạch hoặc điện. 

Còn với lĩnh vực xử lý chất thải rắn sinh hoạt, báo cáo của Bộ TN-MT nêu rõ, trung bình mỗi năm lượng chất thải rắn phát sinh trên toàn quốc khoảng 12 triệu tấn. Có đến 90% tổng lượng chất thải rắn phải xử lý bằng công nghệ chôn lấp. TPHCM là đơn vị có lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh lớn nhất cả nước, ước gần 3,5 triệu tấn/năm và 90% trong tổng lượng rác này đang được xử lý bằng cách chôn lấp.

Kết quả kiểm kê khí nhà kính đối với các hoạt động xử lý chất thải rắn do Bộ Xây dựng thực hiện cho thấy, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính phát sinh từ bãi chôn lấp rác tăng từ 6,5 triệu tấn CO2 (năm 2014) lên 8,1 triệu tấn (năm 2017) và dự ước cán mốc hơn 10 triệu tấn CO2 trong năm 2020. 

Giảm lượng phát thải khí nhà kính từ hai lĩnh vực trên không những giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường mà còn là nền tảng để Việt Nam hoàn thiện cơ chế hình thành thị trường mua bán tín chỉ cacbon trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TN-MT, cho biết, với ngành thép, chỉ cần chuyển sang sử dụng nguồn năng lượng tái tạo thay cho nguồn năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch, thì đã có thể giảm 13,5%/tổng lượng khí phát CO2. Tỷ lệ này cũng sẽ giảm 25% nếu sử dụng than sinh khối. Đặc biệt, nếu sử dụng điện tái tạo trong công nghệ luyện thép bằng lò điện hồ quang thì khả năng giảm phát thải khí lên đến 70%. Còn với lĩnh vực xử lý chất thải rắn, ước tính nếu sử dụng công nghệ thu hồi khí metan để sản xuất điện từ rác chôn lấp có thể giúp giảm tới 60% lượng khí thải phát sinh trong quá trình chôn lấp. Tuy nhiên, nếu rác thải được phân loại kết hợp ứng dụng công nghệ đốt rác phát điện thì lượng khí thải phát sinh có thể giảm đến 90%. 

Thiếu cơ sở khai thác

Việc triển khai hiệu quả giảm thiểu phát thải khí nhà kính 2 ngành trên cũng là cách Việt Nam thực hiện cam kết Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. Theo đó, Chính phủ đã cam kết giảm lượng khí phát thải 9% (vào tháng 9-2020) so với kịch bản thông thường bằng nguồn lực trong nước và 27% khi có sự hỗ trợ của quốc tế.

Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp, để hình thành thị trường mua bán tín chỉ cacbon hoàn chỉnh, vẫn còn rất nhiều hạ tầng cơ sở phải hoàn thành. Trước hết, phải định giá carbon. Đây là điều kiện cần và đủ để nhà đầu tư và doanh nghiệp thực hiện mua bán tín chỉ carbon, mở ra nhiều hướng đi mới trong việc bảo vệ môi trường và yêu cầu các cơ sở sản xuất đầu tư giảm thiểu khí thải hoặc trả tiền để mua tín chỉ carbon.

Mặt khác, cần xây dựng, ban hành hệ thống kiểm kê khí nhà kính, hệ thống giám sát phát thải khí nhà kính và ước tính phát thải ở cấp quốc gia, vùng, ngành, tiểu ngành, cơ sở sản xuất một cách minh bạch, chính xác theo yêu cầu và tiêu chuẩn quốc tế. Kế đến phải xây dựng, ban hành bộ tiêu chí xác định hạn mức phát thải khí nhà kính đối với từng ngành, tiểu ngành, cơ sở sản xuất.

Ở góc độ khác, ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TPHCM, cho biết, cần thúc đẩy nhanh xây dựng hạ tầng phục vụ cho hệ sinh thái tái chế chất thải. Đơn cử tại TPHCM - nơi chiếm 74% lượng rác thải chôn lấp của cả nước, việc phân loại chất thải rắn tại nguồn chưa được triển khai đồng bộ. Tình trạng này dẫn đến nguy cơ thiếu nguồn nguyên liệu đầu vào cho những nhà máy xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt phát điện đã được UBND TPHCM phê duyệt đầu tư.

Mới đây nhất, công ty đã hợp tác với liên minh tái chế bao bì nhựa đầu tư “Xây dựng mạng lưới thu gom và xử lý chất thải tái chế từ chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn”. Đây sẽ là nền tảng để xây dựng mô hình “Trung tâm xử lý và tái chế chất thải”, góp phần tăng hiệu quả hoạt động cho nhà máy xử lý rác thải thành điện sạch, giảm thiểu lượng khí phát thải từ rác.

Chính phủ cần thắt chặt hơn trong công tác kêu gọi, thu hút đầu tư cũng như cải tiến công nghệ sản xuất vốn đã lạc hậu tại các doanh nghiệp. Nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của nhiều dòng vốn đầu tư nước ngoài và là nơi an toàn để dịch chuyển các chuỗi cung ứng toàn cầu. Có thể thấy, bên cạnh mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu, công cụ định giá carbon còn góp phần bảo vệ môi trường, khuyến khích đầu tư phát triển sạch cũng như huy động các khoản đầu tư tài chính cần thiết để khuyến khích đổi mới công nghệ, thúc đẩy các động lực mới cho tăng trưởng kinh tế carbon thấp.

Tin cùng chuyên mục